Chính phủ đặt mục tiêu đến hết năm nay sẽ xây mới, sửa chữa được toàn bộ 153.000 căn nhà tạm nhà dột nát trên cả nước. Đến thời điểm này, các địa phương đã hoàn thành xây mới và sửa chữa được hơn 50.000 căn nhà trong tổng số 153.000 căn nhà này. Nhiều địa phương đã có những biện pháp linh hoạt để đảm bảo thực hiện chương trình.
Những hộ khó khăn nhất đều có nhà mới
Tại Lào Cai tỉnh dành 80 tỷ đồng uỷ thác sang ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để cho khoảng 2.000 hộ khó khăn được vay sửa chữa và xây mới nhà với lãi suất 0 đồng trong 5 năm. Nhờ đó, nhà ở của những hộ khó khăn nhất đều được khởi công xây dựng dù thiếu tiền thiếu nhân công.
Nhận được sự hỗ trợ 60 triệu đồng từ Nhà nước, Giàng Seo Lao vẫn còn do dự vì gia đình không có tích lũy, trong khi ngôi nhà cũ đã xuống cấp nghiêm trọng. Việc xây dựng một ngôi nhà mới đã là ước mơ của vợ chồng anh và cả người bố 84 tuổi.
Khi biết mình được vay thêm 50 triệu đồng từ chính sách, sau dịp Tết, Giàng đã nhờ anh em trong làng giúp đỡ để bắt tay vào xây dựng. Móng nhà đã hoàn thành, hiện giờ chỉ còn lại việc xây tường và đổ mái. Chỉ trong một tháng nữa, gia đình anh sẽ được chuyển về ngôi nhà mới của mình.
Mường Khương là huyện có số hộ không đủ vốn đối ứng để xóa nhà tạm cao nhất toàn tỉnh, với 1.079 hộ. Để giải quyết vấn đề này, Ngân hàng Chính sách đã chuyển hơn 50 tỷ đồng cho huyện, và ngay khi có thêm khoản hỗ trợ này, các hộ gia đình bắt đầu khởi công xây dựng nhà mới.
Sau hơn 20 năm sống trong căn nhà cũ chật chội, dột nát, ước mơ về một ngôi nhà mới của chị Hù Thị Dung cuối cùng đã thành hiện thực. Khi biết con gái xây nhà, cả bố đẻ của chị và anh em trong họ đều đến giúp đỡ.
Ông Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường Khương, Lào Cai, cho biết: "Có tiền là chuyển ngay cho dân để kịp xây nhà."
Các hộ vừa xóa nhà dột nát ở Lào Cai đồng thời được lập phương án để bố trí cho vay vốn chính sách thoát nghèo, đảm bảo song song vừa an cư vừa lạc nghiệp.
Không tạo gánh nặng khi xây nhà mới
Các điểm nghẽn về nguồn lực, đất đai đã được tháo gỡ, đặc biệt là chuyện khởi công xây dựng nhà cho các hộ từng hộ từ chối xóa nhà dột nát... Nguyên nhân là vì họ không có tiền vốn đối ứng với tiền được hỗ trợ. Một số địa phương đã có cách làm hiệu quả, giúp các hộ vừa không vay mượn, không tạo gánh nặng tài chính mà vẫn có nhà mới.
Ông Kim, một hộ gia đình ở Hà Giang, đã từ chối khi được thông báo rằng gia đình ông sẽ nhận được hỗ trợ xóa nhà tạm. Hai con của ông ở xa, còn ông thì đã già yếu. Tuy nhiên, căn nhà của ông vẫn được xây dựng. 60 triệu đồng hỗ trợ từ xã đã được sử dụng để chi trả cho vật liệu xây dựng và chi phí vận chuyển. Còn công lao động, xã đã vận động các đoàn thể, họ hàng, và bà con trong làng giúp đỡ ông Kim xây nhà mới.
Ông Kim chia sẻ: "Có nhà là ấm, là không còn sợ mưa gió. Cảm ơn Nhà nước, chính quyền."
Tại tỉnh Hà Giang, để giải quyết tình trạng các hộ nghèo không có vốn đối ứng và thiếu sức lao động, phương thức triển khai đã được linh hoạt. 60 triệu đồng hỗ trợ được dùng cho vật liệu xây dựng và diện tích phù hợp với điều kiện của từng hộ.
Tại huyện Bắc Hà, Lào Cai, nhiều hộ nghèo đã khởi công xây nhà ngay sau Tết nhờ vào phương thức kết hợp giữa khoản hỗ trợ từ Nhà nước, khoản vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách, và công lao động do gia đình và hàng xóm hỗ trợ.
Ông Vàng Seo Cổ, một hộ cận nghèo ở Bắc Hà, cho biết nhờ các khoản hỗ trợ này, ông đã mua hết vật liệu xây dựng cho móng nhà. Khoản vay từ ngân hàng chính sách và sự đóng góp từ con cái đã giúp gia đình ông có nhà mới mà không phải vay nợ ngoài.
Bà Chu Thị Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà, cho biết: "Chúng tôi rà soát các hộ, bố trí các nguồn lực xã hội hóa và hỗ trợ vay vốn để giúp các hộ khởi công xây nhà."
Qua rà soát, huyện Bắc Hà đã lập danh sách 247 hộ đặc biệt khó khăn, hầu như không có tích lũy. Với 60 triệu đồng hỗ trợ, các hộ này chỉ đủ mua một phần vật liệu xây dựng do giá vật liệu ở đây cao gấp đôi so với khu vực khác. Tuy nhiên, ngay khi có vốn chính sách được giải ngân, toàn bộ các hộ này đã đồng loạt khởi công xây nhà mới.
Huyện đầu tiên hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát
Ban Chỉ đạo chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho biết, nhiều địa phương đã đẩy nhanh tiến độ ngay sau Tết, chủ động bố trí nguồn lực, mặt bằng, và cả vốn đối ứng. Đến thời điểm này, một số huyện đã hoàn thành chương trình, trong đó Si Ma Cai là huyện đầu tiên hoàn thành sớm một năm so với mốc thời gian đề ra.
Tại Si Ma Cai, ba căn nhà cuối cùng trong chương trình xóa nhà dột nát đang được hoàn thiện. Căn nhà của anh Giàng Seo Tỏa, một hộ nghèo xã Sán Chải, Lào Cai, là ví dụ điển hình. Căn nhà cũ của gia đình anh không chỉ dột nát mà còn nằm trong vùng sạt lở. Tuy nhiên, khi chuyển lên ngôi nhà mới, anh cảm thấy yên tâm vì an toàn. Anh Tỏa chia sẻ: "Nhà cũ ở dưới kia dốc và dễ sạt, lên đây em thấy yên tâm lắm. Gia đình em cảm ơn Đảng, Chính phủ đã giúp đỡ để có nhà mới."
Sau khi Thủ tướng phát động chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, huyện Si Ma Cai đã nhanh chóng triển khai thống kê, rà soát và giao trách nhiệm tới từng xã, thôn bản. Dù là huyện khó khăn nhất của tỉnh, Si Ma Cai đã khởi công và hoàn thành xóa 638 căn nhà tạm, nhà dột nát vào ngày 31.12.2024, sớm một năm so với tiến độ đề ra.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Si Ma Cai, cho biết: "Huyện ủy, Ủy ban cũng chung tay triển khai, huy động mọi nguồn lực. Nếu thiếu thì xã hội hóa và sử dụng cả vốn chính sách xã hội để đảm bảo đủ kinh phí khởi công."
Theo ông Nguyễn Lê Bình, Phó Chánh văn phòng Quốc gia về giảm nghèo cho biết: "Một số địa phương đã nỗ lực hoàn thành chương trình sớm bằng sự chủ động về nguồn lực, tiến độ sớm 2 tháng, thậm chí 6 tháng".
Hiện các huyện của Lào Cai đã đạt trên 70% khối lượng xóa nhà tạm và đảm bảo tiến độ hoàn thành chương trình vào 31/5/2025.
Đa dạng hóa các nguồn lực và huy động sự tham gia, góp sức của người dân và các lực lượng xã hội là biện pháp quan trọng để đảm bảo chất lượng và tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước sẽ sớm hơn so với mục tiêu đề ra là 31.12.2025. Xóa nhà tạm, nhà dột nát hoàn thành sớm sẽ góp phần thực hiện hiệu quả đồng thời cả giảm nghèo và an sinh tại các vùng khó khăn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!