Chợ và trung tâm thương mại - nơi tập trung đông người với mật độ hàng hóa cao, khoảng cách giữa các gian hàng hẹp, hệ thống đường dây điện dày đặc… Chính vì vậy, nguy cơ cháy nổ tại những khu vực này thường rất lớn. Thực tế cho thấy, từ đầu năm đến nay, liên tiếp xảy ra các vụ cháy chợ, dù không có thiệt hại về người nhưng thiệt hại về tài sản lên tới hàng tỷ đồng.
6h30' sáng 25/2, chợ Trung Môn tại huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang bất ngờ bốc cháy. Ngọn lửa xuất phát từ quầy bán giày dép nằm cuối chợ, sau đó nhanh chóng lan ra các gian hàng xung quanh. Khoảng 1 tiếng sau, đám cháy mới được dập tắt. Vụ cháy không gây thiệt hại về người, nhưng nhiều tài sản bị thiêu rụi. Nguyên nhân được xác định là do chập điện.
Trước đó, vào chiều tối ngày 26/1, một vụ hỏa hoạn cũng xảy ra tại chợ trung tâm thị trấn Yên Minh, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang. 20 hộ kinh doanh đã chịu thiệt hại lên tới hàng tỷ đồng.
Để chủ động phòng ngừa các nguy cơ cháy nổ tại các chợ và trung tâm thương mại, nhiều địa phương trên cả nước đã tăng cường công tác thanh kiểm tra và tuyên truyền kỹ năng cho các tiểu thương.
Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH hướng dẫn cho các hộ kinh doanh kiến thức và kỹ năng phòng chống cháy nổ.
Tại chợ Vườn Hoa, TP Thanh Hóa, những tồn tại, bất cập trong hoạt động kinh doanh, buôn bán đã được lực lượng chức năng nhắc nhở và yêu cầu khắc phục, đặc biệt các lỗi như: để hàng hóa lấn chiếm, che chắn lối đi; chiếm dụng khu vực phòng cháy để làm nơi chứa hàng; hệ thống điện chưa đảm bảo …
Còn tại Trung tâm Thương mại Bờ Hồ, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, tình trạng thắp hương, thờ cúng ngay tại gian hàng vẫn còn; các vị trí để thiết bị phòng cháy nằm ở góc khuất. Không những vậy, một số hạng mục phòng cháy còn chưa hoàn thành.
"Đơn vị cũng đã đầu tư, cải tạo và thực hiện đúng quy định của PCCC, tới nay, các thiết bị bổ sung đã đảm bảo PCCC tại đơn vị. Còn một số yêu cầu, tới đây đơn vị sẽ tiếp tục khắc phục", ông Nguyễn Văn Tám (Trung tâm Thương mại Bờ Hồ, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) cho biết.
"Qua kiểm tra, chúng tôi tập trung hướng dẫn cho người đứng đầu cơ sở chấp hành nghiêm túc PCCC, coi trọng kiểm tra sử dụng hệ thống điện, các loại nguồn nhiệt, xử lý nghiêm các trường hợp có hành vi, vi phạm. Mục tiêu của chúng tôi là đảm bảo không để xảy ra các vụ cháy, nổ đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn", Thượng tá Lê Như Cường (Phó Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh Thanh Hóa) nhận định.
Cục Cảnh sát PCCC&CNCH khuyến cáo, để đảm bảo an toàn, mỗi tiểu thương cần phải nắm rõ các kiến thức và kỹ năng phòng chống cháy nổ.
"Không thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã tại khu vực kinh doanh; phòng ngừa đảm bảo an toàn PCCC đối với hệ thống điện cần phải lưu ý tách biệt giữa khu vực điện sản xuất, phục vụ sinh hoạt, với khu vực điện phục vụ báo cháy và chữa cháy; trang bị những phương tiện PCCC tại các quầy, rạp hàng, ví dụ như bình chữa cháy xách tay, mặt nạ phòng độc; bố trí hàng hóa không làm chặn lối và đường thoát nạn, chèn bịt cửa thoát nạn", Đại úy Nguyễn Hà Sơn (Phòng Công tác phòng cháy, Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ) khuyến cáo.
Ban quản lý chợ cũng cần xây dựng, hướng dẫn cho các hộ kinh doanh phương án thoát nạn, cách xử lý các vụ cháy ngay thời điểm mới phát sinh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!