Nhiều chính sách đang được sửa đổi nhằm khuyến khích sinh con. Bộ Chính trị đã yêu cầu không kỷ luật đảng viên sinh con. Trong dự thảo Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số, Bộ Y tế đề xuất cho phép mỗi cặp vợ chồng hoặc cá nhân tự quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh. Bên cạnh đó, dự thảo Luật Dân số mới đây đề xuất kéo dài thời gian nghỉ thai sản từ 6 tháng lên 7 tháng. Đồng thời, phụ nữ sinh đủ hai con tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp sẽ được hỗ trợ thuê hoặc mua nhà ở xã hội. Những chính sách này đang nhận được sự quan tâm đặc biệt từ người lao động.
Dự thảo Luật Dân số mới đây đề xuất kéo dài thời gian nghỉ thai sản từ 6 tháng lên 7 tháng.
"Việc kéo dài thời gian nghỉ thai sản lên 7 tháng là một bước tiến tích cực, giúp người mẹ có thêm thời gian phục hồi sức khỏe và chăm sóc con. Tuy nhiên, để đảm bảo tính bền vững của Quỹ bảo hiểm xã hội, cần nghiên cứu kỹ lưỡng về cơ chế và lộ trình áp dụng. Ngoài ra, chính sách này có thể chưa đủ để tác động mạnh đến quyết định sinh con thứ hai, do còn nhiều yếu tố ảnh hưởng như kinh tế, chi phí nuôi con và nhà ở", bác sĩ Mai Xuân Phương, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Giáo dục, Bộ Y tế nhận định.
Bác sĩ Mai Xuân Phương, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Giáo dục, Bộ Y tế chia sẻ các nội dung liên quan đến dự thảo Luật Dân số mới đây.
Chính sách hỗ trợ thuê hoặc mua nhà ở xã hội cho phụ nữ sinh đủ hai con tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ở những tỉnh, thành phố có mức sinh thấp đang thu hút nhiều sự quan tâm. Theo BS. Mai Xuân Phương, đây là một hình thức hỗ trợ thiết thực, nhưng để triển khai chính sách một cách hiệu quả, cần cân nhắc ba khía cạnh quan trọng. Thứ nhất, cần tăng tính hấp dẫn của chính sách để khuyến khích sự tham gia của người lao động. Thứ hai, phải đảm bảo sự cân đối trong quỹ lương thai sản để duy trì tính bền vững về tài chính. Thứ ba, chính sách thai sản cần được kết nối chặt chẽ với các chính sách khuyến sinh tổng thể nhằm tạo ra sự đồng bộ và tác động lâu dài.
Tỷ lệ sinh của Việt Nam trong năm 2024 là 1,91 con/phụ nữ. Đây là năm thứ ba liên tiếp mức sinh của Việt Nam giảm xuống dưới mức sinh thay thế (2,1 con), không đủ để đảm bảo duy trì dân số ổn định. Với xu hướng này, Việt Nam hiện nằm trong nhóm các quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất khu vực Đông Nam Á. Theo dự báo, nếu mức sinh tiếp tục giảm, đến khoảng năm 2039, Việt Nam sẽ kết thúc thời kỳ dân số vàng và đến năm 2069 có thể bước vào giai đoạn tăng trưởng dân số âm. Đây là một thách thức lớn, đòi hỏi việc triển khai các chính sách khuyến sinh một cách mạnh mẽ và hiệu quả.
Dự thảo Luật Dân số mới đây cũng đề xuất phụ nữ sinh đủ hai con tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp sẽ được hỗ trợ thuê hoặc mua nhà ở xã hội.
"Để ứng phó với nguy cơ dân số già và tăng trưởng âm vào năm 2069, cần triển khai các giải pháp chiến lược và đồng bộ. Thứ nhất, cần tăng trợ cấp sinh con, áp dụng ưu đãi thuế và hỗ trợ nhà ở cho gia đình có hai con. Thứ hai, cần mở rộng chế độ nghỉ thai sản, đặc biệt với con thứ hai có thể kéo dài lên 8 – 9 tháng; điều chỉnh chính sách bảo hiểm xã hội và doanh nghiệp để đảm bảo quyền lợi người lao động; Cho phép mẹ đi làm bán thời gian hoặc làm việc từ xa từ tháng thứ 7 – 8 sau sinh. Thứ ba, nâng cao hệ thống giáo dục bằng cách miễn, giảm học phí mầm non, phát triển trường công lập tại khu công nghiệp, khu chế xuất để hỗ trợ phụ huynh trong việc chăm sóc con cái. Thứ tư, đẩy mạnh truyền thông nhằm xóa bỏ định kiến về sinh con và nuôi dạy con, đồng thời triển khai các chiến dịch khuyến khích bình đẳng giới. Cuối cùng, xây dựng chính sách linh hoạt, hỗ trợ đặc biệt cho các nhóm đối tượng như người trẻ sinh con sớm, phụ nữ có trình độ cao, gia đình sống tại thành thị và nông thôn, nhằm đảm bảo phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế", ông Phương đề xuất.
Bộ Y tế đang đề xuất dự thảo Luật Dân số với ba nhóm chính sách chính: duy trì mức sinh thay thế, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và nâng cao chất lượng dân số. Theo ông Phương, ba chính sách này cần triển khai đồng bộ vì chúng có mối quan hệ chặt chẽ và không thể tách rời.
Nhiều chính sách đang được điều chỉnh để thúc đẩy việc sinh con và ứng phó với tình trạng mức sinh giảm.
"Nếu chỉ tập trung vào một hoặc hai yếu tố mà bỏ qua yếu tố còn lại, dân số sẽ mất cân bằng. Để tránh dàn trải nguồn lực, cần thực hiện theo từng giai đoạn có trọng tâm: Giai đoạn 2025 – 2030: Ưu tiên chính sách khuyến sinh, kiểm soát mất cân bằng giới tính, đặt nền móng nâng cao chất lượng dân số; Giai đoạn 2030 – 2040: Duy trì mức sinh thay thế, theo dõi mức sinh tại từng địa phương để điều chỉnh chính sách linh hoạt; Giai đoạn 2040 – 2060: Chuyển trọng tâm sang giảm mất cân bằng giới tính và nâng cao chất lượng dân số khi mức sinh đã ổn định", ông Phương nhấn mạnh.
Mức sinh giảm đáng kể chỉ mới diễn ra trong hai năm 2023 và 2024. Tuy nhiên, Việt Nam là quốc gia có truyền thống coi trọng văn hóa gia đình. Nếu ngay từ bây giờ kiên trì thực hiện các chính sách đột phá, thì trong 25 – 30 năm tới, giá trị gia đình vẫn được duy trì, đồng thời đất nước sẽ có nguồn nhân lực chất lượng cao để hội nhập và phát triển bền vững.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!