Đây là hậu quả từ nhiều nguồn thải như giao thông, công nghiệp, xây dựng… khiến việc xử lý ô nhiễm không khí trở thành một bài toán nan giải, đòi hỏi cách tiếp cận toàn diện và dựa trên cơ sở dữ liệu đáng tin cậy.
Theo các chuyên gia, có hai loại dữ liệu then chốt giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí. Thứ nhất là dữ liệu kiểm kê nguồn phát thải, cho biết loại khí thải, lượng phát thải và nguyên nhân cụ thể. Thứ hai là dữ liệu quan trắc thực tế, được thu thập hàng ngày từ các nguồn phát thải như phương tiện giao thông, nhà máy…
Một ví dụ điển hình là thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc), nơi ô nhiễm không khí do giao thông đã giảm tới 86% sau khi áp dụng các biện pháp mạnh mẽ dựa trên dữ liệu tích hợp từ quan trắc và mô hình mô phỏng. Thành công này đã được các nhà khoa học Trung Quốc chia sẻ tại Hội thảo khoa học quốc gia gần đây và nhận được sự đồng tình cao.
Bà Glynda Bathan - Phó Giám đốc điều hành Tổ chức Không khí sạch châu Á - nhấn mạnh: "Không có dữ liệu, thì không thể được quản lý được nhiễm không khí. Ngoài các trạm đo chất lượng không khí tiêu chuẩn của Bộ thì cần tăng dữ liệu bằng hình ảnh vệ tinh cũng có các cảm biến chi phí thấp".
Bà Ramla Khalidi - Trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam - cho rằng: "Việt Nam hiện đang từng bước thực hiện các biện pháp để ứng phó ở cấp cộng đồng. Các bạn chỉ có thể quyết định và hành động nếu có dữ liệu để cảnh báo và dự báo chất lượng không khí tốt hay xấu".
Hiện nay, nguyên nhân và nguồn gây ô nhiễm đã cơ bản được xác định. Tuy nhiên, dữ liệu quan trắc từ các trạm đo vẫn giữ vai trò không thể thay thế. Mỗi trạm đặt ở các vị trí khác nhau như đường phố, gần nhà máy hay khu dân cư đều có giá trị riêng trong việc phản ánh mức độ ô nhiễm thực tế.
GS. Nguyễn Thị Kim Oanh (Học viện Kỹ thuật châu Á - AIT) khẳng định: ""Tôi nghĩ là ta biết nguồn chính rồi, ta biết chất ô nhiễm chính rồi cũng không phải là cần quá sâu nhưng mà chất thì để mà chúng ta gọi là có thể thuyết phục được cái người mà gây ô nhiễm ấy thì nhất cũng phải đưa ra số liệu mà người ta tin tưởng được cả".
Trạm quan trắc thuộc cấp tỉnh thành phố hay trung ương không được trùng lặp về giá trị để tránh lãng phí. Còn số liệu kiểm kê các nguồn gây ô nhiễm không khí thuộc về trách nhiệm của các địa phương. Thế nhưng hiện tại có tới 40 tỉnh thành phố chưa hoàn thành trách nhiệm này. Không có dữ liệu thì kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng không khí giai đoạn 2025 - 2030 sẽ không thể thực chất và hiệu quả.
Theo ông Lê Hoài Nam - Phó Cục trưởng Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết: "Chúng tôi cũng đề nghị là các địa phương cũng khẩn trương triển khai việc thực hiện kiểm kê nguồn thải trong giai đoạn này trong thời gian một và hai năm tới đây để chúng ta có một cái bộ dữ liệu quốc gia tương đối đầy đủ".
Việc kêu gọi là cần thiết, nhưng để tránh chậm trễ, cần có chế tài nghiêm minh. Nếu không bắt đầu từ nền tảng dữ liệu, hành trình giải quyết ô nhiễm không khí của Việt Nam khó có thể thành công.
Theo đánh giá, để đáp ứng nhu cầu quan trắc chất lượng không khí, Việt Nam cần khoảng 400 trạm đo chuẩn. Tuy nhiên, chi phí đầu tư rất lớn. Giải pháp khả thi là kết hợp dữ liệu quan trắc với mô hình mô phỏng, vừa tiết kiệm, vừa phù hợp xu thế khoa học công nghệ hiện đại. Đây là hướng đi bền vững để xây dựng hệ thống dữ liệu toàn diện, hỗ trợ hiệu quả cho công tác quản lý chất lượng không khí trong giai đoạn tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!