Từ đầu năm 2025, hàng loạt mặt hàng nhập khẩu vào Việt Nam như ô tô, nông sản, xăng dầu đã được điều chỉnh giảm thuế, với mức giảm lên tới hàng chục phần trăm. Đây được xem là bước đi chiến lược nhằm đa dạng hóa nguồn cung, hỗ trợ doanh nghiệp và hướng tới mục tiêu cân bằng thương mại.
Hàng loạt mặt hàng nhập khẩu vào Việt Nam như ô tô, nông sản, xăng dầu đã được điều chỉnh giảm thuế, với mức giảm lên tới hàng chục phần trăm.
Trong hai tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu gần 25.000 ô tô nguyên chiếc, tăng hơn 51% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, thuế nhập khẩu đối với một số dòng xe đã được điều chỉnh giảm từ 12% xuống còn 14%. Giới chuyên gia kỳ vọng chính sách này sẽ tiếp tục thúc đẩy nguồn cung trong nước, nhất là khi nhu cầu tiêu dùng đang có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ.
Bên cạnh ô tô, nông sản cũng là nhóm hàng hưởng lợi lớn từ chính sách thuế mới. Chỉ trong ba tháng đầu năm, giá trị nhập khẩu nông sản đã đạt trên 7 tỷ USD, tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm 2024. Mỹ và các quốc gia châu Á tiếp tục là những thị trường cung ứng chủ lực. Riêng hàng hóa từ Hoa Kỳ tăng hơn 9% so với cùng kỳ.
Theo biểu thuế mới, nhiều loại trái cây và thịt đông lạnh được giảm thuế từ 5 – 10%. Một số nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thức ăn chăn nuôi và nhiều mặt hàng nông sản khác đã được áp dụng mức thuế 0%.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Xuân Trường, Trưởng khoa, Khoa Thuế và Hải quan. Học viện Tài chính, nhận định: "Việc giảm thuế nhập khẩu chắc chắn sẽ giúp hạ chi phí đầu vào, tạo điều kiện để doanh nghiệp giảm giá bán, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng Việt".
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Xuân Trường, Trưởng khoa, Khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính, đã có những chia sẻ xoay quanh chính sách điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu đối với nhiều nhóm hàng hóa.
Theo PGS.TS Lê Xuân Trường, hầu hết các mặt hàng được giảm thuế lần này đã nằm trong lộ trình hội nhập quốc tế, với phần lớn doanh nghiệp trong nước đã quen thuộc với môi trường cạnh tranh mở. Dù còn áp lực từ những thị trường chưa được hưởng ưu đãi thuế đặc biệt, song doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể thích ứng linh hoạt.
Ngoài ô tô và nông sản, nhiều mặt hàng năng lượng thiết yếu cũng được điều chỉnh giảm thuế. Cụ thể, ethanol giảm từ 10% xuống 5%, ethane được áp mức thuế 0%, trong khi khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) – một nguồn năng lượng quan trọng, giảm từ 5% xuống còn 2%.
Ở lĩnh vực thương mại gỗ, Việt Nam và Hoa Kỳ đã đồng thuận đưa thuế nhập khẩu một số sản phẩm gỗ từ 15 – 25% về mức 0%. Động thái này được đánh giá là hợp lý, góp phần tạo thế cân bằng và công bằng hơn trong thương mại song phương.
Ở lĩnh vực thương mại gỗ, Việt Nam và Hoa Kỳ đã đồng thuận đưa thuế nhập khẩu một số sản phẩm gỗ từ 15 – 25% về mức 0%.
"Việc hai bên cùng áp dụng mức thuế bằng 0 là dấu hiệu tích cực, thúc đẩy hàng hóa lưu thông hai chiều, mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng", PGS.TS Lê Xuân Trường nhấn mạnh.
Cũng theo PGS.TS Lê Xuân Trường, duy trì sự công bằng và hài hòa trong chính sách thuế sẽ giúp Việt Nam tránh được các rủi ro liên quan đến phòng vệ thương mại, đồng thời tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế bền vững.
Đáng chú ý, ngày 2/4, Hoa Kỳ dự kiến công bố mức thuế mới áp dụng với nhiều quốc gia. Trong bối cảnh đó, chính sách thuế nhất quán và "có đi có lại" sẽ là yếu tố giúp Việt Nam củng cố niềm tin từ các đối tác quốc tế.
"Chúng ta cần chủ động xây dựng chính sách dựa trên nguyên tắc tôn trọng lợi ích lẫn nhau. Khi có sự tin tưởng, đối tác sẽ không có lý do để áp thuế cao với hàng Việt", ông Trường phân tích.
Không chỉ giảm thuế, Việt Nam cũng đang hướng tới các giải pháp chiến lược dài hạn, trong đó có việc đẩy mạnh nhập khẩu công nghệ nguồn từ Hoa Kỳ và các quốc gia phát triển. Việc tiếp cận công nghệ tiên tiến sẽ là chìa khóa để nâng cao năng lực sản xuất, cải thiện chất lượng hàng hóa và tăng giá trị xuất khẩu.
Hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ cũng đang dần tiệm cận thông lệ quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình chuyển giao công nghệ. Cùng với đó là hàng loạt chính sách ưu đãi về thuế và tài chính đã và đang được triển khai nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ hiện đại.
Để nhập khẩu công nghệ cao, thu hút đầu tư quốc tế vào lĩnh vực công nghệ và đẩy mạnh sản xuất các ngành hàng công nghệ cao, Việt Nam tuyên bố một thông điệp rõ ràng: Chúng ta có khả năng kiểm soát công nghệ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và đảm bảo rằng các công nghệ được chuyển giao vào Việt Nam sẽ không bị chuyển tiếp sang quốc gia thứ ba khi chưa có sự cho phép của bên xuất khẩu.
Tuy nhiên, PGS.TS Lê Xuân Trường cho rằng, điều quan trọng nhất hiện nay là sự nghiêm túc trong thực thi các quy định đã ban hành. "Trong thương mại cũng như cuộc sống, niềm tin là nền tảng cho quan hệ bền vững. Khi thực thi tốt, đối tác sẽ tin tưởng và hợp tác lâu dài", ông nói.
Đánh giá tổng thể các chính sách như giảm thuế nhập khẩu và tăng cường nhập khẩu công nghệ lõi nhằm nâng cao hàm lượng công nghệ trong sản phẩm, PGS.TS Lê Xuân Trường cho rằng đây là bước đi tích cực, góp phần ổn định và cân bằng cán cân thương mại giữa Việt Nam với các quốc gia đối tác.
"Khi thương mại hai chiều được thúc đẩy trên cơ sở lợi ích hài hòa, các nước sẽ có xu hướng ứng xử công bằng hơn với Việt Nam. Doanh nghiệp được hưởng môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, còn người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn hàng hóa với giá cả hợp lý", ông Trường chia sẻ.
Theo ông, trong thương mại toàn cầu, mỗi quốc gia nên tập trung vào các sản phẩm có lợi thế so sánh. Điều này không chỉ tạo ra sự cân bằng trong giao thương, mà còn mang lại lợi ích bền vững cho tất cả các bên, từ Chính phủ, doanh nghiệp đến người dân.
Việc điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng không chỉ là giải pháp giúp đa dạng hóa nguồn cung, mà còn là bước đi chiến lược nhằm cân bằng cán cân thương mại và phù hợp với xu thế chính sách thuế toàn cầu, đặc biệt là nguyên tắc "có đi có lại".
Khi chính sách thuế được thực hiện đồng bộ và hợp lý, doanh nghiệp sẽ có điều kiện tiếp cận nguyên liệu và công nghệ chất lượng với chi phí thấp hơn, từ đó hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh và kích thích tiêu dùng trong nước. Đồng thời, đây cũng là nền tảng quan trọng để bảo đảm sự phát triển bền vững của nền kinh tế trong tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!