Sáng 22/4, các cá nhân, tổ chức thuê mặt bằng trong tòa nhà "Hàm cá mập" tiếp tục khẩn trương di dời thiết bị, bàn giao lại mặt bằng cho Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) – đơn vị quản lý công trình. Từ chiều 20/4, hoạt động tháo dỡ đã bắt đầu được triển khai, đánh dấu bước đầu trong kế hoạch phá dỡ công trình gây tranh cãi kéo dài hơn ba thập kỷ.
Cửa kính tại một cửa hàng trong tòa nhà “Hàm cá mập” đã được khóa chặt, đánh dấu việc ngừng hoạt động để chuẩn bị bàn giao mặt bằng phục vụ tháo dỡ công trình
Thông báo tòa nhà “Hàm cá mập” ngừng đón khách từ ngày 21/4/2025 được dán ở nhiều vị trí
Ghi nhận tại hiện trường, không khí di chuyển và thu dọn tại các tầng trong tòa nhà diễn ra khẩn trương.
Tại tầng 1, nơi từng là mặt bằng của một chuỗi cửa hàng thời trang lớn, các nhân viên đang tất bật tháo dỡ kệ hàng, đóng gói vật dụng nhằm đảm bảo an toàn cho quá trình vận chuyển
Các thiết bị thông gió, điều hòa cũng đã được tháo dỡ
"Chúng tôi đã chủ động dọn hàng từ trước. Hôm nay là ngày tháo các hạng mục nội thất. Do cửa hàng mới đầu tư sửa sang gần đây nên phần lớn thiết bị vẫn còn mới. Tất cả sẽ được đưa sang chi nhánh khác để tiếp tục sử dụng. Chậm nhất tối nay sẽ hoàn tất việc bàn giao mặt bằng", quản lý cửa hàng cho biết.
Ở các tầng cao hơn, phần trần nội thất, gỗ, kim loại,… cũng đang được tháo dỡ. Những vật liệu có thể tái sử dụng được tập kết, bóc tách để vận chuyển.
Ở các tầng cao hơn, phần trần nội thất, gỗ, kim loại,… cũng đang được tháo dỡ, sẵn sàng di dời
Nhiều đồ dùng, nội thất từ các cửa hàng trong tòa nhà được tập kết tạm thời trên vỉa hè đường Đinh Tiên Hoàng, chờ xe đến vận chuyển
Việc phá dỡ tòa nhà "Hàm cá mập" là bước khởi đầu trong dự án quy hoạch, tổ chức lại không gian kiến trúc, cảnh quan tại khu vực quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, quận Hoàn Kiếm. Theo đề xuất của UBND quận Hoàn Kiếm, quận sẽ là chủ đầu tư dự án phá dỡ công trình, di chuyển hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm và hoàn trả cảnh quan đồng bộ cho khu vực.
Ngoài việc tạo nên một không gian mở, hiện đại hơn, thành phố Hà Nội cũng dự kiến triển khai công trình ngầm tại khu vực quảng trường. Theo phương án đề xuất, không gian ngầm sẽ gồm ba tầng hầm phục vụ đa chức năng: văn hóa, thương mại và bãi đỗ xe. Các lối lên xuống sẽ được thiết kế tại khu vực giáp phố Đinh Liệt, kết nối thuận tiện với khu vực lân cận.
Nhiều du khách tranh thủ chụp ảnh kỉ niệm với tòa nhà “Hàm cá mập” trước khi công trình bị phá dỡ
Lực lượng chức năng đã dựng rào barie, phong tỏa khu vực quanh đài phun nước Quảng trường Đông Kinh-Nghĩa Thục, ngăn các phương tiện đi vào khu vực này
Tòa nhà "Hàm cá mập" hay còn gọi là tòa nhà Trung tâm thương mại số 7 Đinh Tiên Hoàng, được xây dựng từ năm 1991 đến 1993, cao 6 tầng, diện tích mặt sàn khoảng 390 mét vuông. Trong đó, tầng một dành cho kinh doanh giày dép, túi xách, các tầng trên chủ yếu là nhà hàng và quán cà phê.
Việc phá bỏ tòa nhà "Hàm cá mập" không chỉ là câu chuyện chỉnh trang đô thị, mà còn gợi lại một chương kiến trúc gây nhiều tranh cãi kéo dài suốt hơn 30 năm. Trong sự tiếc nuối của một số người yêu không gian hoài cổ và góc nhìn đặc trưng từ ban công quán cà phê tầng 5, công trình này giờ đây đang lùi lại, để nhường chỗ cho một tầm nhìn mới, hiện đại và hài hòa hơn với không gian văn hóa của Thủ đô.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!