Hợp tác xã – Đòn bẫy đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế nông nghiệp

Phước Thành-Thứ sáu, ngày 25/04/2025 19:27 GMT+7

HTX Cộng đồng Phụ nữ Đăk Viên (xã Tê Xăng), tập trung sản xuất và chế biến các loại dược liệu.

bangdatally.xyz - Tham gia vào hợp tác xã bước đầu đáng khích lệ, mở ra hướng đi mới cho công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập và thay đổi tư duy sản xuất.

Tỉnh Kon Tum xác định, có ít nhất 20% hộ dân tộc thiểu số (DTTS) tham gia vào hợp tác xã (HTX). Đến nay, đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ, mở ra hướng đi mới cho công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập và thay đổi tư duy sản xuất trong cộng đồng người DTTS.

Phụ nữ DTTS tiên phong trong kinh tế hợp tác

Nằm giữa núi rừng Kon Tum, HTX Cộng đồng Phụ nữ Đăk Viên (xã Tê Xăng) được thành lập từ năm 2020 với 38 thành viên, trong đó có đến 26 người là đồng bào DTTS, chiếm 68%. HTX tập trung sản xuất và chế biến các loại dược liệu, trong đó sâm dây là sản phẩm chủ lực. Chị Y Pót – Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Phó Giám đốc HTX – cho biết: "Thành lập HTX giúp chị em có việc làm tại chỗ, đồng thời tạo đầu ra ổn định cho cây sâm dây. Từ đó thay đổi tư duy của phụ nữ trong xã, giúp họ biết trồng cây để bán, có thu nhập lo cho con cái ăn học". Với nhiều cách làm sáng tạo, giúp phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao quyền năng kinh tế.

Hợp tác xã – Đòn bẫy đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế nông nghiệp - Ảnh 1.

Liên kết sản xuất – thay đổi sinh kế

Tại xã Tu Mơ Rông, HTX Dược liệu – Du lịch Forest Stay đã trở thành điểm tựa cho nhiều hộ DTTS chuyển đổi sản xuất hiệu quả. Chị Y Hoa, một thành viên của HTX đến từ thôn Đăk Chum 1, cho biết: "Tham gia HTX giúp chúng tôi thay đổi cây trồng. Trước trồng mì thì năng suất thấp, giờ trồng cà phê, sâm dây, sâm Ngọc Linh thì hiệu quả cao hơn. Bà con trong xã tham gia rất đông". Không chỉ người dân, các HTX cũng được thành lập theo mô hình mới, hoạt động gắn với chuỗi liên kết sản phẩm. Một trong những đơn vị tiêu biểu là HTX Dược liệu – Du lịch Ngọc Linh H80 (xã Măng Ri), nơi người DTTS chiếm lực lượng sản xuất chủ lực. Chị Nguyễn Thị Thanh Nữ – Phó Giám đốc HTX – chia sẻ: "Đồng bào DTTS ở đây là nhân tố quan trọng trong phát triển vùng nguyên liệu dược liệu. Khi tham gia HTX, họ phải tuân thủ quy trình sản xuất và cam kết chất lượng. Nhờ đó, sản phẩm làm ra đạt yêu cầu về sản lượng và đầu ra ổn định".

Hợp tác xã – Đòn bẫy đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế nông nghiệp - Ảnh 2.

Các thành viên HTX trồng và chăm sóc dược liệu

Thay đổi tư duy – hướng đến sản xuất lớn

Huyện Tu Mơ Rông hiện có 34 HTX dịch vụ nông nghiệp, thu hút hơn 400 thành viên là người DTTS, cơ bản đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Một số HTX đã hoạt động theo mô hình kiểu mới, sản xuất gắn với chuỗi giá trị khép kín, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân. Tuy nhiên, theo đánh giá từ thực tế, phần lớn các HTX vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nguồn vốn hoạt động hạn chế, trang thiết bị thô sơ, quy mô nhỏ lẻ, chuỗi liên kết chưa vững chắc và năng lực cạnh tranh còn yếu. Khả năng huy động nguồn lực trong dân còn hạn chế, đội ngũ quản lý thiếu kinh nghiệm trong cơ chế thị trường. 

Ông Ka Ba Thành – Bí thư Huyện ủy Tu Mơ Rông – nhấn mạnh: "Huyện đang chỉ đạo UBND tập trung lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình, dự án để hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, đồng thời tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý cho các thành viên HTX, nhất là người DTTS. Ngoài ra, cần nhân rộng các mô hình HTX hoạt động hiệu quả để tạo động lực cho người dân".

Hợp tác xã – Đòn bẫy đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế nông nghiệp - Ảnh 3.

Sản phẩm các HTX bán ra thị trường

Với hơn 95% dân số là người DTTS Xơ Đăng, Tu Mơ Rông xác định việc đưa người dân tham gia HTX là chìa khóa để thoát khỏi phương thức sản xuất nhỏ lẻ, hướng tới sản xuất hàng hóa có tổ chức. Đây cũng là bước đệm để thay đổi tư duy sản xuất, chuyển từ nông nghiệp thuần túy sang kinh tế nông nghiệp hiện đại, gắn với thị trường. Sự đồng hành giữa chính quyền, HTX và người dân đang từng bước mở ra cơ hội mới cho vùng đất nghèo Tu Mơ Rông – nơi tiềm năng dược liệu và du lịch vẫn còn rất lớn, chỉ cần một "cú hích" từ tư duy đổi mới và cách làm sáng tạo./.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước