Người dân tại đây đã phản ánh và cho biết, tình trạng này đã diễn ra hơn 1 năm nay, nhưng vẫn chưa có biện pháp khắc phục. Không ít nhà bị nứt vỡ nặng khiến bà con phải bỏ nhà đi ở nơi khác.
Căn nhà này của bà Thanh (xóm Bãi, thôn Vân Hội, xã Phong Vân, Ba Vì, Hà Nội) đã phải bỏ không suốt hơn 1 năm qua. Mái nhà bục, tường nứt vỡ… rộng đến mức có thể nhét được cả bàn tay qua.
Bằng cảm quan, bà Thanh cho rằng một số vết nứt vỡ có tiến triển nhỏ so với năm ngoái. Nhiều vết nứt vỡ năm ngoái chỉ tách nhỏ, nhưng nay đã có thể nhét vừa ngón tay vào.
Không chỉ nứt vỡ tường, có những gian phòng sập cả mái, thông thẳng lên trời. Tình trạng này diễn ra hơn 1 năm qua, người dân tại đây đang tiến thoái lưỡng nan không biết phải tiếp tục ứng xử với tình trạng này như thế nào.
Mái nhà bục, tường nứt vỡ… rộng đến mức có thể nhét được cả bàn tay qua.
"Nhà cửa thì đông người, muốn làm để lấy chỗ ăn ở, mà giờ không dám làm, mà làm có đảm bảo được cho người dân hay không. Cả một đời chúng tôi đi làm, vợ chồng con cái tích cóp mới làm được gian cửa gian nhà, nếu ở không đảm bảo an toàn cho tính mạng chúng tôi thì rất là lo", bà Trương Thị Thanh (xóm Bãi, thôn Vân Hội, xã Phong Vân, Ba Vì, Hà Nội) chia sẻ.
Bà Phương (xóm Bãi, thôn Vân Hội, xã Phong Vân, Ba Vì, Hà Nội) cũng cho biết, bên cạnh các vết nứt vỡ nhà cửa cũ, phát sinh các vết nứt vỡ mới. Điều này khiến bà con lo ngại, nếu giờ tiến hành sửa chữa, thì không biết có tiếp tục bị nứt vỡ hay không.
"Từ tháng 1/2025 bắt đầu nứt mới, đến bây giờ là nứt to thêm, nên gia đình chúng tôi là rất là lo. Vì mưa bão đến nơi rồi, chỉ sợ nó cụp lúc nào không biết, bây giờ gia đình chúng tôi không dám ở đây nữa", bà Nguyễn Thị Phương (xóm Bãi, thôn Vân Hội, xã Phong Vân, Ba Vì, Hà Nội) cho biết.
Tháng 3/2024, cơ quan chức năng phát hiện kè Phong Vân bị sạt chân mái cơ kè. Hai cung sạt gần nhau, kéo dài khoảng 60 - 70 m. Đây chính là nguyên nhân khiến hàng chục hộ dân ở xã Phong Vân bị nứt vỡ nhà cửa rất nghiêm trọng.
Theo lãnh đạo Hạt quản lý đê điều số 1, đơn vị này vẫn thường xuyên kiểm tra hiện trạng kè Phong Vân và nhận thấy suốt 1 năm qua không có diễn biến nghiêm trọng tại các vị trí chân kè.
Ông Cường (Hạt trưởng Hạt quản lý đê số 1, Chi cục Thủy lợi và phòng chống thiên tai Hà Nội) cho biết, việc dừng hoạt động hút cát bên phía Phú Thọ từ năm 2024 đã giúp bồi tụ nhiều cát từ thượng lưu, hình thành cả một bãi bồi lớn bên phía Ba Vì, Hà Nội. Có thể chính việc bồi tụ cát đã giúp lấp đầy, gia cố các vị trí chân kè bị sạt lở.
"Hạt đã thường xuyên kiểm tra cả trên vườn dân cả ở dưới kè, các vết nứt không phát triển thêm. Hiện bây giờ với mức độ không phát triển thêm này, người dân vẫn chủ động để cải tạo sửa chữa phần công trình nhà của mình", ông Nguyễn Công Cường (Hạt trưởng Hạt quản lý đê số 1, Chi cục Thủy lợi và phòng chống thiên tai Hà Nội) cho hay.
Chính quyền địa phương cho biết sẽ xác minh việc bà con phản ánh một số vết nứt trong nhà dân có phát sinh mới. Còn để đảm bảo ổn định lâu dài cho khu dân cư và an toàn đê điều, hiện Sở Nông nghiệp và Môi trường đã có báo cáo lên UBND TP Hà Nội về việc xây dựng một công trình kè mới tại xã Phong Vân bằng nguồn vốn đầu tư công của thành phố.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!