Từ giữa tháng 3 đến nay, vườn cây cao su đang trong giai đoạn khai thác chính của Công ty cổ phần Lệ Ninh, tại huyện Lệ Thủy, Quảng Bình bị khô lá và lá rụng nhiều, chỉ thời gian ngắn cây trơ lại toàn cành và héo dần. Qua kiểm tra thực tế, lãnh đạo công ty xác nhận đây là hiện tượng bất thường, có thể là một "bệnh lạ" đang lan rộng trên diện tích lớn.
Bệnh khô lá được xem là bệnh lạ vì chưa xác định được nguyên nhân để có biện pháp khắc phục
Ông Lê Thanh Hùng, Giám đốc Công ty cổ phần Lệ Ninh cho biết, cứ tháng 2 đến tháng 3 hằng năm, cây cao su rụng lá rồi lên chồi non. Khi lá chuyển từ màu xanh non sang xanh sẫm trong vòng khoảng 1 tháng là bắt đầu vào vụ khai thác mủ.
"Năm nay, điều bất thường trong thời gian này ở chỗ, khi cây lên lá non và chưa kịp chuyển sang sẫm màu thì xảy ra hiện tượng rụng lá đến trơ cành. Có những cây, lá không rụng thì héo quắt và khô ngay trên cành. Ít ngày sau trên những cây bị khô lá, các cành nhỏ cũng bị khô dần", ông Hùng nói trong sự lo lắng.
Hàng ngàn hecta cáo su bỗng nhiên bị rụng lá, khô héo bất thường khiến việc sản xuất của nhiều công ty cao su bị đình trệ
Theo ông Hùng, hiện diện tích vườn cây cao su của Công ty bị bệnh héo lá, khô thân khoảng 1.000ha. Trong đó có khoảng 80% bị nhiễm bệnh nặng với tỷ lệ cây nhiễm bệnh từ 70% trở lên. Có nhiều lô, cây cao su bị bệnh hoàn toàn.
Giữa trưa nắng, chúng tôi lên vùng đồi thuộc vùng rừng cao su của Đội sản xuất số 3, Công ty cổ phần Lệ Ninh. Đây là vùng đồi cao, những rừng cao su trơ trọi lá, vươn những cành khẳng khiu lên đan xen nhau dưới cái nắng.
Chị Phạm Thị Thanh Tình xách xô nhựa đi dọc hàng cây và lấy những bát sành dùng để hứng dòng nhựa chảy ra từ thân cây. Nhìn cây cây sao su đang mùa khai thác héo quắt lá, cành trong nắng gắt chị vô cùng lo lắng.
Chị Phạm Thị Thanh Tình hết sức lo lắng vì việc khai thác cao su bị tạm dừng do bệnh héo lá gây ra
Chị Tình cho biết thêm, gia đình chị nhận khoán chăm sóc, khai thác khoảng 2.500 cây cao su trưởng thành (diện tích khoảng 4ha). Hằng năm, gia đình chị nộp sản lượng cho Công ty hơn 8 tấn mủ khô và được trả lương và các khoản thu nhập khác với số tiền hơn 150 triệu đồng.
"Gần 30 năm nay, tôi luôm đạt lao động giỏi, chiến sỹ thi đua về thành tích cạo mủ cao su của đơn vị. Năm nay, với hiện trạng cây cao su chưa rõ bị bệnh tình gì mà dần khô héo, yếu, chắc phải dừng khai thác trong thời gian dài, ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của người công nhân", chị Tình chia sẽ.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn Nông trường Lệ Ninh Phạm Minh Điền, ngoài vườn cao su của Công ty cổ phần Lệ Ninh, nhiều diện tích cây công nghiệp này của khoảng 30 hộ dân tại địa phương cũng nhiễm bệnh. Người trồng cao su thấp thỏm lo lắng bởi vẫn chưa xác định được nguyên nhân để có biện pháp khắc phục. Trong khi các vườn cây cao su bị nhiễm bệnh đã ảnh hưởng đến chất lượng, năng suất mủ và đời sống của người dân trên địa bàn.
Không chỉ tại Lệ Ninh, tình trạng tương tự cũng diễn ra ở Công ty Cổ phần Việt Trung, huyện Bố Trạch. Vườn cây trồng từ năm 2012, từng bị ảnh hưởng bởi bão năm 2013, sau phục hồi và khai thác từ 2020, nay cũng bị rụng lá, khô héo bất thường với tỷ lệ lên tới 70%. Trước thực trạng này, Công ty phải tạm dừng sản xuất để triển khai việc phục hồi cho cây.
Ông Dương Chí Bình, Giám đốc Công ty cổ phần Việt Trung cho biết, bệnh héo lá khiến việc khai thác mủ của hơn 300 công nhân của bị ngưng trệ; đời sống, việc làm cho người lao động sẽ gặp nhiều khó khăn
Ông Dương Chí Bình, Giám đốc Công ty cổ phần Việt Trung cho biết, cả rừng cao su vốn có cành lá xum xuê nay đột ngột rụng hết lá rồi phơi dưới nắng nóng dẫn đến bị khô hạn, cây suy kiệt nhanh hơn. Phục hồi cây cao su bị bệnh chưa rõ nguyên nhân trong mùa nắng đang là bài toán khó với Công ty có truyền thống trồng cao su 65 năm nay.
Theo kế hoạch, bước tháng 4, toàn bộ hơn 1.100ha cây cao su của Công ty cổ phần Việt Trung đưa vào khai thác mủ. Tuy nhiên, việc hơn 70% diện tích cao su này vừa mới thay lá thì đột ngột héo quắt, khiến việc khai thác mủ của hơn 300 công nhân của bị ngưng trệ, đời sống, việc làm cho người lao động sẽ gặp nhiều khó khăn. Công ty đã liên hệ với các đơn vị chức năng về cây cao su để nhờ tư vấn nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân gây bệnh và biện pháp phòng, trị bệnh cho các vườn cây cao su.
Không chỉ rừng nguyên sinh và rừng trồng, miền tây Quảng Bình đang được phủ xanh bởi hàng nghìn ha cây cao su. Nhiều thập kỷ nay, loại cây công nghiệp này đã mang lại nguồn thu nguồn thu nhập chính cho công nhân tại các doanh nghiệp lâm công nghiệp. Việc hàng nghìn hecta cao su đang vào kỳ khai thác tại Quảng Bình bị héo khô lá, gây thiệt hại nặng, người trồng cao su thấp thỏm lo lắng. Các vườn cây cao su bị nhiễm bệnh đã ảnh hưởng đến chất lượng, năng suất mủ và đời sống của người dân trên địa bàn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!