bangdatally.xyz - Ký ức lịch sử đang được đánh thức một cách đầy sáng tạo, không chỉ qua những trang sách hay thước phim tư liệu, mà còn hiện hữu sống động trên không gian số.
Ký ức hào hùng “sống lại” giữa thời đại số - Ảnh 1.

Mỗi dịp kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam - thống nhất đất nước (30/4), câu chuyện về những năm tháng kháng chiến lại được nhắc nhớ trên nhiều phương tiện truyền thông. Nhưng thay vì chỉ là các bộ phim tư liệu hay sách giáo khoa, giờ đây, ký ức chiến tranh đang sống lại theo một cách rất mới, qua chính những người trong cuộc, trên nền tảng số.

Tại Bình Phước, vào mỗi tối cuối tuần, ông Đoàn Trọng Tước, cựu chiến binh nay đã ngoài 80 tuổi, lại mở điện thoại, bắt đầu livestream trên TikTok để kể về những tháng năm khói lửa của cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Không có micro chuyên nghiệp, không kịch bản cầu kỳ, đôi khi chưa quen với công nghệ nên phải nhờ con cháu giúp đỡ nhưng với ánh mắt tự hào, giọng nói trầm ấm và ký ức đong đầy, những câu chuyện của cụ ông chia sẻ đã chạm được vào trái tim của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ.

Chỉ sau vài phút livestream đã có hàng trăm lượt xem đổ về. Phía bên kia màn hình, người xem – đa phần là các bạn trẻ hào hứng theo dõi, gửi những biểu tượng cảm xúc và lời cảm ơn chân thành. “Con chưa bao giờ nghĩ chiến tranh lại gần đến thế”, một bình luận được đăng lên giữa “dòng ký ức”.


Ký ức hào hùng “sống lại” giữa thời đại số - Ảnh 2.

Nhiều người cho rằng, sự giản dị, chân thật, không cầu kỳ của livestream chính là điểm tạo nên sức hút riêng. Một số người bày tỏ mong muốn “ông hãy phổ cập hình thức kể chuyện này cho các chiến hữu của ông tham gia livestream cùng để lan tỏa được nhiều hơn"... tràn ngập khắp các video.

Trong thời đại số, khi những câu chuyện quá khứ dễ dàng bị lấn át bởi vô vàn thông tin mới mỗi ngày, dự án Viethoiky ra đời như một nỗ lực đặc biệt nhằm gìn giữ và lan tỏa ký ức của thế hệ đi trước - những người đã sống, chiến đấu và hy sinh cho hòa bình hôm nay. 

Nhằm hỗ trợ những cựu chiến binh nay đã ngoài 70 - 80 tuổi, nhóm Viethoiky đồng hành từ những điều nhỏ nhất như ghi hình, phỏng vấn, biên tập để ký ức không bị bỏ quên, mà được thắp lên bằng chính tiếng nói và ánh mắt của người từng trải.

Mỗi câu chuyện, mỗi cuốn hồi ký được ghi lại trong dự án là một “bài học sống”, không mang tính giáo điều, mà thấm đẫm cảm xúc và trải nghiệm thật. Ảnh: Phi Long.

Ông Nguyễn Lư, cựu chiến binh từng chiến đấu trong Sư đoàn 3 Sao Vàng – sư đoàn chủ lực đầu tiên của Mặt trận Giải phóng miền Nam, chia sẻ: “Tôi từng nghĩ ký ức là chuyện của riêng mình. Nhưng khi thấy các bạn trẻ làm dự án này, tôi mới hiểu, nếu chúng tôi không kể lại, thì sau này ai sẽ nhớ? Cả một đời sống và chiến đấu, phải để lại điều gì đó cho thế hệ sau, để các cháu hiểu được đất nước đã thay đổi ra sao”.

Mỗi câu chuyện, mỗi cuốn hồi ký được ghi lại trong dự án là một “bài học sống”, không mang tính giáo điều, mà thấm đẫm cảm xúc và trải nghiệm thật. Ở đó, những mất mát, chia ly, những khoảnh khắc bi tráng lẫn hy vọng đều được kể lại qua lăng kính của chính những người trong cuộc.

Anh Phạm Tuân, đồng sáng lập Viethoiky, cho biết: “Những cuốn hồi ký này không phải để đọc vội. Chúng là phần đời mà người ta từng sống, là ký ức và cảm xúc thật nên có sức chạm rất lớn. Người đọc không chỉ đang đọc, họ sống lại cùng nhân vật, hiểu vì sao đất nước hôm nay có hình hài như thế”.

Ký ức hào hùng “sống lại” giữa thời đại số - Ảnh 4.

Anh Phạm Tuân, đồng sáng lập dự án Viethoiky. Ảnh: Phi Long.

“Chúng tôi từng giúp một bác cựu chiến binh viết lại câu chuyện mất ba người bạn thân trong một trận bom trong hành trình vượt dãy Trường Sơn. Khi bản thảo hoàn thành và đưa cho con cháu đọc, cả nhà đều lặng đi. Đó không còn là sách, đó là ký ức được trao truyền”, anh Tuân nói.

Giữa thời đại công nghệ số, khi trí tuệ nhân tạo - A.I có thể sáng tác nhạc, viết thơ và dựng hình thì vẫn có những câu chuyện chỉ con người mới có thể kể. Đó là ký ức của những người từng nằm dưới giao thông hào, từng cõng đồng đội trên lưng, từng khắc tên người yêu lên báng súng rồi ra trận mà không biết có ngày trở về. Những mảnh ký ức ấy, không còn nằm yên trong ngăn kéo mà đang sống lại, giữa những dòng thông tin hàng ngày trên mạng xã hội.

Ký ức hào hùng “sống lại” giữa thời đại số - Ảnh 5.

Các câu chuyện lịch sử không chỉ được kể qua lời của những người đi trước, mà còn được thế hệ trẻ ngày nay chủ động tìm hiểu và lan tỏa theo cách riêng. Sự xuất hiện của các video “tóm tắt nhanh lịch sử Việt Nam” hay các dự án tái hiện những trận đánh lớn bằng đồ họa sinh động cho thấy lịch sử hoàn toàn có thể trở nên gần gũi và hấp dẫn, nếu được kể lại bằng ngôn ngữ phù hợp với thời đại số.

Tiêu biểu trong đó là nhóm EZ Sử, một đội ngũ gồm các bạn trẻ đã thu hút hàng triệu lượt xem nhờ cách tiếp cận mới mẻ với lịch sử. Được thành lập giữa đại dịch COVID-19, khi mọi hoạt động chuyển dần lên không gian mạng, EZ Sử ra đời từ một câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng đầy trăn trở rằng, lịch sử Việt Nam phong phú và sâu sắc như vậy, tại sao nhiều bạn trẻ chưa thực sự quan tâm?

“Tôi từng học sử rất vất vả”, anh Đoàn Hồng Nam, trưởng nhóm EZ Sử thẳng thắn chia sẻ, “Không phải vì sử không hay, mà vì cách truyền tải có phần khô khan. Khi tự tìm hiểu, tôi nhận thấy sử Việt là kho báu, chỉ là chưa có cách tiếp cận đủ hấp dẫn mà vẫn giữ chuẩn mực”.

Từ đó, anh cùng vài người bạn bắt đầu thử nghiệm video dạng motion graphic, kết hợp đồ họa, âm thanh, chuyển động để tóm lược lại các mốc lịch sử. Ban đầu chỉ có 2-3 thành viên, đến nay, EZ Sử đã là một đội gần 10 người, hoạt động bài bản từ khâu nghiên cứu, viết kịch bản, thiết kế hình ảnh tới dựng hậu kỳ.

Nhân dịp đại lễ 50 năm giải phóng miền Nam - thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) sắp tới, nhóm EZ Sử ra mắt một tuyến video đặc biệt mang tên “Chiến dịch Hồ Chí Minh”, cung cấp góc nhìn trực quan về những trận đánh với dữ liệu rõ ràng, dễ hiểu và gợi nhiều cảm xúc.

Theo anh Nam, công nghệ chính là “cánh tay nối dài” của người kể lại chuyện lịch sử. Từ AI, đồ họa đến thực tế ảo, tất cả đều có thể hỗ trợ tái hiện không gian, con người, trận đánh, biến những con chữ tưởng như khô khan thành trải nghiệm sống động.

Ký ức hào hùng “sống lại” giữa thời đại số - Ảnh 6.

Không chỉ EZ Sử, hệ sinh thái nội dung lịch sử do người trẻ sáng tạo đang ngày càng phong phú. Các kênh “Miền cổ tích”, “Vạn tích” sản xuất phim hoạt hình 2D về các nhân vật lịch sử như Đinh Bộ Lĩnh, Hai Bà Trưng... thu hút hàng trăm nghìn người theo dõi. Trên TikTok, những cái tên như “Sử Việt oai hùng”, “Dòng máu Việt” trở thành địa chỉ quen thuộc của hàng triệu bạn trẻ yêu lịch sử, với các video phân tích trận đánh, giai thoại nhân vật, hay tóm tắt các triều đại chỉ trong vài phút.

EZ Sử tâm niệm, sự kết hợp giữa hiểu biết - công nghệ - trách nhiệm sẽ tạo ra nội dung hấp dẫn mà vẫn đề cao tính chính xác. Trong thời đại mà thông tin trôi đi từng giây, những video triệu view về lịch sử không chỉ là thành tích cá nhân, mà còn là minh chứng cho giới trẻ không hề quay lưng với sử, chỉ là chưa được tiếp cận theo cách khiến họ muốn noi theo và đồng cảm với thế hệ đi trước.

Ký ức hào hùng “sống lại” giữa thời đại số - Ảnh 7.

Giữa nhịp sống hối hả, các “bài học” lịch sử không giáo án, không bục giảng vẫn lan tỏa mạnh mẽ. Những sản phẩm ấy không chỉ khơi gợi lòng tự hào dân tộc, mà còn cho thấy lịch sử không hề khô khan khi được “thổi hồn” đúng cách.

Trao đổi với phóng viên Thời báo VTV, TS Phạm Minh Thế, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận định rằng, việc đổi mới và hiện đại hóa cách kể chuyện lịch sử trên nền tảng công nghệ số là phù hợp, đồng thời phản ánh đúng xu thế phát triển của thời đại.

“Lịch sử là duy nhất và là chuỗi những sự kiện đã diễn ra, việc ứng dụng công nghệ vào phương pháp truyền tải lịch sử sẽ giúp câu chuyện trở nên mới mẻ, hấp dẫn và tiện lợi hơn với người tiếp nhận. Người xem có thể vừa nghe, vừa xem, thậm chí vừa làm việc mà vẫn tiếp cận được nội dung lịch sử”, ông Thế chia sẻ.

Sự sáng tạo là cần thiết để lịch sử đến gần công chúng hơn, song điều quan trọng là tính chính xác và sự kiểm chứng. Theo ông Thế, những hồi ức mang tính cá nhân, dẫu chân thực và xúc động, cũng không thể thay thế hoàn toàn cho sự thật lịch sử. Các sản phẩm số mang tính kể chuyện nên được xem là nguồn tham khảo, thay vì coi là tài liệu sử học chính thống nếu chưa qua kiểm chứng khoa học.

Nhận định này là một lời nhắc nhở dành cho thế hệ những người trẻ đang sôi nổi làm nội dung lịch sử trên mạng xã hội, những “người kể chuyện thời đại mới” vừa là khán giả, vừa là người “kiến tạo” ký ức.

Ký ức hào hùng “sống lại” giữa thời đại số - Ảnh 8.

Dưới góc độ của người trẻ đang “làm mới” lịch sử, anh Đoàn Hồng Nam cho rằng, điều quan trọng hơn cả là yếu tố chính xác và trách nhiệm để đưa lịch sử đến gần người xem mà không làm mất đi bản chất của nó.

“Hình ảnh có thể minh hoạ sáng tạo, nhưng dữ liệu và sự kiện thì không được hư cấu. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi video dù chỉ kéo dài vài phút, lại cần nhiều giờ để tra cứu, đối chiếu tư liệu trước khi lên hình”, anh Nam chia sẻ.

Vì thế, các bạn trẻ làm nội dung lịch sử ngày nay không chỉ là người kể, mà còn là người gạn lọc, chắt chiu ký ức. Những cú click chuột, những khung hình dựng lại thời khắc lịch sử hào hùng… không đơn thuần là hành động lan tỏa thông tin – mà còn là hành động tiếp nối dòng chảy của lòng yêu nước.

Trong những ngày cả nước hướng về dịp đại lễ của dân tộc, khi cờ đỏ rợp phố và ký ức hòa bình ùa về qua từng thước phim, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức nhiều các chiến dịch truyền thông dành riêng cho khán giả trẻ. Trong đó, dự án “Nối vòng tay lớn” được triển khai với hàng loạt video clip ngắn, đồ họa thông tin, livestream, các bài viết đa phương tiện... tái hiện sinh động và hấp dẫn hành trình 50 năm đất nước thống nhất và phát triển. Chiến dịch số "Yêu Việt Nam" là không gian sáng tạo dành cho tất cả người dân Việt Nam khi khuyến khích các học sinh, sinh viên, lực lượng vũ trang, nghệ sĩ, KOLs, người dân… quay clip ngắn để chào mừng đại lễ 30/4.

“Nối vòng tay lớn”, "Yêu Việt Nam"...  là những chiến dịch truyền thông được Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức dành riêng cho khán giả trẻ 

Lịch sử không chỉ là những trang sách cũ hay ký ức lặng lẽ của người đi trước. Giữa thời đại số, những câu chuyện thời chiến đang sống lại trên các nền tảng công nghệ, trở nên gần gũi, sinh động và chạm đến trái tim nhiều thế hệ.

Đó không đơn thuần là sự “hồi sinh” của ký ức, mà còn là minh chứng cho thế hệ hôm nay không bỏ quên quá khứ. Họ vẫn đang lắng nghe, kể lại và truyền cảm hứng bằng chính ngôn ngữ của thời đại mình, để mỗi người con đất Việt vẫn có thể chạm tay vào lịch sử và tiếp bước với niềm tự hào. Lịch sử, nhờ đó, không còn là những dòng sự kiện khô khan, mà trở thành chất liệu sống, kết nối các thế hệ bằng tình yêu, trách nhiệm và khát khao hiểu về cội nguồn.

Ngọc Hiền


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước