Điều này giúp ngành đường sắt có quyền chủ động hơn trong việc khai thác, sử dụng hạ tầng hoặc tham gia các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Đây được xem là bước đi quan trọng nhằm tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, tạo điều kiện để ngành đường sắt đầu tư cải tạo hệ thống nhà ga và nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.
Ga Giáp Bát, Hà Nội là một trong những ga hàng lớn nhất trên các tuyến vận tải đường sắt. Tuy nhiên lượng hàng hóa được vận chuyển qua đây chưa đạt được như kỳ vọng. Nhu cầu vận chuyển ngày càng cao nhưng khách hàng đến với khu ga vẫn còn hạn chế. 15 năm phối hợp với ngành đường sắt trong vận chuyển hàng hóa tiêu dùng phục vụ nhu cầu của người dân qua khu ga này, anh Thanh là một trong những người hiểu rõ về nguyên nhân.
"Kho bãi thì cũ, dột. Các bãi hàng ngập lụt nhiều, mỗi lần mưa gió thì bị ngập lụt kéo dài. 2 - 3 ngày chưa giải quyết được nên gây ra ùn ứ lượng hàng ở ga Giáp Bát là lớn", anh Mai Đức Thanh (Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ vận tải Đức Mạnh) cho biết.
Cải thiện hạ tầng khu ga, nâng cao năng lực của hệ thống kho bãi, đồng nghĩa những điểm nghẽn của vận tải đường sắt hiện nay được gỡ bỏ.
"Nhà ga muốn đề xuất chi nhánh khai thác cũng như Tổng công ty là những đơn vị chủ quản để đầu tư vào thì theo quy định cũng không được đầu tư nên đã rất lâu, cung không đủ nhu cầu của khách hàng", ông Trương Thanh Hiếu (Phó Trưởng Ga Giáp Bát, Hà Nội) cho hay.
Hạ tầng, kho bãi không đủ tiêu chuẩn, nhưng để cải tạo, nâng cấp, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phải đưa vào kế hoạch và sử dụng nguồn sự nghiệp kinh tế hàng năm. Trong khi đó, nguồn vốn này chỉ đáp ứng 30% - 40% nên buộc phải tập trung vào kết cấu đảm bảo an toàn chạy tàu. Tuy nhiên nghị định mới về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt mới được ban hành đã có những quy định cụ thể về sử dụng tài sản hạ tầng đường sắt. Những vướng mắc về cơ chế đã được gỡ bỏ.
"Theo quy định mới của nghị định, đơn vị quản lý khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia có quyền được đầu tư bằng các nguồn vốn phù hợp để sửa chữa cải tạo. Chúng tôi sẽ mở rộng thêm các kho, bãi tại những nơi có nhu cầu cao. Đổi với phục vụ khách hàng, tại các nhà ga, chúng tôi sẽ mở thêm các tiện ích để khách hàng có thể thụ hưởng trong chuyến hành trình", ông Nguyễn Chính Nam (Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam) thông tin.
Cải thiện hạ tầng khu ga, nâng cao năng lực của hệ thống kho bãi, đồng nghĩa những điểm nghẽn của vận tải đường sắt hiện nay được gỡ bỏ. Điều này không chỉ đảm bảo thu hút khách hàng trong nước đến với đường sắt, mà còn góp phần thực hiện mục tiêu nâng sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường sắt lên 4 - 5 triệu tấn vào năm 2030.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!