Chỉ tính riêng trong 5 năm qua, Hà Nội đã dành 65% tổng vốn đầu tư công cho hệ thống giao thông.Với mục tiêu trở thành động lực phát triển bền vững, Hà Nội đang đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng cho các dự án trọng điểm như các cầu bắc qua sông Hồng, đường Vành đai 4 và các tuyến đường cao tốc.
Gần 70 năm sinh sống tại ngõ 310 Nghi Tàm, Hà Nội nhưng nhà Ông Dự cũng là một trong những gia đình đầu tiên đồng thuận rời đi để có mặt bằng làm cầu Tứ Liên.
Ông Hà Văn Dự - Phường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, Hà Nội cho biết: "Chúng tôi nhất trí, hoàn toàn ủng hộ với chủ trương và đường lối của Đảng và Nhà nước là mở mang, kiến thiết xây dựng cầu đường, giao thông đi lại cho thuận lợi".
Tại điểm giữa của ba phường Yên Phụ, Quảng An và Tứ Liên thuộc quận Tây Hồ, cũng sẽ là điểm đầu tiên của cầu Tứ Liên, một trong ba cây cầu sẽ được TP. Hà Nội xây mới bắc qua sông Hồng, có đường kết nối giao thông với các dự án giao thông trọng điểm như đường Vành đai 4 và có điểm cuối là nút giao với Quốc lộ 5.
Hà Nội sẽ rất cần các động lực từ thúc đẩy phát triển hạ tầng đồng bộ, các loại hình giao thông, tạo ra sức lan tỏa với các địa phương lân cận và phát triển các ngành kinh tế khác của Thủ đô
Dự án cầu Tứ Liên bắc qua sông Hồng thuộc địa bàn quận Tây Hồ, Long Biên và huyện Đông Anh sẽ chính thức được khởi công vào ngày 19/5 tới đây. Cùng với cầu Trần Hưng Đạo và Ngọc Hồi sẽ liên tiếp được khởi công vào tháng 8, tháng 9 sẽ góp phần thúc đẩy giao thông giữa các khu vực và kết nối với các dự án lớn, thay đổi bộ mặt đô thị.
Ông Vũ Mạnh Tuấn - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội nhận định: "Dự án cầu Tứ Liên và đường dẫn hai đầu cầu ban quản lý dự án đang khẩn trương tập trung cho công tác hồ sơ mời thầu. Dự kiến, đến ngày 19/5 sẽ có kết quả".
Hệ thống hạ tầng giao thông Thủ đô dần hoàn thiện với 7 tuyến đường, 8 tuyến quốc lộ hướng tâm dần hình thành đưa vào khai thác. Trong đó, dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, dài gần 113 km, đi qua ba tỉnh, Thành phố được kỳ vọng kết nối giao thông với các địa phương lân cận, tạo sức mạnh tổng thể cho hành lang phát triển của khu vực.
Cùng với đó là hệ thống 14 tuyến đường sắt đô thị, đường thủy nội địa... và nâng cấp, bổ sung các sân bay quân sự thành sân bay lưỡng dụng.
Ông Dương Đức Tuấn - Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội cho biết: "Tạo ra những xung lực, động lực để phát triển rất mạnh mẽ và trọng lực là đầu tư công. TP. Hà Nội quy mô nền kinh tế tương đối lớn, việc tăng trưởng trên 8% cũng là giải pháp hiện thực, để triển khai các nhiệm vụ này".
Chỉ tiêu dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng của Hà Nội mới chỉ đạt 1/2 so với quy hoạch hạ tầng Thủ đô thời kỳ tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Vì vậy, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ rất cần các động lực từ thúc đẩy phát triển hạ tầng đồng bộ, các loại hình giao thông, tạo ra sức lan tỏa với các địa phương lân cận và phát triển các ngành kinh tế khác của Thủ đô.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!