Từ 15/2 đến 18/3, cả nước ghi nhận 216 tin báo lừa đảo, với thiệt hại lên tới 217 tỷ đồng. Các nhóm tội phạm sử dụng thủ đoạn tinh vi, kịch bản công phu, kéo dài thời gian để lừa đảo nạn nhân.
Trong ba tháng qua, thủ đoạn lừa đảo qua mạng phổ biến nhất là giả mạo ứng dụng VNEID và các ứng dụng dịch vụ công. Các đối tượng lừa đảo thường giả danh nhân viên điện nước, thông báo cho người dân rằng nếu không cài đặt ứng dụng, họ sẽ bị tạm dừng cung cấp dịch vụ.
Ngoài ra, một thủ đoạn khác là dẫn dụ người dân vào các đường link có hình ảnh giả mạo, cắt ghép, trong đó có hình ảnh nhạy cảm. Một số nạn nhân đã bị mất số tiền lên đến hàng tỷ đồng vì những chiêu trò này.
Thủ đoạn giả danh công an, cán bộ viện kiểm sát vẫn là một trong những chiêu thức phổ biến mà các đối tượng lừa đảo sử dụng. Tuy nhiên, tình hình đang ngày càng tinh vi hơn khi xuất hiện một thủ đoạn mới. Nhóm lừa đảo đã bố trí một khu vực giống như trụ sở công an cấp xã, phường, với nhiều người đóng vai công an, người dân, thậm chí còn có cả phòng hỏi cung. Mục tiêu của các đối tượng là thuyết phục nạn nhân rằng họ đang làm việc với cơ quan công an, từ đó lừa đảo và chiếm đoạt tài sản của người dân.
Lợi dụng việc các tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp chưa yêu cầu sinh trắc học, tình trạng mua bán sim không chính chủ vẫn diễn tra tràn lan, hoạt động xuất nhập cảnh qua biên giới, đường mòn lối mở vẫn còn những kẽ hở, dẫn đến tội phạm lừa đảo qua mạng vẫn gia tăng hoạt động. Đa phần các nhóm đối tượng hoạt động bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 29 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác phòng ngừa, xử lý hoạt động sử dụng công nghệ cao trên không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cao điểm tấn công tội phạm liên quan đến sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng toàn quốc sẽ tập trung đấu tranh triệt phá các đường dây có tổ chức, xuyên quốc gia, gây thiệt hại cho nhân dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!