Cán bộ kiểm lâm tuần tra bảo vệ rừng.
Đồng lòng gìn giữ rừng, đồng sức xây dựng bản làng
Cách trung tâm xã Chiềng Muôn khoảng 8km, bản Cát Lình nằm giữa những sườn núi quanh co giờ đã khoác lên diện mạo mới. Bản với gần 400 đồng bào Mông giờ đây khang trang hơn hẳn. Bí quyết nằm ở việc người dân đã phát huy tinh thần trách nhiệm, bảo vệ tốt hơn 2.000 ha rừng được giao. Nhờ đó, mỗi năm, bản nhận được hơn 1 tỷ đồng từ chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Tuần tra rừng – việc làm hằng ngày của dân bản.
Điều đáng quý là toàn bộ số tiền không "chảy" vào túi riêng, mà được người dân thống nhất đóng góp một nửa để đầu tư xây dựng hạ tầng, cải thiện đời sống chung. Anh Hàng A Đinh, thành viên Ban quản lý bản Cát Lình, phấn khởi chia sẻ: "Nhiều năm nay, bản vận động bà con trích 50% tiền dịch vụ môi trường rừng để đầu tư hạ tầng. Nhờ sự đồng thuận cao, chúng tôi đã hoàn thành 100% đường nội bản, 30% đường vào khu sản xuất, lắp đèn chiếu sáng và xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, hố đốt rác... Tổng kinh phí lên tới hàng tỷ đồng cùng hàng nghìn ngày công của bà con."
Ông Hạng Văn Thanh, một người dân bản Cát Lình, cho biết thêm: "Bản đã họp và thống nhất ưu tiên xây dựng các công trình công cộng trước. Sau đó, mỗi hộ còn được hỗ trợ 12 triệu đồng làm công trình phụ, 2 triệu đồng đổ nền bê tông và xây hố rác mini. Nhờ vậy, hầu hết các gia đình đã có nhà vệ sinh khép kín, nhà cửa sạch sẽ, góp phần bảo vệ môi trường. Chúng tôi rất tin tưởng và ủng hộ cách làm minh bạch của bản."
Lan tỏa tinh thần tự lực
Không riêng Cát Lình, tinh thần chủ động, tự quản cũng đang lan tỏa mạnh mẽ đến các bản khác, như Noong Quài – nơi sinh sống của đồng bào La Ha.
Với gần 1.000 ha rừng được giao quản lý, 86 hộ dân bản Noong Quài đã thành lập 2 tổ phòng cháy chữa cháy rừng, chủ động tuần tra, phát đường băng cản lửa, bảo vệ rừng hiệu quả. Nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng tại đây được sử dụng hoàn toàn vào việc xây dựng nông thôn mới.
Bản Noong Quài đóng góp làm đường và đèn nông thôn.
Ông Quàng Văn Kim, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Noong Quài, tự hào nói: "Trong hai năm qua, bản đã dùng 400 triệu đồng từ tiền dịch vụ môi trường rừng để xây dựng 500 mét đường nội bản, lắp đặt 50 cột đèn năng lượng mặt trời và hỗ trợ cát cho các gia đình làm nền nhà. Giờ đây, đường sá đi lại thuận tiện, ban đêm đường làng sáng trưng."
Diện mạo nông thôn mới khởi sắc
Toàn xã Chiềng Muôn hiện có 6 bản với gần 5.500 ha rừng tự nhiên, mỗi năm thu về gần 4 tỷ đồng từ dịch vụ môi trường rừng. Cùng với đó, người dân còn trồng xen hơn 35 ha cây thảo quả dưới tán rừng, tăng thêm thu nhập.
Trong hai năm qua, với tinh thần đoàn kết, toàn xã đã huy động người dân đóng góp gần 2 tỷ đồng để xây dựng 2,2 km đường giao thông, lắp đặt 110 cột đèn chiếu sáng, làm 1,4 km rãnh thoát nước và hỗ trợ cứng hóa nền nhà cho 76 hộ dân. Đặc biệt, người dân còn tự nguyện đóng góp 450 triệu đồng làm tuyến đường Chiềng San - Chiềng Muôn.
Ông Giàng A Páo, Chủ tịch UBND xã Chiềng Muôn, khẳng định: "Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, người dân đã nâng cao nhận thức về xây dựng nông thôn mới. Chúng tôi luôn đặt người dân làm chủ thể, mọi việc đều được bàn bạc dân chủ, công khai. Năm 2025, xã đặt mục tiêu huy động thêm 600 triệu đồng từ dịch vụ môi trường rừng để hoàn thiện hệ thống giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân."
Chiềng Muôn đang cho thấy một mô hình phát triển nông thôn mới bền vững dựa trên giá trị của rừng. Ở nơi tưởng chừng còn nhiều khó khăn, chính sự đồng lòng và tinh thần tự lực đã giúp người dân không chỉ giữ được "lá phổi xanh", mà còn tạo ra nguồn lực kinh tế thiết thực để nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bài học từ Chiềng Muôn – Cát Lình – Noong Quài là minh chứng rõ ràng: Bảo vệ rừng đúng cách chính là bảo vệ tương lai của cộng đồng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!