Điều này ảnh hưởng tới nhiều hộ gia đình, nhất là công nhân ở các khu công nghiệp gần đó mua đất để xây nhà ở.
Dự án đã có khoảng 300 hộ gia đình về xây dựng nhà và sinh sống ổn định nhiều năm nay. Hạ tầng xung quanh gần như đã hoàn thành.
Anh Hoàng làm việc tại một khu công nghiệp gần đó cho biết, tin tưởng, gia đình anh đã mua một mảnh đất xây nhà để đi làm cho gần. Năm 2024, sau khi đã thu xếp được nguồn tài chính, đến làm thủ tục, anh được chủ đầu tư thông báo tạm thời dừng xây dựng và không biết dừng đến khi nào.
"Có những ngôi nhà xây dựng khoảng 50 - 70 tỷ đồng, mình nghĩ mình mua mảnh đất xây nhà để ở so với công nhân thì mình làm, không nghĩ là việc kéo dài đến mức này", anh Đào Minh Hoàng (người mua đất tại dự án V-Green City, Hưng Yên) chia sẻ.
Người dân cho biết rất cần các cơ quan chức năng của tỉnh Hưng Yên vào cuộc quyết liệt để tháo gỡ vướng mắc dự án.
"Mua rất lâu rồi nhưng không được quyền xây dựng, không có sổ phải cho dân một câu trả lời rõ ràng, giải quyết trong bao lâu để xong để người dân xây nhà ở, bây giờ bỏ bao nhiêu tiền ra mua bao nhiêu năm nay rồi không làm được", anh Trần Văn Hưng (người mua nhà tại dự án V-green City, Hưng Yên) cho biết.
Đi tìm hiểu, người mua đất mới biết, không chỉ dừng lại ở việc không được phép xây dựng, mà 2.700 lô đất tại dự án còn bị cấm mua bán chuyển nhượng do liên quan tới một vụ án xảy ra tại dự án này.
Ngoài ra, đến nay dự án vẫn chưa được tính tiền sử dụng đất, dẫn đến doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, nên chưa thể hoàn thiện các thủ tục tiếp theo cho khách hàng.
"Vừa qua công an tỉnh bắt nhiều cán bộ nên chúng tôi lo lắng dự án bị thu hồi. Chúng tôi hy vọng tỉnh sớm ra được biểu thuế để chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính, để ra được sổ đỏ cho dân an cư lập nghiệp", chị Nguyễn Thu Trang (người mua nhà tại dự án V-green City, Hưng Yên) bày tỏ.
Đại diện chủ đầu tư cho biết, dự án được triển khai từ năm 2004 theo hình thức BT đổi đất lấy hạ tầng. Do dự án kéo dài 20 năm, lại liên tục bị điều chỉnh như hoán đổi đất giữa các doanh nghiệp cơ quan, điều chỉnh quy hoạch... nên đến nay vẫn vướng mắc về thủ tục pháp lý, dẫn tới khó khăn trong việc xác định tiền sử dụng đất của dự án.
Người dân cho biết, họ rất cần các cơ quan chức năng của tỉnh Hưng Yên vào cuộc quyết liệt tháo gỡ vướng mắc dự án, một mặt để doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm nộp tiền sử dụng đất cho ngân sách nhà nước, tránh thất thu; một mặt người mua sớm nhận được đất để xây nhà, để không còn tình trạng người cần nhà ở thì không có nhà, còn đất cứ để bỏ hoang lãng phí cho cỏ mọc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!