Ký ức ngày giải phóng của những cựu chiến binh Quân đoàn 2

Hà Giang-Thứ ba, ngày 01/04/2025 12:40 GMT+7

bangdatally.xyz - “Giây phút đất nước được thống nhất, non sông quy về một mối, người dân Sài Gòn đổ ra đường ăn mừng chiến thắng”. Trung tướng Phạm Xuân Thệ xúc động chia sẻ.

Gần nửa thế kỷ đã đi qua kể từ ngày 30/4/1975, nhưng trong trái tim những người lính Quân đoàn 2, ký ức về một thời hoa lửa, về giây phút lịch sử trọng đại của dân tộc, vẫn vẹn nguyên như mới hôm qua. Những bước chân thần tốc tiến vào Sài Gòn đã ghi dấu một chiến thắng vĩ đại, nhưng cũng để lại bao mất mát, hy sinh không thể nào quên.

Ký ức ngày giải phóng của những cựu chiến binh Quân đoàn 2 - Ảnh 1.

Trái tim những người lính Quân đoàn 2 vẫn vẹn nguyên ký ức về một thời hoa lửa.

"30/4/1975 là ngày không thể quên trong cuộc đời tôi"

Những ngày cuối tháng 3, các cựu chiến binh Quân đoàn 2 thăm lại TP Hồ Chí Minh và các "địa chỉ đỏ" từng là chiến trường năm xưa như Ngã ba Đồng Lộc (tỉnh Hà Tĩnh), Thành cổ Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị)...

Quay trở lại Dinh Độc Lập (Hội trường Thống Nhất) sau gần 50 năm, Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Xuân Thệ - Nguyên Tư lệnh Quân đoàn 2, vẫn nhớ như in khoảnh khắc ngồi trên chiếc xe Jeep tiến thẳng vào dinh.

Ký ức ngày giải phóng của những cựu chiến binh Quân đoàn 2 - Ảnh 2.

Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Xuân Thệ - Nguyên Tư lệnh Quân đoàn 2.

"Đời lính chúng tôi trải qua rất nhiều cột mốc, nhưng 30/4/1975 là ngày không thể quên trong cuộc đời tôi. Bởi tôi nghĩ rằng trong trận đánh, bắt được tên chỉ huy đã là quý rồi, nhưng mình đã thay mặt đồng đội, hàng triệu nhân dân, trong đó có những người đang sống và kể cả những người đã ngã xuống, để bắt được nội các Dương Văn Minh, từ tổng thống đến thủ tướng, buộc chúng tuyên bố đầu hàng vô điều kiện", Trung tướng Phạm Xuân Thệ bồi hồi kể lại.

Trung tướng Thệ cho hay, mục đích ban đầu là đánh chiếm và cắm cờ tại Dinh Độc Lập, không hay biết chính quyền Dương Văn Minh vẫn còn ở đây. "Gặp được tổng thống của một chính quyền tôi vô cùng xúc động. Nhưng với tâm thế của người chiến đấu, tôi kiên quyết không nghĩ đó là tổng thống mà là kẻ thù, vì vậy phải bắt chúng đầu hàng càng nhanh càng tốt", ông kể.

Ký ức ngày giải phóng của những cựu chiến binh Quân đoàn 2 - Ảnh 3.

Quân đoàn 2 dẫn tổng thống Dương Văn Minh ra Đài phát thanh Sài Gòn đọc tuyên bố đầu hàng. (Ảnh: Tư liệu)

Nhắc về khoảnh khắc buộc kẻ địch đầu hàng, Trung tướng Thệ vẫn nhớ rõ từng câu từng chữ đã nói ngày hôm đó: "Các ông đã bị bắt làm tù binh, các ông phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, không có bàn giao gì cả". Ngay sau đó ông và đồng đội đã đưa Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu ra Đài phát thanh Sài Gòn để tuyên bố đầu hàng.

"Chúng tôi vỡ òa sung sướng, cảm giác ấy không gì có thể diễn tả được. Ngay lập tức tôi nghĩ về gia đình, về bố mẹ sau nhiều năm không thư từ, tin tức. Chúng tôi sẽ được đoàn tụ, bà con nhân dân và toàn thể đất nước Việt Nam cũng sẽ được đoàn tụ, xương máu của đồng đội đồng bào không còn phải đổ nữa!", Trung tướng Thệ xúc động chia sẻ.

Ký ức ngày giải phóng của những cựu chiến binh Quân đoàn 2 - Ảnh 4.

Các cựu chiến binh Quân đoàn 2 ghé thăm Dinh Độc Lập (Hội trường Thống Nhất).

Những nỗi nhớ khôn nguôi

Dạo bước quanh Dinh Độc Lập, thăm lại chiến trường xưa, Đại tá Nguyễn Thanh Tùng - Nguyên cán bộ Trung đoàn 84, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 tỉ mẩn quan sát từng thứ một. 

"Đứng giữa Sài Gòn giải phóng, nhìn thấy đất nước được thanh bình mà lòng cứ bồi hồi nhớ bao bạn bè đang yên nghỉ khắp mọi miền quê. Ngày hôm nay vẫn còn đến được Dinh Độc Lập là một điều may mắn. Bao bạn bè đồng đội đã dũng cảm hy sinh để cho mình được sống, để dành chỗ cho mình được đến đây ngày hôm nay", Đại tá Tùng rưng rưng.

Hòa bình đã trở lại, nhưng trong ánh mắt những người cựu chiến binh Quân đoàn 2 vẫn ánh lên nét bùi ngùi khi nhắc về những người đồng đội. 

Ký ức ngày giải phóng của những cựu chiến binh Quân đoàn 2 - Ảnh 5.

Nghĩa tình đồng đội sau gần 50 năm kháng chiến.

"Rất nhiều đồng chí đồng đội đã ngã xuống ngay trước mắt tôi, khi chiến thắng chỉ còn cách mấy tiếng đồng hồ. Khi ấy trong tôi chỉ có một suy nghĩ, là phải đánh đuổi toàn bộ chính quyền Sài Gòn để giành độc lập, tự do cho dân tộc. Tôi phải chiến đấu thay phần cho đồng đội đã hy sinh vì hòa bình đất nước", Trung tướng Phạm Ngọc Khóa - Nguyên Tư lệnh Quân đoàn 2 nhớ lại.

Kháng chiến đã giành đất nước về cho đời, nhưng nhiều chiến sĩ cũng vĩnh viễn mất đi những người đồng đội yêu quý.

Trung tướng Phạm Xuân Thệ chia sẻ: "Có được ngày hòa bình thống nhất như hôm nay, là bằng xương bằng máu của hàng triệu người dân Việt Nam nói chung và của quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng. Chúng ta phải luôn biết ơn thế hệ đi trước, những người đã không quản ngại hy sinh gian khổ, đồng thời phát huy truyền thống của cha ông, tiếp tục giữ vững hòa bình, xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp".

Quân đoàn 2, hay còn gọi là Binh đoàn Hương Giang, được thành lập vào ngày 17/5/1974. Đây là một trong những đơn vị chủ lực của Quân đội Nhân dân Việt Nam tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, góp phần quan trọng vào ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975.

Quân đoàn 2 đã tổ chức đội hình chiến đấu có lực lượng đột kích mạnh gồm xe tăng, pháo binh, pháo phòng không và bộ binh, cùng với quân và dân vùng Đông và Đông Nam Sài Gòn tiến công dũng mãnh, tiêu diệt, làm tan rã toàn bộ lực lượng địch phòng ngự trên hướng này.

Vào 11h30 ngày 30/4/1975, xe tăng số 843 và 390 của Lữ đoàn xe tăng 203 thuộc Quân đoàn 2 đã húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập. Ngay sau đó lực lượng Quân đoàn 2 đã tiếp quản Dinh, bắt giữ toàn bộ nội các của Tổng thống Dương Văn Minh, buộc họ tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước