Một góc diện mạo mới của bản làng: Từ nghèo khó đến ấm no, khang trang ở Lai Châu
Những ngày này, trên khắp các thôn bản của huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, không khí lao động khẩn trương bao trùm, đầy ắp tiếng cười nói. Đây là thời điểm bà con tranh thủ những tháng mùa khô còn lại để xây dựng, sửa chữa nhà cửa. Đặc biệt, thay vì thuê nhân công, người dân đã phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau thông qua hình thức đổi công, góp phần thúc đẩy tiến độ xây dựng nông thôn mới, từng bước xóa bỏ nhà tạm, dột nát.
Bản Dền Thàng (xã Nậm Xe) từng là nơi mà cái đói, cái nghèo đeo bám suốt nhiều năm. Trước đây, phần lớn các hộ gia đình chỉ sống trong những căn nhà tạm bợ, xuống cấp, mô hình kinh tế chưa phát triển, đất đồi để hoang. Nhưng sau gần một thập kỷ, diện mạo nơi đây đã thay đổi rõ rệt. Những căn nhà kiên cố mọc lên ngày càng nhiều, phản ánh sự phát triển cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần của bà con.
Nhà anh Lý Văn Chương ở bản Dền Thàng, xã Nậm Xe là một ví dụ điển hình. Ngôi nhà hai tầng rộng 85m2 của anh đang dần hoàn thiện nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của bà con trong bản. "Vui hơn cả là bà con trong bản giúp gia đình tôi dỡ nhà cũ, chở vật liệu xây dựng và xây nhà mới. Mỗi ngày có khoảng 4-5 người trong bản đến đổi công lao động, mỗi người một việc nên tiến độ thi công cũng được đẩy nhanh", anh Chương chia sẻ.
Anh Lý A Sái, Trưởng bản Dền Thàng cho biết, việc hỗ trợ, đổi công xây dựng nhà đã trở thành truyền thống tốt đẹp của bà con trong bản. "Có thời điểm, dân bản tự họp bàn, thống nhất khi có gia đình làm nhà, mỗi hộ cử ít nhất một người đến giúp, đổi công", anh Sái nói.
Sức mạnh cộng đồng - Bà con Thèn Sin đổi công xây nhà cho nhau
Tương tự, tại bản Thèn Sin, xã Ma Li Pho, không khí xây dựng cũng diễn ra sôi nổi không kém. Anh Phàn Chính Sang xúc động kể về sự giúp đỡ của bà con khi gia đình anh xây nhà mới: "Từ ngày khởi công xây nhà mới, mỗi ngày có gần chục lao động trong bản đến giúp vận chuyển vật liệu, xây, đảo vữa, sàng cát. Dù khởi công xây dựng hơn 20 ngày nhưng bà con trong bản đã giúp gia đình tiết kiệm khoảng 20 triệu đồng chi phí thuê công thợ mà tiến độ xây nhà cũng nhanh hơn".
Lan tỏa giá trị nhân văn
Việc hỗ trợ, đổi công xây dựng nhà không chỉ giúp bà con tiết kiệm chi phí mà còn thắt chặt thêm tình đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng. Anh Phàn Phủ Sáng, một người dân trong bản Thèn Sin chia sẻ: "Với mỗi người dân ở vùng cao, việc hỗ trợ, đổi công xây, dựng nhà cho nhau trở thành truyền thống và 'quy định ngầm'. Việc hỗ trợ, đổi công xây nhà sẽ giúp gia đình người được hỗ trợ giảm bớt gánh nặng về chi phí thuê nhân công, máy móc; dân bản gắn kết hơn tình làng, nghĩa xóm".
Ước tính, để xây dựng một căn nhà đơn giản, đảm bảo "3 cứng" (nền cứng, khung cứng, mái cứng), bà con cần từ 120 - 300 ngày công lao động. Với đơn giá trung bình 200 nghìn đồng/ngày công, chi phí thuê nhân công không hề nhỏ. Vì vậy, sự giúp đỡ, đổi công của bà con là vô cùng quý giá.
Anh Giàng Văn Vưu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Phong Thổ cho biết: "Trung bình mỗi năm, người dân trên địa bàn hỗ trợ, đổi cho nhau hàng chục nghìn lượt ngày công miễn phí để xây dựng nhà. Chính sự đoàn kết, sẻ chia của tình làng, nghĩa xóm, qua bàn tay của những 'kỹ sư nông dân', nhiều ngôi nhà mới được khởi công, khánh thành. Ngôi nhà không chỉ là thành quả cả đời người nông dân tích lũy mà ý nghĩa hơn cả đó là sự nghĩa tình, đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Góp phần cùng cấp ủy, chính quyền 'xóa sổ' nhà tạm, dột nát, các bản ngày càng khang trang, hiện đại".
Những ngôi nhà mới "mọc lên" trên khắp các bản làng Phong Thổ không chỉ là biểu tượng của sự đổi thay, phát triển mà còn là minh chứng cho tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của bà con nơi đây. Đó là sức mạnh nội tại, là động lực để Phong Thổ vươn lên, xây dựng một vùng quê ngày càng giàu đẹp, văn minh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!