Kỷ nguyên vươn mình: Chuyển đổi số là cách mạng công nghệ, dữ liệu là tài nguyên

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 03/04/2025 06:06 GMT+7

bangdatally.xyz - Trong kỷ nguyên số, ta sẽ bị lạc hậu, bị thụt lùi nếu không nắm giữ lấy tài nguyên lớn - dữ liệu.

Dữ liệu là tài nguyên trong kỷ nguyên số

Tổng Bí thư Tô Lâm nhiều lần nhấn mạnh về kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và phương thức sản xuất số. Để có thể "vươn mình" trong kỷ nguyên số hiện nay, cần phải có đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Kỷ nguyên vươn mình không chỉ lấy cảm hứng từ tầm nhìn của người đứng đầu Đảng, mà còn góp phần lan tỏa tinh thần Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, được đánh giá là "khoán 10" của khoa học công nghệ để tạo đột phá cho phát triển đất nước.

Trong kỷ nguyên số, ta sẽ bị lạc hậu, bị thụt lùi nếu không nắm giữ lấy tài nguyên lớn - dữ liệu. Đây không chỉ là công cụ hỗ trợ mà còn là nền tảng cốt lõi cho mọi hoạt động của chính phủ, doanh nghiệp và xã hội.

Kỷ nguyên vươn mình: Chuyển đổi số là cách mạng công nghệ, dữ liệu là tài nguyên - Ảnh 1.

GS TS Vũ Hà Văn - Giáo sư toán học Đại học Yale, Hoa Kỳ chia sẻ trong chương trình "Kỷ nguyên vươn mình"

Trao đổi trong chương trình "Kỷ nguyên vươn mình" về vai trò của dữ liệu, GS TS Vũ Hà Văn - Giáo sư toán học Đại học Yale, Hoa Kỳ và là chuyên gia về Dữ liệu lớn (Big Data) cho biết: "Công cuộc chuyển đổi số là một cuộc cách mạng công nghệ, trong đó dữ liệu đóng vai trò tài nguyên. Nếu chúng ta khai thác đúng cách, chúng ta có cơ hội rất lớn để bắt kịp các nước tiên tiến".

Giáo sư Vũ Hà Văn cũng chỉ ra vai trò của dữ liệu trong việc đào tạo các hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI).

Tổng Bí thư Tô Lâm từng nhấn mạnh mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ 3 trong ASEAN về chính phủ điện tử, kinh tế số. Đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với bảo đảm an ninh, an toàn. Tập trung xây dựng xã hội số, số hóa toàn diện hoạt động quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao. Kết nối đồng bộ các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, doanh nghiệp, tạo nền tảng tinh gọn bộ máy, cải cách thủ tục hành chính thực chất. Phát triển kinh tế số, xây dựng công dân số.

Kỷ nguyên vươn mình: Chuyển đổi số là cách mạng công nghệ, dữ liệu là tài nguyên - Ảnh 2.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Để xây dựng hệ thống dữ liệu, Việt Nam đã có kế hoạch triển khai, tập trung vào 3 mặt trận chính:

Về pháp lý: Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Dữ liệu, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất khi Luật này có hiệu lực từ ngày 1/7 năm nay .

Về hạ tầng: Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện và đưa vào vận hành Trung tâm Dữ liệu Quốc gia vào ngày 19/8/2025, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam

Về dịch vụ: Tháng 4 này, Trung tâm Dữ liệu Quốc gia thí điểm triển khai mô hình mới về dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp nhờ dữ liệu tổng hợp quốc gia. Đến tháng 8, Sàn dữ liệu được đưa vào hoạt động cùng với đó nhiều sản phẩm, dịch vụ liên quan được nghiên cứu, triển khai.

Đề cập tới rào cản trong quá trình xây dựng hệ thống dữ liệu, GS TS Vũ Hà Văn chỉ ra vấn đề về tính đồng nhất của dữ liệu khi thu thập và cách quản lý, khai thác tài nguyên dữ liệu đó cho doanh nghiệp và người dân.

Theo đó, tiêu chuẩn của dữ liệu là "đúng, đủ, sạch, sống", trong đó yếu tố "sạch" đóng vai trò cực kỳ quan trọng để đảm bảo độ tin cậy của các dịch vụ và quyết sách dựa trên dữ liệu.

Xây dựng hệ thống dữ liệu "đúng - đủ - sạch - sống"

Dù còn không ít rào cản để xây dựng được một hệ thống dữ liệu lớn "đúng - đủ - sạch - sống", hiện ở Việt Nam, dữ liệu đang được ứng dụng, chia sẻ, quản trị trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội. Và đối tượng thụ hưởng không ai khách chính là người dân, doanh nghiệp và chính quyền các cấp.

Việt Nam cũng có nhiều thuận lợi khi chuyển đổi số quốc gia, bao gồm dân số trẻ năng động, sự phổ cập của mạng xã hội, internet phủ sóng toàn quốc. Tỷ lệ hộ gia đình có internet cáp quang đã đạt 82,4%.

Với những thuận lợi này, Việt Nam đặt mục tiêu lọt Top 70 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử; và Top 50 quốc gia về công nghệ thông tin. Tối thiểu 80% hồ sơ thủ tục hành chính sẽ được xử lý trực tuyến, cắt giảm ít nhất 20% thủ tục hành chính.

Đơn cử như TP Hà Nội cuối tháng 3 vừa qua đã bắt đầu phân luồng "làn xanh" hồ sơ đối với 10 dự án trọng điểm, xử lý ngay trong vòng 24 giờ kể từ khi tiếp nhận hồ sơ.

Có thể thấy các địa phương đang nỗ lực nâng cao chất lượng hành chính công để phục vụ người dân, doanh nghiệp nhanh và hiệu quả.

Ứng dụng VNeID là minh chứng rõ nhất. Từ khi xác thực cấp độ 2 cho tài khoản VNeID, nhiều người không mang ví nữa theo người bởi nó tích hợp hết mọi giấy tờ, thông tin cá nhân.

Kỷ nguyên vươn mình: Chuyển đổi số là cách mạng công nghệ, dữ liệu là tài nguyên - Ảnh 3.

Ứng dụng VNeID tích hợp nhiều giấy tờ, thông tin cá nhân

Kỷ nguyên vươn mình: Chuyển đổi số là cách mạng công nghệ, dữ liệu là tài nguyên - Ảnh 4.

Đến nay VNeID đã tích hợp hơn 30 loại dịch vụ công cần thiết trên môi trường điện tử, giúp người dân tiết kiệm 60% thời gian, 30% chi phí so với thủ tục hành chính theo cách truyền thống. Đó chỉ là 1 trong nhiều thành quả của Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia.

Bên cạnh hiệu quả, vẫn còn không ít hạn chế, điểm nghẽn khiến cho những trải nghiệm của người dân và doanh nghiệp chưa thực sự mượt mà. Nhiều tình huống "dở khóc dở cười" xảy ra khi thông tin trên hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư không trùng khớp với thực tế.

Những trường hợp sai sót do quá trình cập nhật dữ liệu giữa các cơ quan với nhau là chưa thường xuyên và đầy đủ, thiếu chuẩn xác, gây phiền phức cho người dân. Hiện chưa có khung pháp lý và khung chuẩn về dữ liệu nên việc thu thập đồng bộ và chia sẻ dữ liệu còn khó khăn.

Kỷ nguyên vươn mình: Chuyển đổi số là cách mạng công nghệ, dữ liệu là tài nguyên - Ảnh 5.

Nhiều tình huống "dở khóc dở cười" xảy ra khi thông tin trên hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư không đồng nhất

GS TS Vũ Hà Văn cho biết ngay cả những nước có công nghệ tiên tiến cũng có "sai số".

"Việt Nam có lợi thế của người đi sau. Mình hoàn toàn có thể học được từ hệ thống của họ để xây dựng hệ thống hoàn chỉnh hơn" - Giáo sư toán học Đại học Yale phân tích.

Quản trị hiệu quả dữ liệu quốc gia

Trung tâm Dữ liệu Quốc gia của Việt Nam được định hướng phát triển để trở thành cơ quan quản lý nhà nước về dữ liệu, thực hiện thu thập, phân tích, và bảo đảm an ninh dữ liệu. Đây là trụ cột để phát triển các sản phẩm và dịch vụ dữ liệu, hỗ trợ Chính phủ số, kinh tế số, và xã hội số.

Trung tâm sẽ tích hợp, lưu trữ, chia sẻ, và phân tích dữ liệu từ các cơ quan nhà nước, tạo ra kho dữ liệu tổng hợp để phục vụ hoạch định chính sách và phát triển kinh tế - xã hội.

Dự kiến đến năm 2030, hơn 90% hoạt động hành chính sẽ chuyển sang môi trường số thông qua Trung tâm Dữ liệu Quốc gia.

Kỷ nguyên vươn mình: Chuyển đổi số là cách mạng công nghệ, dữ liệu là tài nguyên - Ảnh 6.

Trung tâm Dữ liệu Quốc gia của Việt Nam được định hướng phát triển để trở thành cơ quan quản lý nhà nước về dữ liệu, thực hiện thu thập, phân tích, và bảo đảm an ninh dữ liệu. Ảnh minh họa

Về cơ chế liên thông và chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành và địa phương, Giáo sư Vũ Hà Văn nhận định đây là một vấn đề lớn và phức tạp, ngay cả ở Mỹ việc này cũng gặp nhiều khó khăn.

"Cần có băng thông đủ lớn, trung tâm dữ liệu của chúng ta phải đủ an toàn, khả năng mở rộng bởi dữ liệu mới hàng năm sinh ra rất nhiều" – ông Văn cho biết.

Việt Nam hiện đã xây dựng một hệ thống cơ sở pháp lý nhằm quản trị hiệu quả dữ liệu quốc gia.

Theo đó, Chính phủ mở cung cấp thông tin khuyến khích sự tham gia của công dân và tăng cường tính minh bạch trong hoạt động của chính phủ. Dữ liệu mở có thể truy cập, chỉnh sửa và chia sẻ bởi bất kỳ ai mà không bị giới hạn bởi bản quyền hay là quyền sở hữu. Dữ liệu mở giúp tăng cường minh bạch, đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế.

Tại Việt Nam, dữ liệu mở được cung cấp qua Cổng dữ liệu quốc gia. Các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận dữ liệu để phát triển sản phẩm số, từ đó hỗ trợ chuyển đổi số và phát triển kinh tế số.

Dự kiến Trung tâm Dữ liệu Quốc gia sẽ được vận hành ngay từ tháng 8 năm nay. Đây sẽ là tiền đề để Việt Nam phát triển kho dữ liệu tổng hợp gắn với con người, trở thành trụ cột dữ liệu chính để tạo nền tảng cho phát triển Chính phủ số, thúc đẩy kinh tế số và hình thành xã hội số.

Tuy nhiên mấu chốt là dữ liệu phải đảm bảo đủ các tiêu chí "đúng - đủ - sạch - sống", phải được quản trị hiệu quả để khai thác tối đa giá trị hiện hữu. Khi ấy, dữ liệu sẽ là nguồn tài nguyên quý giá và vô tận để phục vụ Chính phủ - doanh nghiệp - người dân.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước