Sau thời gian đối tượng kết bạn, xây dựng tình cảm và tạo lòng tin với "con mồi" qua các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Telegram… chúng dụ dỗ nạn nhân chia sẻ hình ảnh nhạy cảm, hoặc dùng AI (trí tuệ nhân tạo) cắt ghép khuôn mặt vào những video giả mạo để tống tiền.
Mồi chài bằng những tài khoản "bóng bẩy"
Bỗng một ngày, bạn L.T.N. nhận được lời mời kết bạn từ một người lạ trên ứng dụng Telegram. Người này làm quen, giới thiệu bản thân là một người thành đạt, có ảnh đại diện trông rất cuốn hút.
Sau một vài tuần tìm hiểu, N. và đối tượng này tiến đến quan hệ tình cảm. Thời gian đầu là những cuộc gọi video hỏi thăm nhau rất bình thường giữa các cặp đôi. Sau khi có được lòng tin, đối tượng dụ dỗ N. quay hình những bộ phận nhạy cảm và nói chuyện 18+ khi gọi điện.
"Ngay lập tức sáng hôm sau hắn gửi cho tôi hình ảnh bạn bè tôi trên Facebook và dọa sẽ gửi cho họ video nhạy cảm của tôi. Hắn yêu cầu tôi chuyển khoản 12 triệu thì sẽ xóa clip và không làm phiền nhau nữa", N. bàng hoàng kể lại.
N. cho biết thường ngày chỉ trao đổi với đối tượng này qua Telegram, không biết vì sao người này tìm ra được tài khoản Facebook và có được danh sách bạn bè của mình.
Một nạn nhân khác là N.T.T.H. cũng gặp phải chiêu trò lừa đảo tương tự, chỉ mới là học sinh cấp 3. Sau một vài cuộc gọi video, kẻ xấu đã dùng công nghệ deepfake để ghép khuôn mặt của H. vào những video với nội dung 18+.
"Hắn gửi video đó cho một vài người bạn của tôi và dọa sẽ tiếp tục gửi cho bố mẹ, thầy cô nếu tôi không chuyển tiền. Vì quá lo sợ, tôi đã gửi cho hắn 2 triệu như yêu cầu. Nhưng thay vì xóa clip như thỏa thuận, hắn đe dọa với lời lẽ rất thô tục và tăng số tiền lên. Tôi đã chuyển khoản thêm hai lần, đến lúc không thể chi trả thêm được nữa, hình ảnh của tôi bỗng xuất hiện tràn lan trên các hội nhóm, trang web đen", H. bủn rủn cho biết.
Kẻ lừa đảo tung video nóng của nạn nhân cho bạn bè để ép trả tiền.
Không nên kết bạn với người lạ trên không gian mạng
Chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) - người sáng lập dự án "Chống lừa đảo" cho biết, số lượng người gặp tình trạng này nhờ anh giúp đỡ tăng vọt khoảng hơn nửa năm nay.
Riêng trong tháng 3, dự án đã nhận được 5 lời cầu cứu do bị tống tiền bởi những hình ảnh, clip nhạy cảm. Các nạn nhân đều để lộ nhiều thông tin cá nhân, hiện đang rất suy sụp và thấp thỏm lo sợ.
Dự án “Chống lừa đảo” nhận được hàng chục email cầu cứu chỉ trong vài tháng qua.
Anh Hiếu cho hay: "Đa phần nạn nhân là những bạn trẻ mới đi làm hoặc học sinh cấp 3 ít giao tiếp xã hội. Một vài trường hợp tìm đến chúng tôi để xin lời khuyên, tuy nhiên cũng có trường hợp rơi vào bẫy đã chuyển khoản hàng trăm triệu đồng".
Theo anh Hiếu, việc sử dụng những chiêu trò này để lừa đảo tống tiền ngày càng phổ biến bởi trí tuệ nhân tạo AI và kỹ thuật deepfake hiện nay rất phát triển. Đồng thời, các địa chỉ IP của kẻ lừa đảo mà anh điều tra ra đều nằm ở Campuchia nên rất khó xử lý.
"Để tránh bị lừa đảo tống tiền bằng những nội dung 18+, chúng ta không nên kết bạn với những người lạ trên không gian mạng, đặc biệt là những tài khoản trông rất bóng bẩy, thành đạt. Đồng thời hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân, hình ảnh của bản thân trên mạng xã hội ở chế độ công khai.
Khi trường hợp xấu nhất xảy ra, tuyệt đối không chuyển tiền cho kẻ lừa đảo, vì đây sẽ là ‘vũng bùn không đáy’, càng sa vào sẽ càng mất nhiều tiền hơn nữa. Các nạn nhân cần báo ngay cho cơ quan công an để được hỗ trợ. Bên cạnh đó nên thông báo cho người thân, bạn bè đây là hình ảnh cắt ghép bằng AI để không ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày", anh Hiếu chia sẻ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!