Ứng phó với hạn mặn diễn biến phức tạp và khó lường

Tấn Hưng, Quang Nhật-Chủ nhật, ngày 16/02/2025 17:12 GMT+7

bangdatally.xyz - Xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long đang vào giai đoạn cao điểm và kéo dài đến tháng 4. Dự báo khoảng 9/13 tỉnh thành của khu vực này sẽ bị ảnh hưởng.

Xâm nhập mặn sẽ ảnh hưởng đến 9 tỉnh Tây Nam Bộ

Năm nay nước mặn có thể vào sâu hơn so với năm ngoái. Trên sông Cửu Long, sẽ còn 3 đợt xâm nhập mặn nữa. Trong đó tháng 3 sẽ là tháng mặn xâm nhập vào sâu nhất trong năm. Ranh mặn 4 g/l ở sông Tiền và sông Hậu có khả năng xâm nhập vào từ 45 - 60 km. Trên các sông Vàm Cỏ và Cái Lớn xâm nhập mặn sẽ vào sâu trong tháng 3 và 4. Sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây có phạm vi xâm nhập 45-55km, sông Cái Lớn có phạm vi xâm mặn 30-40km. So với năm ngoái đều cao hơn từ 1 - 3 km

Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau sẽ đều bị ảnh hưởng từ các đợt xâm nhập mặn. Đây đều là những vựa lúa và có diện tích cây ăn trái lớn nhất cả nước.

Ứng phó với hạn mặn diễn biến phức tạp và khó lường - Ảnh 1.

Giải pháp ứng phó với hạn mặn

Trước tình hình hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến ngày càng phức tạp và khó lường, vùng đồng bằng sông Cửu Long đã đưa ra nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm ứng phó hiệu quả với tình trạng này trong đó có những giải pháp công trình. Thời gian qua, hàng loạt Dự án thủy lợi lớn đã được Chính phủ đầu tư ở Miền Tây nhằm giúp ngăn mặn, trữ ngọt, bảo vệ sản xuất.

Cống Nguyễn Tấn Thành, tỉnh Tiền Giang. Công trình ngăn mặn lớn thứ 2 tại miền Tây, nằm cách sông Tiền khoảng 400m. Nếu mặn xâm nhập, cống sẽ được đóng để bảo vệ sản xuất và cung ứng nước sinh hoạt cho người dân 2 tỉnh Tiền Giang và Long An.

Ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết:"Sau khi cống này hoàn thành, kết hợp với 6 cống trên đường tỉnh 864 mà tỉnh đã đầu tư sẽ tạo thành vùng dự án khép kín, đảm bảo ngăn mặn trữ ngọt và phục vụ sản xuất trên hai vùng này là 130 ha của hai tỉnh Tiền Giang và Long An. Đặc biệt là diện tích vườn cây ăn trái có giá trị kinh tế cao".

Các năm trước, ông Đông và nhiều nông dân ở địa phương phải gấp rút thu hoạch lúa Đông Xuân để né mặn. Nhưng năm nay, bà con trong vùng vẫn có thể trồng lúa đến sau Tết. Có được điều này là nhờ cống âu thuyền Vàm Bà Lịch.

Ứng phó với hạn mặn diễn biến phức tạp và khó lường - Ảnh 2.

"Thời điểm này là phải cắt rồi chứ thôi nước trong kênh mặn đắng luôn đó. Có cái cống này giờ khỏe hơn cả trăm lần so với nước. Mình không sợ mặn tràn nữa" - Ông Đông, Xã Vĩnh Hòa Phú, Châu Thành, Kiên Giang chia sẻ.

Cống âu thuyền Vàm Bà Lịch vận hành đồng bộ với hệ thống cống trên địa bàn huyện Châu Thành và thành phố Rạch Giá… giúp ngăn mặn từ biển Tây. Qua đó, đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân khu vực thành phố Rạch Giá, huyện Châu Thành và các huyện lân cận trong mùa khô.

Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai 2 dự án điều tiết nước quy mô lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, dự án kiểm soát nguồn nước kênh Nguyễn Tấn Thành bờ hữu sông Vàm Cỏ Tây thuộc 2 tỉnh Tiền Giang, Long An đã hoàn thành hợp phần chính. Riêng Dự án kiểm soát nguồn nước bờ Nam sông Hậu ở 2 tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, cống chính Rạch Mọp cũng gần hoàn thành.

Ứng phó với hạn mặn diễn biến phức tạp và khó lường - Ảnh 3.

Ông Kiều Văn Công, Phó Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 10, Bộ NN&PTNT cho biết: "Thứ nhất, chúng tôi sẽ kiểm soát tiến độ từng tháng, từng tuần. Thứ 2, chúng tôi điều chỉnh linh động cái tiến độ từng hợp phần. Thứ 3, chúng tôi huy động hết lực lượng, 3 ca, 4 kíp. Như Thủ tướng đã nói, vượt nắng, thắng mưa, để kịp đưa công trình vào sử dụng".

Những mùa khô gần đây, nước mặn đều xâm nhập sâu vào ĐBSCL. Các công trình điều tiết nước sớm hoàn thành sẽ giúp các địa phương chủ động ứng phó hiệu quả với thiên tai cực đoan.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước