Tại nút giao đường Lê Trọng Tấn, Hà Đông với quốc lộ 6, một cây cầu vượt có tổng chiều dài gần 1km, bao gồm cả đường dẫn sẽ được xây dựng. Cầu có quy mô 4 làn xe và có mức đầu tư gần 880 tỷ đồng. Sau khi cây cầu hoàn thiện, thành phố sẽ có thêm một nút giao thông gồm 3 tầng, và điểm đặc biệt hơn của cây cầu này đó là nó phải vượt qua đường ray tuyến Mertro Cát Linh - Hà Đông, tạo cảnh quan hiện đại, đẹp mắt cho nút giao. Đây là tuyến đường quan trọng, nối các quận huyện vùng ven, và cũng giúp người dân có thêm lựa chọn để kết nối với tuyến cao tốc về các tỉnh phía Nam, trong điều kiện đường vành đai 3 quá tải và thường xuyên ùn tắc.
Trong khi đó, tại nút giao Hoàng Quốc Việt - Phạm Văn Đồng, công trình hầm chui dự kiến cũng sẽ được khởi công vào năm sau. Hầm chui dài khoảng 600 m, quy mô 6 làn xe, và tổng đầu tư gần 3.000 tỷ đồng. Đường Hoàng Quốc Việt kéo dài cũng được đầu tư xây mới với mặt cắt ngang 50 m.
Những năm gần đây, Hà Nội liên tục triển khai xây dựng các cầu vượt cạn để giảm tải áp lực giao thông cho các nút giao thông có lưu lượng phương tiện đi lại đông đúc. Ảnh: PLO
Hà Nội hiện có 4 hầm chui hoạt động. Hầm chui Kim Liên - Xã Đàn khánh thành năm 2009. Hầm chui Trung Hòa, hầm nút giao Thanh Xuân cùng đi vào hoạt động năm 2016. Hầm chui Lê Văn Lương - vành đai 3 hoàn thành năm 2022.
Thực tế cho thấy sau khi các hầm chui, cầu vượt đi vào hoạt động, đều đã giảm tải đáng kể cho hạ tầng giao thông vốn có, người dân di chuyển thuận lợi hơn, nhanh hơn.
Và cả hai công trình nói trên đều dự kiến được hoàn thành vào năm 2028. Không chỉ giải quyết vấn đề ùn tắc, những công trình giao thông mới còn khiến cho bức tranh hạ tầng giao thông Thủ đô ngày càng hoàn thiện hơn, hiện đại hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!