Cả làng bị giặc đốt phá
Tháng 4 ở Tây Nguyên, thời tiết dịu dàng, nắng nhẹ. Người dân Tây Nguyên rộn ràng, hòa chung cùng cả nước hướng về 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).
Chúng tôi - những người trẻ - may mắn được người con của phi công Đinh Văn Đưới (SN 1936, quê ở xã Yang Bắc, huyện An Khê, tỉnh Gia Lai – Kon Tum cũ; nay là thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) cho xem những kỷ vật, bức hình, cuốn sổ nhật ký ghi lại những câu chuyện của ông trong Đoàn bay 919 nổi tiếng.
CMND của phi công Đinh Văn Đưới khi là học viên của Cục Không quân – Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Đoàn bay 919 – tiền thân là Trung đoàn Không quân vận tải 919 được thành lập ngày 01/5/1959 – là Trung đoàn Không quân đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ông Đinh Văn Đưới, là người Ba Na đầu tiên và có thể là duy nhất ở Tây Nguyên tham gia Đoàn bay 919.
CMND của phi công Đinh Văn Đưới khi là học viên của Cục Không quân – Quân đội Nhân dân Việt Nam.Vào những năm trước 1945, giặc Pháp càn quét, đốt phá làng mạc để củng cố chủ nghĩa thực dân. Những buôn làng ở Tây Nguyên vì vậy bị Pháp vây ráp, khủng bố, hại giết nhiều người vô tội. Năm 11 tuổi, cậu bé Đưới đã tham gia liên lạc, hỗ trợ bà con tiếp tế lương thực cho bộ đội.
Sau này ông kể lại, lần đi săn cùng người chú trong làng, trong lúc trở về, chứng kiến cả làng bị giặc Pháp bao vây, đốt cháy. Những căn nhà sàn bốc cháy ngùn ngụt, giặc lại điên cuồng xả súng đạn từ bên ngoài. Cả một buôn làng bị xóa sổ, không còn ai sống sót. Cậu bé Đưới cùng người chú nhờ vậy sống sót; riêng bố mẹ và người thân của cả 2 đều chết dưới họng súng kẻ thù.
Giai đoạn 1950-1954, cậu bé Đưới ngày nào đã trở thành du kích, tham gia cùng bộ đội đánh giặc. Sau đó, ông được đưa ra Bắc để học tập.
Ban đầu, ông tham gia trường Pháo binh, đến năm 1961, ông là thượng sỹ của Trung đoàn 919, Cục không quân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông tham gia học tập và huấn luyện tại đơn vị có ký hiệu C2 - Trường hàng không của Cục không quân. Trong giai đoạn huấn luyện, vì tên Đưới khó đọc, bạn bè thường gọi ông bằng tên Đức, trong chiến đấu ông có bí danh khác, tên là Đại.
Trong thời gian ở Bắc, ông gặp gỡ người con gái của đời mình bà Nguyễn Thị Minh - người Ba Na, cùng quê Gia Lai - Kon Tum, học viên cao đẳng văn hóa Trường cán bộ học sinh dân tộc miền Nam trên đất Bắc, sau này là vợ ông. Bà Minh (tên gọi khác là H’mol) sau đất nước thống nhất, bà là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Gia Lai.
Tham gia đánh tướng phỉ Vàng Pao
Trong cuốn sổ tay được chiến sĩ đất nước Liên bang Nga trao tặng, phi công Đinh Văn Đưới đã viết lại hành trình chiến đấu trong nước, trên đất Lào, tham gia Đoàn trinh sát, thăm dò địa chất và cả thời khắc bị máy bay địch bắn. Ông cũng là thành viên của tổ bay quyết tử đánh vào Hạm đội 7 của Mỹ ở Thái Bình Dương năm 1966.
Những nét chữ được ông thuật lại như những thước phim quay chậm, hồi ức về một giai đoạn kháng chiến chống Mỹ ác liệt.
Ông được Chủ tịch nước Hồ Chí Minh, Tôn Đức Thắng, Trường Chinh trao tặng Huân chương chiến sỹ vẻ vang, Huân chương Kháng chiến.
Giai đoạn năm 1962, ông cùng 2 đồng đội là Nguyễn Xuân Tình, Nguyễn Văn Tâm chiến đấu ở bắc Lào trên chiếc máy bay có ký hiệu 635C do Liên Xô sản xuất. Cũng trong cuốn sổ này, ông ghi lại, 2 người bạn Tình và Tâm hi sinh vào các năm 1964, 1968.
Năm 1966, ông nằm trong tổ bay (ký hiệu B) được Bộ Tư lệnh Quân chủng không quân giao làm tổ bay quyết tử đánh vào Hạm đội 7 của Mỹ ở Thái Bình Dương trên chiếc máy bay có ký hiệu số 636-637B. Trên chiếc máy bay này ông cùng đồng đội Nguyễn Lưu Quý, Đỗ Trung Phán, Nguyễn Xuân Kịch mang theo 116 quả đạn pháo, trong đó có 50 quả pháo cối.
Một năm sau, năm 1967, ông cùng 2 người phi công Nguyễn Lưu Quý, Nguyễn Xuân Kịch đang bay trên chiếc máy bay có số hiệu 634, thì bị bắn ở Vinh (Nghệ An) và bị bắn ở Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), làm các thành viên tổ bay bị thương.
Đặc biệt, vào năm 1969, ông tham gia tổ bay cùng Nguyễn Duy Vang (Văng), Phan Kỳ Xuân trực tiếp đánh vào hầm chỉ huy của tướng phỉ Vàng Pao (Lào) trên chiếc máy bay số hiệu 638 của Phòng không – Không quân. Năm 1972, ông cùng 2 đồng đội là Vũ Hồng Quyết, Phan Kỳ Xuân lái chiếc máy bay ký hiệu 635 chiến đấu trong "Chiến dịch 12 ngày đêm" với máy bay B52 của địch tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội.
Ông Đinh Văn Đưới - nguyên Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai (thứ 2 từ trái qua).
Giai đoạn năm 1973-1974-1975, ông cùng đồng đội lái chiếc máy bay số hiệu 639 chiến đấu ở Lào (hạ Lào, Xiêng Khoảng và cánh đồng Chum). Sau đó, đến tháng 3/1975, ông về nước tham gia giải phóng Sài Gòn.
Ngoài thời gian chiến đấu, ông cùng đồng đội tham gia tổ bay thăm dò địa chất ở khu vực Thái Bình, Hà Đông, Hòa Bình, Bắc Thái, Yên Bái, Cao Bằng, Tuyên Quang (năm 1964). Trong đoàn thăm dò địa chất lúc ấy, ông ghi lại là có các chuyên gia Liên Xô (gồm 3 giáo viên bay, 3 kỹ sư địa chất và kỹ thuật hàng không Liên Xô; trong đó có một đồng chí nữ là kỹ sư địa chất). Ông còn là thành viên tổ bay trinh sát cảng Đông Hà (Quảng Trị), cảng Đà Nẵng vào các năm 1971-1972.
Với những chiến công quả cảm và lừng lẫy của mình, phi công Đinh Văn Đưới được Chủ tịch nước là Hồ Chí Minh trao tặng Huân chương Chiến sỹ vẻ vang hạng Nhì; Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng 2 lần trao tặng Huân chương chiến sỹ vẻ vang hạng Nhất và hạng Ba, Chủ tịch nước Trường Chinh trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Ông được tặng 35 bằng khen của Quân chủng Không quân Việt Nam và 25 giấy khen khác của đơn vị…
Năm 1979, ông được cử đi học Trường Cán bộ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh (hệ trung cấp). Sau đó, ông về giữ chức vụ Phó Viện trưởng, rồi Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai – Kon Tum (nay là Gia Lai) cho đến lúc về hưu năm 1997.
Gia đình ông có hai người con gái, một người công tác tại Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai, người còn lại hiện là trưởng ban Văn hóa – xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai, bà Đinh Ly An. Không chỉ là anh hùng trong chiến đấu, ông Đinh Văn Đưới – một người rất nhân văn – khi nhận nuôi con của đồng đội. Năm 1977, khi gia đình ông vào lại Gia Lai, ông cũng đưa người con nuôi nữ này vào, cho đi học và sau này công tác tại Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai, hiện đã nghỉ hưu.
Năm 2002, phi công Đinh Văn Đưới mất khi mới 66 tuổi. Ông ra đi, nhưng tên tuổi, chiến tích của ông vẫn là niềm tự hào của buôn làng Ba Na ở Tây Nguyên. Ông đã cùng đồng đội vẽ nên những chiến công hào hùng trên bức tranh chiến thắng của dân tộc thời kỳ chống Mỹ cứu nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!