Trong hơn 1 tuần qua chỉ riêng tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã xảy ra nhiều vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng. Trong ngày 27/12, đã có 5 vụ cháy bao gồm 3 vụ cháy ở Hà Nội và 2 vụ ở TP Hồ Chí Minh. Hầu hết đều là nhà dân và nơi tập trung đông người.
Riêng sáng qua (27/12) đã xảy ra hai vụ hoả hoạn tại TP Thủ Đức, trong đó vụ cháy tại khu trọ ở hẻm 63 đường số 10, phường Tăng Nhơn Phú B, TP. Thủ Đức khiến 2 người tử vong và nhiều người khác bị thương. Bước đầu lực lượng chức năng xác định đám cháy xuất phát từ bãi để xe máy ở tầng 1. Nhà trọ thiết kế ngăn làm khoảng 38 phòng cho thuê với khoảng 78 người ở.
Cũng sáng qua, trên địa bàn TP Thủ Đức, một vụ cháy khác xảy ra tại chung cư 15 tầng HQC Bình Trưng Đông. Sự cố bắt nguồn từ tủ điện. Rất may, vụ cháy không gây thiệt hại về người, 1 số người già, gia đình có trẻ nhỏ được sơ cứu và sơ tán kịp thời.
Còn tại Hà Nội, chỉ trong một buổi sáng 27/12 cũng liên tiếp xảy ra 3 vụ cháy khiến một số người bị thương, gây thiệt hại về tài sản. Đó là các vụ cháy tại tại một gara ô tô trên địa bàn xã Song Phượng (huyện Đan Phượng, Hà Nội), tại khu vực nhà tập thể A14, ngõ 120 Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy) và cháy nhà ở kết hợp kinh doanh quán cơm tại ngõ 4, phố Ao Sen (phường Mộ Lao, quận Hà Đông).
Về vụ cháy nhà trọ tại hẻm số 63, đường số 10, phường Tăng Nhơn Phú, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh làm 2 người thiệt mạng. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc tới thân nhân, gia đình người bị nạn và có ý kiến chỉ đạo Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh: kịp thời động viên, hỗ trợ vật chất, tinh thần và tạo mọi điều kiện tốt nhất... giúp đỡ gia đình người bị nạn; sớm ổn định cuộc sống; Phối hợp với Bộ Công an tập trung khắc phục hậu quả, khẩn trương điều tra, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, xử lý nghiêm vi phạm (nếu có).
Hiệu quả "4 tại chỗ" trong Phòng cháy chữa cháy
Theo thống kê của cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, trung bình cứ 10 vụ cháy xảy ra thì có khoảng 6 vụ đã được dập tắt sớm nhờ sự tham gia của lực lượng tại chỗ và nhân dân, tỉ lệ là 60%. Con số này cho thấy, phong trào toàn dân tham gia phòng cháy chữa cháy đã thực sự phát huy hiệu quả. Khi ý thức của người dân được nâng cao thì những hiểm họa cháy nổ cũng được giảm bớt.
Một vụ cháy đã được dập tắt chỉ trong 48 giây. Khẩn trương, có kỹ năng và có trách nhiệm, 3 thanh niên đã nhanh chóng dập tắt đám cháy xảy ra chiều tối ngày 21/11 tại phố Ngô Thì Nhậm, thành phố Hà Nội. Đoạn clip đã nhận được rất nhiều lượt thích, chia sẻ và khen ngợi từ cộng đồng mạng.
Còn vụ cháy xảy ra ta phường Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội, khoảng 20 bình chữa cháy đã được tập hợp trước ngôi nhà 4 tầng đang bốc cháy. Luân phiên chuyển bình lên tầng dập lửa, người dân đã cứu thành công người bị mắc kẹt. Khi lực lượng chức năng tới hiện trường, đám cháy cơ bản đã được khống chế.
Ông Lê Minh Hoàng, Lực lượng bảo vệ Tổ dân phố số 16, phường Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội cho biết: "Việc trang bị cho các khu dân cư, các trục đường chính điểm phòng cháy chữa cháy công cộng rất lợi ích cho người dân. Khi hỏa hoạn xảy ra, mình có công cụ để xử lý luôn, không để cháy lan".
Có thể thấy, những đám cháy được dập tắt nhanh như vậy là hiệu quả của phương châm 4 tại chỗ trong công tác PCCC.
Thượng tá Trần Văn Đồng, Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy khuyến cáo: "Nguyên tắc 4 tại chỗ trong phòng cháy chữa cháy gồm chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ là những nguyên tắc rất quan trọng trong PCCC".
Nguyên tắc 4 tại chỗ được nêu rõ trong Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. 4 tại chỗ thể hiện sự sẵn sàng của nhân dân vào công tác cấp bách, khẩn trương, vì cộng đồng và vì tính mạnh, tài sản của chính mỗi người, mỗi gia đình.
Cảnh báo nguy cơ cháy nổ cuối năm
Hy vọng sẽ ngày càng có nhiều địa bàn áp dụng hiệu quả phương châm 4 tại chỗ trong công tác phòng cháy chữa cháy, nhất là vào thời điểm cuối năm. Bởi đây là thời điểm mà các doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh và hộ gia đình tăng cường sản xuất, tích trữ hàng hoá, cộng với thời tiết hanh khô… nên nguy cơ cháy nổ tăng cao.
Để hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy, nổ và thiệt hại gây ra trong dịp này, người dân cần cẩn trọng khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã. Tắt các thiết bị điện không cần thiết, không nên sạc các thiết bị điện và xe máy điện qua đêm.
Mỗi gia đình nên trang bị các bị phương tiện chữa cháy tại chỗ như bình chữa cháy xách tay, mặt nạ lọc độc, rồi cả cảnh báo cháy.
Dù là ở nhà mặt đất, nhà chung cư, nhà mặt phố hay trong ngõ, cũng cần phải chuẩn bị sẵn các phương án thoát nạn và hướng dẫn cho các thành viên trong gia đình cùng biết.
Người dân ở nhiều địa phương đã có phong trào mở lối thoát nạn thứ 2. Đây là một yếu tố vô cùng quan trọng để bảo vệ mạng sống, đặc biệt là đối với mô hình nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!