Hà Nội: Triển khai cải tạo chung cư cũ
Hà Nội có khoảng 250.000 người dân đang sống trong hơn 1.570 nhà chung cư cũ, nhà tập thể. Đặc biệt, có 6 khu chung cư cũ nguy hiểm cấp D - cấp độ nguy hiểm nhất, buộc phải phá dỡ để xây dựng mới.một tín hiệu đáng kì vọng là Theo kế hoạch, bắt đầu từ năm nay, Hà Nội sẽ cải tạo các khu chung cư cũ.
Đến cuối năm 2024 vừa qua, việc cải tạo chung cư cũ vẫn chưa thực hiện được do có nhiều vướng mắc, trong đó, khó khăn nhất là cân đối lợi ích của 3 bên: Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Bên cạnh đó, phần lớn những khu tập thể cũ nằm ở vị trí trung tâm, được coi là "đất vàng" của thành phố. Do đó, nếu cải tạo lại những khu nhà này, nhà đầu tư phải mở rộng diện tích hoặc chồng cao tầng lên, trong khi khu vực đó đã quá tải về hạ tầng nên khó có thể cấp phép. Kéo theo đó là việc khó thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia vào việc cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ. Trong giai đoạn 2021-2025, Hà Nội cũng đã lên kế hoạch cải tạo 10 khu chung cư cũ, gồm cả 4 khu nhà cấp D - cấp độ nguy hiểm, nguy cơ sụp đổ, phải di dời khẩn cấp người dân. Mới đây nhất, thành phố đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Nghĩa Tân. Theo đó, tổng diện tích nghiên cứu lập nhiệm vụ quy hoạch chi tiết là gần 317 nghìn m2.
Mong chờ sớm được cải tạo chung cư
Một điểm đáng lưu ý trong chính sách cải tạo chung cư cũ thời gian tới, là cơ chế quy gom các nhà tập thể nhỏ lẻ, không thể xây dựng lại tại chỗ, tạo điều kiện cho cư dân tái định cư tại chỗ trên địa bàn phường, địa bàn quận. Phân quyền cải tạo chung cư cũ thuận lợi hơn. Tương tự, hệ số đền bù, phương pháp đền bù, cho quy gom cũng đã "cởi trói" cho cả doanh nghiệp và người dân vốn đang mong mỏi được sớm cải tạo nơi ở của mình... ghi nhận tại quận Ba Đình, Hà Nội.
Gia đình bà Hiền, 1 trong 27 hộ dân có nhà tại đơn nguyên 1, nhà A khu tập thể Ngọc Khánh đã di dời tới nơi tạm cư mới. Gọi là nơi tạm cư mới nhưng gia đình bà cũng đã ở đây ngót nghét 10 năm.
Cũng như nhiều hộ gia đình ở đây, gia đình bà mong mỏi từng ngày để có thông tin mới về việc xây sửa, cải tạo lại khu nhà mình.
Bà Đỗ Thị Thanh Hiền, Khu tập thể nhà A, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội cho biết: "Chúng tôi đã di dời ngay khi có yêu cầu của chính quyền... mình đi rồi nhưng các hộ ở cạnh đây không thuộc diện phải đi mà nhà mình chưa được cải tạo thì chính họ cũng gặp nguy hiểm".
Ba Đình là một trong các quận nội đô của Hà Nội đã hoàn thành và trình duyệt quy hoạch chi tiết các khu chung cư cũ từ cuối năm ngoái và đang chờ sở Quy hoạch kiến trúc phê duyệt.
Phối cảnh chi tiết tỷ lệ 1/500 cải tạo, xây dựng lại các khu tập thể, chung cư cũ đã có hình hài nhất định. Luật Nhà ở 2023 và Nghị định 98 ra đời đã tháo gỡ phần lớn các vướng mắc khi yêu cầu phải có quy hoạch tổng thể, quy gom được khu tái định cư, tạo ra được quỹ đất dôi dư, xác định được hệ số bồi thường K cho các hộ gia đình. Thế nhưng các quy hoạch đều bị hạn chế bởi số tầng, dân số... nên rất khó bảo đảm tính hiệu quả và hấp dẫn đầu tư.
Ông Tạ Nam Chiến, Chủ tịch UBND quận Ba Đình, Hà Nội cho biết: "Chúng tôi hy vọng với chất lượng quy hoạch của đồ án thì ngay trong quý 1 năm nay sẽ được UBND thành phố phê duyệt quy hoạch chi tiết này, tiếp đó chúng tôi sẽ xây dựng tiêu chí để lựa chọn nhà đầu tư phù hợp nhất bởi người dân rất muốn chúng ta phải khẳng định được cho họ xem bao giờ họ được trở về ngôi nhà mới".
Đây là 1 trong hàng trăm chung cư cũ được xây dựng từ năm 1960-1999. Tức là đã tồn tại nhiều nhất là gần 70 năm qua ở Hà Nội. Giống như 1 chiếc áo cũ đã sờn, chật chội vá víu nhưng không thể bỏ đi thì sẽ cần phải được làm mới để thay đổi diện mạo cho bộ mặt Thủ đô.
Luật nhà ở gỡ vướng cải tạo chung cư cũ
Luật Nhà ở quy định cụ thể: Khi các khu chung cư hết thời hạn sử dụng sẽ được cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh kiểm định, nếu không đủ an toàn sẽ buộc phải cưỡng chế phá dỡ, xây dựng lại. Đồng thời, bổ sung một loạt cơ chế ưu đãi dành cho chủ đầu tư dự án cải tạo chung cư cũ... Và Luật Thủ đô được đánh giá sẽ tạo sức hút với doanh nghiệp tư nhân và đem lại nhiều hy vọng cho người dân trong các khu tập thể cũ
Cùng với Luật nhà ở thì Luật Thủ đô có tác dụng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn; cùng với quyết tâm cao của các cấp chính quyền Thủ đô, hi vọng việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội sẽ được đẩy nhanh hơn, khi các chung cư cũ được thay da đổi thịt sẽ góp phần tạo nên diện mạo mới khang trang, đẹp đẽ hơn cho Thủ đô.Tuy nhiên, để cụ thể hóa các quy định, giúp luật đi vào cuộc sống thì cần phải có thời gian. Do đó TP cũng cần sớm có các văn bản hướng dẫn để các điểm mới trong Luật Thủ đô sớm được thực thi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!