Đó là một trong những nội dung chính tại Nghị quyết 193 mới được Quốc hội thông qua về "thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia".
Điều này góp phần giải quyết thực trạng tồn tại nhiều năm nay trong nghiên cứu khoa học, công nghệ ở Việt Nam, đó là "kết quả công trình khoa học bị cất trong ngăn kéo", gây lãng phí đầu tư nguồn Ngân sách Nhà nước.
Viện Kỹ thuật nhiệt đới mỗi năm có khoảng 70 đề tài nghiên cứu khoa học, nhưng gần như toàn bộ kết quả nghiên cứu chỉ dừng ở phòng thí nghiệm, không thương mại hóa được. Đây là tình trạng chung của nhiều viện, trường hiện nay.
Theo nghị quyết mới đây của Quốc hội, chính sách thí điểm cho phép nhà khoa học được thành lập doanh nghiệp để đưa kết quả nghiên cứu ra thị trường, do đó sẽ tăng trách nhiệm trong lựa chọn những đề tài mang tính ứng dụng cao, sát nhu cầu thực tế và sẽ có nguồn lực để "ươm" kết quả nghiên cứu nảy mầm thành những sản phẩm cụ thể.
Nghị quyết 193 của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia đem lại kỳ vọng lớn cho giới khoa học, công nghệ Việt Nam. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Theo GS. Trần Đại Lâm, Viện trưởng Viện Kỹ thuật nhiệt đới, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam: "Có cơ chế mở để tiếp tục thương mại hóa thì số lượng đề tài khả thi để thương mại hóa sẽ tăng, hằng năm có 15 - 20 đề tài có thể thương mại hóa được".
Được thành lập doanh nghiệp, đồng thời Tổ chức khoa học, công nghệ cũng được sở hữu tài sản kết quả nghiên cứu, điều này sẽ tăng tính chủ động, tạo lợi thế cho nhà khoa học khi hợp tác với doanh nghiệp và đảm bảo quyền lợi cho các bên khi đưa sản phẩm từ phòng thí nghiệm bước ra thị trường.
"Việc thu hút nguồn lực từ doanh nghiệp rất quan trọng. Do vậy, nếu phân định được quyền và trách nhiệm giữa nhà trường, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp, thì nguồn lực từ đầu tư của doanh nghiệp sẽ nhiều hơn", PGS. Trương Ngọc Kiểm, Giám đốc Công viên Công nghệ cao và đổi mới sáng tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận định.
Tuy nhiên, để tránh xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực khi thương mại hóa kết quả nghiên cứu, rất cần sự cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cơ quan chủ quản.
"Đây là một sự quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước và Quốc hội để khoa học, công nghệ Việt Nam cất cánh. Chúng ta làm càng quyết liệt, càng nhanh, càng tốt", GS.TS. Lê Huy Hàm, Chủ nhiệm Chương trình Công nghệ sinh học Quốc gia, khẳng định.
Nghị quyết 193 của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia đem lại kỳ vọng lớn cho giới khoa học, công nghệ Việt Nam. Vấn đề đặt ra lúc này là Nghị quyết cần nhanh chóng được thể chế hóa thành các chính sách cụ thể để sớm đi vào cuộc sống.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!