Những ngày tháng tư, khi cả đất nước đang rộn ràng khí thế kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, chúng tôi may mắn được cùng đoàn Bộ tư lệnh Quân khu 4 về thăm lại những nữ anh hùng pháo binh Ngư Thủy năm xưa. Giờ đây, những "C gái" tuổi đôi mươi ngày trước đều đã bước sang tuổi "thất thập cổ lai hy", tuy nhiên những ký ức về một thời chiến đấu hào hùng vẫn còn vẹn nguyên trong mỗi người.
Những nữ anh hùng tuổi đôi mươi trên mâm pháo
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Quảng Bình được xem là hậu phương trực tiếp của chiến trường miền Nam, và Ngư Thủy cùng với Vĩnh Linh, Quảng Trị được xem là tuyến lửa đối đầu trực tiếp với kẻ thù. Bước sang năm 1967, Mỹ leo thang phá hoại miền Bắc, Quảng Bình trở thành tọa độ lửa của tàu chiến, máy bay Mỹ dội bom, bắn phá. Tại yết hầu xã Ngư Thủy, địch đánh phá suốt ngày đêm. Trung bình mỗi người dân Ngư Thủy phải gánh chịu trên 130 quả bom, đạn các loại.
O Trần Thị Thản, nguyên là Chính trị viên Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy kể lại câu chuyện với phóng viên
O Trần Thị Thản, 75 tuổi, nguyên là Chính trị viên Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy nhớ lại: Trước tình hình chiến sự căng thẳng, bên cạnh nhiều lực lượng được tăng cường, ngày 20/11/1967, Tỉnh đội Quảng Bình thành lập Đội nữ pháo binh Ngư Thủy, ban đầu gồm 37 cô gái tuổi từ 16 đến 20, trú ở ba xã miền biển Ngư Hòa, Hải Thủy, Ngư Thủy của huyện Lệ Thủy. Lúc cao điểm, Đại đội lên đến 91 người, luân phiên chiến đấu. Người dân thường gọi Đại đội pháo binh là "C gái". Đại đội nữ pháo binh được trang bị 4 khẩu pháo 85 ly, 4 xe kéo pháo và một số phương tiện máy móc, súng ống phục vụ chiến đấu.
"Thời đó, những đứa con gái mới lớn chúng tôi lần đầu thấy khẩu pháo toàn sắt thép không khỏi ớn lạnh. Chúng tôi được rèn luyện, học ngày học đêm tại trận địa để sớm làm chủ khẩu pháo. Pháo thủ học vận hành, đài chỉ huy thì tập bắt mục tiêu… Ai cũng háo hức chờ thành quả, nhưng ai cũng rất lo không biết có hoàn thành nhiệm vụ không" O Thản chia sẽ.
Chỉ hơn hai tháng rưỡi từ ngày thành lập, đến 7/2/1968, Đội nữ pháo binh đánh thắng trận đầu, bắn trọng thương tàu khu trục Mỹ khi tàu đến đánh phá vùng biển Quảng Bình. Trong 100 ngày đầu năm 1968, Đội nữ pháo binh Ngư Thủy bắn trúng ba tàu khu trục Mỹ, tạo tiếng vang lớn. Những cú đánh này chấm dứt hai năm liền chịu trận trước sự bắn phá của hải quân Mỹ. Mảnh đất Quảng Bình hẹp bề ngang, việc bắn được tàu chiến Mỹ buộc chúng ra xa bờ biển, giúp cho nhiều vùng trọng yếu ở phía Tây được an toàn.
O Ngô Thị Thắt, lúc đó mới 16 tuổi là người em áp út của đại đội bồi hồi nhớ lại, Thời đó người tôi gầy nhỏ, lúc vào đại đội được phân công nhiệm vụ là pháo thủ số 3, lo việc tiếp đạn."Khi mới nhận nhiệm vụ, nhìn mỗi quả đạn to bằng bắp chân, nặng 16kg, khóa nòng 32kg nhưng không biết sao tôi một tay vẫn xách nhẹ băng. Cả đại đội hừng hực khí thế chiến đấu, ai cũng hăng hái để lập chiến công cho đơn vị" O Thắt cười nói.
Trong quá trình hoạt động Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy đã đánh 8 trận và 5 lần bắn cháy và bắn chìm tàu chiến Mỹ bằng pháo mặt đất 85 ly để bảo vệ vùng biển ở Quảng Bình. Ngày 25/8/1970, Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy đã được Đảng, Nhà nước tuyên dương đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 2000, tỉnh Quảng Bình đã khởi công xây dựng tượng đài tượng đài nữ pháo binh Ngư Thủy ở xã Ngư Thủy để ghi nhớ công lao của đại đội pháo anh hùng.
Trở về cuộc sống đời thường trên vùng đất cát
Sau chiến tranh, trở về với cuộc sống đời thường, các O gác lại phía sau những chiến công, những hy sinh mất mát để lặng lẽ về với cuộc sống thường nhật, chăm lo cho gia đình, chung tay xây dựng quê hương và không ngừng kết nối, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Hiện nay, dù các O vẫn còn nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng chính những nữ chiến sĩ của "C gái" anh hùng năm nào, những người mà tên tuổi đã đi vào lịch sử như một huyền thoại đang tiếp tục phát huy ý chí quật cường của những người phụ nữ "3 đảm đang" để tiếp tục tô thắm, làm đẹp thêm bức tượng đài bất tử trong lòng thế hệ hôm nay.
Báo Quân đội nhân dân phối hợp với Bộ tư lệnh Quân khu 4 tặng quà cho Đại đội pháo binh Ngư Thủy
Thượng tá Trần Văn Ngọc, Chính trị viên Ban CHQS huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình cho biết, ngoài chế độ trợ cấp một lần và bảo hiểm y tế thì đến nay, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương đã tìm nhiều phương án để có những kêu gọi hỗ trợ nhưng đến nay dù tuổi đã cao, song đời sống của nhiều mẹ, nhiều O vẫn còn gặp khó khăn trong cuộc sống. Hiện nay địa phương cũng rất mong muốn thông qua các hoạt động hỗ trợ, sự chia sẻ của cộng đồng, các cựu nữ dân quân pháo binh Ngư Thủy sẽ có được cuộc sống tốt đẹp hơn nữa.
Bên tượng đài nữ pháo binh Ngư Thủy, nhìn những mái tóc bạc phơ, làn da đen sạm vì thời gian cùng với nụ cười vui tươi, hiền hậu của các O khi được gặp lại những đồng đội củ. Chúng tôi cứ tự nhủ, chính những con người chất phác, hiền hậu này năm xưa đã cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc. Họ đã, đang và sẽ mãi là những tượng đài bất tử trong lòng thế hệ hôm nay để lan tỏa tinh thần yêu nước, bất khuất, kiên cường của quê "Hai giỏi" anh hùng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!