Doanh nghiệp vận tải lao đao vì chậm triển khai quy chuẩn thiết bị giám sát hành trình mới

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 27/03/2025 14:59 GMT+7

bangdatally.xyz - Do chưa có đơn vị được chỉ định kiểm định, hàng chục nghìn phương tiện gặp khó khăn trong lắp đặt thiết bị giám sát hành trình mới, đối mặt với nguy cơ ngừng hoạt động.

Thông tư 62 của Bộ Công an, quy định về quy chuẩn kỹ thuật đối với hệ thống giám sát nhằm bảo đảm an toàn giao thông đường bộ, trong đó yêu cầu thiết bị giám sát hành trình phải ghi nhận hình ảnh của người lái xe, đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Theo quy định, các thiết bị này bắt buộc phải đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật mới là QCVN 06:2024/BCA, thay thế cho phần lớn các thiết bị hiện đang được sử dụng.

Doanh nghiệp vận tải lao đao vì chậm triển khai quy chuẩn thiết bị giám sát hành trình mới - Ảnh 1.

Quy định về việc thiết bị giám sát hành trình phải có chức năng ghi nhận hình ảnh của người lái xe đã chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2025, theo Thông tư 62 của Bộ Công an.

Tuy nhiên, đến nay đã gần ba tháng trôi qua kể từ khi Thông tư có hiệu lực, nhưng vẫn chưa có bất kỳ đơn vị nào triển khai việc đo kiểm và chứng nhận hợp quy cho các thiết bị giám sát theo quy chuẩn mới. Điều này khiến hàng chục nghìn phương tiện vận tải đứng trước nguy cơ bị đình trệ hoạt động do chưa thể hoàn tất thủ tục chứng nhận thiết bị theo đúng quy định.

"Hiện tại chúng tôi chưa thể biết mua thiết bị ở đâu để lắp, mà chi phí để thay thế thiết bị một lần là rất lớn. Với các đơn vị có hàng trăm xe, vốn đầu tư sẽ rất nhiều, trong khi lượng khách ngày càng ít đi", ông Nguyễn Tấn Hùng, Giám đốc Công ty Hiền Phước chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Công Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, về mặt kỹ thuật, quy chuẩn mới QCVN 06:2024/BCA không có nhiều khác biệt so với quy chuẩn cũ QCVN 31:2021/BGTVT. Điểm mới chỉ là yêu cầu camera phải có khả năng nhận diện bằng công nghệ AI và thiết bị phải có cổng truyền tốc độ cao.

"Hiện nay, gần 1 triệu phương tiện đang sử dụng thiết bị giám sát hành trình cũ vẫn tạm thời được hoạt động, nhưng khi đến hạn đăng kiểm, nếu không có giấy chứng nhận mới theo QCVN 06:2024/BCA, phương tiện sẽ không thể tiếp tục lưu hành", ông Hùng cảnh báo.

Doanh nghiệp vận tải lao đao vì chậm triển khai quy chuẩn thiết bị giám sát hành trình mới - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Công Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, chia sẻ rằng các doanh nghiệp vận tải đang đối mặt với rất nhiều khó khăn khi chưa thể lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy chuẩn mới QCVN 06:2024/BCA.

Ông Hùng cũng cho biết, để một thiết bị được cấp chứng nhận hợp quy theo quy chuẩn mới có thể mất từ ba đến năm tháng, đặc biệt đối với các doanh nghiệp sản xuất thiết bị giám sát hành trình khi phải nhập linh kiện, lắp ráp và hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chuẩn mới.

"Mỗi phương tiện khi phải dừng hoạt động sẽ kéo theo nhiều chi phí cho doanh nghiệp như lãi vay ngân hàng, nhân sự phải tạm ngừng việc, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, mất khách hàng, thất thoát doanh thu. Khi tài xế nghỉ việc, việc tuyển dụng, đào tạo lại cũng tốn kém không ít. Chỉ tính riêng doanh thu mất khoảng 2–3 triệu đồng/ngày cho mỗi xe, nhân với 250.000 phương tiện, thì thiệt hại có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng mỗi ngày – một con số khổng lồ đối với toàn ngành vận tải", ông Hùng cho biết thêm.

Doanh nghiệp vận tải lao đao vì chậm triển khai quy chuẩn thiết bị giám sát hành trình mới - Ảnh 3.

Trong suốt ba tháng qua, các doanh nghiệp sản xuất thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi hình người lái xe không biết phải liên hệ với cơ quan nào để thực hiện thủ tục chứng nhận hợp quy, đo kiểm.

Nghị định 151 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Trong đó, quy định rõ bốn loại phương tiện bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi hình người lái xe, gồm: Xe ô tô chở người từ 8 chỗ trở lên có kinh doanh vận tải, xe ô tô đầu kéo, xe cứu thương, xe cứu hộ giao thông đường bộ.

Dữ liệu thu được từ các thiết bị giám sát hành trình sẽ được sử dụng phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông đường bộ, cũng như xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực vận tải. Các thông tin này sẽ được kết nối, chia sẻ với Cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan theo đúng quy định pháp luật.

"Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình hợp chuẩn không chỉ là yêu cầu pháp lý mà còn là ‘tai mắt’ của doanh nghiệp, giúp quản lý tốt hoạt động vận tải và nâng cao hiệu quả điều hành. Vì vậy, quy chuẩn mới là rất cần thiết, nhưng triển khai phải đồng bộ và có lộ trình phù hợp," ông Hùng khẳng định.

Theo ông Hùng chia sẻ, trước đây đã từng xảy ra trường hợp gần 1 triệu xe biển vàng chỉ vì khác nhau giữa chữ "T" và "V" trên giấy đăng ký xe mà không được đăng kiểm, gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp. Tình huống tương tự hoàn toàn có thể lặp lại nếu 250.000 xe đang lắp camera theo tiêu chuẩn cũ không được tháo gỡ vướng mắc kịp thời.

Doanh nghiệp vận tải lao đao vì chậm triển khai quy chuẩn thiết bị giám sát hành trình mới - Ảnh 4.

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải đã gặp khó khăn trong việc thực hiện lắp đặt thiết bị, rà soát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh của lái xe.

"Hiện nay, Bộ Xây dựng đang giao Cục Đăng kiểm phối hợp cùng Bộ Công an để xử lý, tuy nhiên nếu không có hướng dẫn rõ ràng và nhanh chóng về việc chỉ định đơn vị thẩm định, cấp chứng nhận theo quy chuẩn mới, thì bài học cũ hoàn toàn có thể tái diễn, gây đình trệ hàng loạt phương tiện và thiệt hại lớn cho doanh nghiệp vận tải", ông Hùng nhấn mạnh.

Thông tư 62 quy định rõ tại các Điều 5.4 và 5.5 về trách nhiệm của các cơ quan liên quan. Theo đó, Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an có trách nhiệm tổ chức phổ biến quy chuẩn; Cục Cảnh sát Giao thông làm nhiệm vụ giám sát, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện.

Tuy nhiên, điểm vướng mắc lớn nhất hiện nay là chưa có cơ quan nào được chỉ định cụ thể để thực hiện nhiệm vụ thẩm định và cấp chứng nhận hợp quy cho thiết bị theo quy chuẩn mới. Điều này khiến các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu thiết bị lâm vào thế bị động, chưa thể triển khai việc nghiên cứu, sản xuất hay đưa thiết bị ra thị trường, làm chậm toàn bộ quá trình chuyển đổi sang tiêu chuẩn mới.

Doanh nghiệp vận tải lao đao vì chậm triển khai quy chuẩn thiết bị giám sát hành trình mới - Ảnh 5.

Mỗi phương tiện khi buộc phải dừng hoạt động sẽ kéo theo nhiều tổn thất chi phí cho doanh nghiệp.

"Trước tình hình này, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã có hai văn bản kiến nghị gửi Bộ Công an và Cục Cảnh sát giao thông, đồng thời kêu gọi sự vào cuộc của Bộ Khoa học và Công nghệ để sớm chỉ định đơn vị thẩm định thiết bị. Đây được xem là giải pháp cấp thiết nhằm tháo gỡ nút thắt hiện nay, tránh gây lãng phí, hỗn loạn và đình trệ hoạt động vận tải trên diện rộng", ông Hùng chia sẻ thêm.

Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt chuẩn đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lý của doanh nghiệp vận tải cũng như giám sát từ phía cơ quan chức năng. Quy chuẩn mới là cần thiết để nâng cao hiệu quả quản lý, tuy nhiên, tiến độ kiểm định chậm đang khiến quá trình triển khai thiếu sự đồng bộ.

Dự kiến đến hết quý I/2025, sẽ có hàng chục nghìn phương tiện phải lắp đặt camera giám sát theo quy chuẩn mới. Do đó, việc sớm đưa ra giải pháp cụ thể, chỉ định rõ cơ quan kiểm định và cấp chứng nhận là rất cấp thiết, nhằm giúp doanh nghiệp ổn định hoạt động, tránh lãng phí và đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước