Dự kiến, trong đợt đầu sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, khoảng 100.000 người không còn làm việc trong khu vực công.
Quyết định rời khỏi cơ quan nhà nước năm 2019, với ông Nguyễn Trọng Hoàng là việc cực kỳ khó khăn sau 3 năm suy nghĩ.
9 tháng để kết hợp vốn kinh nghiệm về quản lý, nguồn lực từ 10 năm làm việc ở khu vực công, với khả năng nắm bắt, học hỏi nhanh từ yêu cầu công việc mới, ông Nguyễn Trọng Hoàng đã trở thành nhân tố quan trọng của doanh nghiệp.
"Tất cả mọi công việc từ thời gian, giờ giấc, cách thức làm việc và cách tiếp cận công việc đều khác hoàn toàn so với công việc của môi trường nhà nước", ông Nguyễn Trọng Hoàng (Giám đốc điều hành Công ty Bao bì Phúc Thịnh, TP Hồ Chí Minh) chia sẻ.
Khảo sát của công ty chuyên nghiên cứu và cung ứng nhân lực cho thấy, tuyển dụng lao động có trình độ và tay nghề đang là thách thức không nhỏ tại phía Nam. Vì vậy, gần 6.300 lao động từ khu vực công TP Hồ Chí Minh sẽ là nguồn bổ sung chất lượng.
Tuyển dụng lao động có trình độ và tay nghề đang là thách thức không nhỏ tại phía Nam.
Tuy nhiên, để rút ngắn thời gian tiếp cận và hòa nhập môi trường mới, chỉ nỗ lực của người lao động là chưa đủ, TP Hồ Chí Minh đã sẵn sàng chương trình hỗ trợ.
"Chúng tôi sẽ tổ chức các buổi bổ trợ kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động, trong đó các kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, hoặc các kỹ năng để hòa nhập trong môi trường của công ty", ông Nguyễn Văn Sang (Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TP Hồ Chí Minh) thông tin.
Bên cạnh đó, các công ty cung ứng lao động cũng có các chương trình hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp mang tính cá nhân hóa từ ứng tuyển đến kỹ năng làm việc cho lực lượng lao động đặc biệt này. Đây không chỉ là giải pháp tránh lãng phí nguồn lực, mà còn góp phần ổn định tâm lý lao động của khu vực công khi chuyển đổi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!