Khai thác khoáng sản trái phép bên trong khu vực làm homestay ở Phú Thọ

Nhóm phóng viên-Thứ tư, ngày 09/04/2025 06:00 GMT+7

bangdatally.xyz - Bên trong khu vực xây dựng homestay và cải tạo hồ Ao Giành (huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ) để nuôi trồng thủy sản, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép đang diễn ra.

Khai thác khoáng sản trái phép bên trong khu vực làm homestay ở Phú Thọ - Ảnh 1.

Toàn cảnh khu vực Ao Giành thuộc xã Mỹ Lương, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ

Tại khu vực Ao Giành, nơi có vai trò quan trọng trong hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu cho người dân xã Mỹ Lương (Yên Lập, Phú Thọ), hoạt động khai thác khoáng sản trái phép diễn ra sôi động cả ngày lẫn đêm. Máy xúc đào sâu vào lòng đất, xe ben ra vào liên tục, tạo nên cảnh tượng nham nhở, tàn phá hơn 10.000m² đất ao với nhiều vị trí bị khoét sâu cả chục mét. Tại hiện trường, những vệt đất màu trắng sữa lộ ra bên ngoài khi lớp đất đá trên bề mặt đã được đào móc, loại đất có tính chất giống với một loại khoáng sản có giá trị kinh tế cao trong ngành công nghiệp gốm sứ: Đất sét trắng.

Khai thác khoáng sản trái phép bên trong khu vực làm homestay ở Phú Thọ - Ảnh 2.

Nhóm đối tượng sử dụng máy xúc để khai thác khoáng sản trái phép nghi là đất sét trắng

Khai thác khoáng sản trái phép bên trong khu vực làm homestay ở Phú Thọ - Ảnh 3.

Từng vệt đất có màu trắng sữa hiện ra sau khi bóc tách lớp đất đá trên bề mặt Ao Giành

Khai thác khoáng sản trái phép bên trong khu vực làm homestay ở Phú Thọ - Ảnh 4.

Một số căn nhà nhỏ (nhà lắp ghép) dạng homestay được dựng lên nhằm che chắn cho hoạt động khai thác khoáng sản trái phép

Để che giấu hoạt động này, chủ đất này đã dựng lên các căn nhà nhỏ và các chòi hóng gió dạng homestay. Cùng với hoạt động xây dựng, các máy xúc và xe tải ben có điều kiện thuận lợi để bóc lớp đất đá bề mặt Ao Giành, sau đó, một lượng lớn khoáng sản đã bị đào móc, vận chuyển mang đi tiêu thụ. Tại hiện trường, có thể thấy hàng vạn khối đất có màu trắng đã bị khai thác, để lại các hố sâu.

Theo người dân địa phương, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép này đã diễn ra trong một thời gian dài. "Nhiều hôm nắng, xe đi bụi lắm mà mất an toàn giao thông. Họ chở liên tục đến ngày 28 Tết, rồi sau mùng 10 Tết Ất Tỵ thì lại bắt đầu chở tiếp. Đêm hôm họ cũng chở, chở cả ngày cả đêm. Nhiều lực lượng chức năng của huyện, cả UBND tỉnh cũng đã xuống kiểm tra nhưng chỉ im ắng một thời gian là lại đâu vào đấy", một người dân địa phương chia sẻ.

Điều đáng nói là các homestay dựng tạm bằng khung thép này cũng là những công trình trái phép trên đất nông nghiệp. Trao đổi với phóng viên, đại diện UBND xã Mỹ Lương cho biết rất khó để xử lý các công trình vi phạm này. Đối với việc khai thác khoáng sản trái phép, vị đại diện này khẳng định không có hiện tượng khai thác và xã Mỹ Lương không có điểm mỏ đất nào được cấp phép khai thác tại Ao Giành.

Ông Nguyễn Khắc Đạt, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lương khẳng định không có điểm mỏ nào được cấp phép ở vị trí Ao Giành

"Địa bàn xã thì không có vị trí khai thác đất khoáng sản. Tuy nhiên trong quá trình kiểm tra thực tế, UBND xã cũng đã lập biên bản đình chỉ. Đối với việc xây dựng trái phép trên đất trồng cây lâu năm là do hộ dân mua lại đất của người địa phương nhưng chưa làm thủ tục chuyển nhượng nên rất khó xử lý", ông Nguyễn Khắc Đạt, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lương thừa nhận.

Dù đại diện UBND xã liên tục phủ nhận không có hiện tượng khai thác khoáng sản trái phép, nhưng hiện trường tại Ao Giành lại không biết nói dối. Phóng viên đã trực tiếp cùng đại diện Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Yên Lập, UBND xã Mỹ Lương xuống hiện trường. Tại đây, khi được trực tiếp cầm trên tay cục đất có màu trắng sữa để kiểm tra, ông Nguyễn Trường Nam, Phó Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Yên Lập vẫn không thể nhận ra loại đất màu trắng này là loại khoáng sản nào vì thời gian phụ trách lĩnh vực mới được 2 năm.

Theo Khoản 1, Điều 64, Luật Khoáng sản 2010, khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường bao gồm: Cát xây dựng, đất sét làm gạch, đá làm vật liệu xây dựng, đất san lấp. Để khai thác các loại khoáng sản này, đơn vị khai thác cần được cơ quan có thẩm quyền cấp phép khai thác khoáng sản. Với những hình ảnh phóng viên cung cấp, ông Nguyễn Trường Nam nhận định việc vận chuyển đất, khoáng sản ra khỏi Ao Giành đưa đi tiêu thụ là trái phép. Theo hồ sơ được lưu ở UBND huyện Yên Lập, vị trí này cũng không có điểm mỏ nào được cấp phép khai thác.

Khai thác khoáng sản trái phép bên trong khu vực làm homestay ở Phú Thọ - Ảnh 6.

Ông Nguyễn Trường Nam, Phó Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Yên Lập kiểm tra mẫu đất lấy từ đáy Ao Giành

Khai thác khoáng sản trái phép bên trong khu vực làm homestay ở Phú Thọ - Ảnh 7.

Chủ homestay chuẩn bị lưới B40 để rào kín khu vực khai thác, chuẩn bị cả biển cấm để phục vụ việc khai thác trái phép

Khai thác khoáng sản trái phép bên trong khu vực làm homestay ở Phú Thọ - Ảnh 8.

Lực lượng chức năng xã Mỹ Lương kiểm tra trực tiếp tại hiện trường Ao Giành

Khai thác khoáng sản trái phép bên trong khu vực làm homestay ở Phú Thọ - Ảnh 9.

Lãnh đạo xã Mỹ Lương yêu cầu cán bộ địa chính lập biên bản, yêu cầu phân tích mẫu khoáng sản xuất hiện bên dưới Ao Giành

Câu trả lời của đại diện Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Yên Lập khiến người dân địa phương và dư luận không khỏi lo lắng. Dư luận đặt câu hỏi: Với khối lượng đất đá bị đào bới quy mô lớn, xe tải ra vào thường xuyên, tại sao chính quyền xã và các cơ quan chuyên môn lại không biết, hoặc không thể xác định được đang diễn ra hành vi gì? Việc để các công trình sai phép mọc lên trên đất nông nghiệp, sử dụng đất trái mục đích mà chỉ đến khi "xây xong mới biết" cho thấy sự buông lỏng quản lý nghiêm trọng.

Để bảo vệ tài nguyên quốc gia và giữ gìn kỷ cương pháp luật, đã đến lúc, các cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ cần vào cuộc, xử lý nghiêm minh, làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức liên quan.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước