ĐBQH: Nên bỏ giấy chuyển viện vì rất phiền toái

Thùy An-Thứ hai, ngày 20/11/2023 12:01 GMT+7

(Ảnh minh họa)

bangdatally.xyz - Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho biết, cử tri có nhiều ý kiến về việc khi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, việc phải xin giấy chuyển viện rất phiền toái, mất thời gian và mệt mỏi.

Đừng để tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế kéo dài hơn nữa

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 20/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp

Phát biểu ý kiến tại hội trường, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho biết, cán bộ dân số nói chung, đặc biệt là cán bộ dân số cơ sở đang có rất nhiều thiệt thòi, nhất là giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát.

Ngày 6/9, Bộ Y tế ban hành Công văn số 5492/BYT-TCCB gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc rà soát vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp và phân công công việc của viên chức dân số nhằm bảo đảm công bằng trong giải quyết chế độ, chính sách cho viên chức y tế, dân số.

Đánh giá đây là việc làm rất thiết thực, đại biểu đề nghị Bộ Y tế kiểm tra, đôn đốc các Sở Y tế thực hiện nghiêm túc. Ông Nguyễn Anh Trí cho biết, trên thực tế có một số Sở Y tế chưa thực hiện vấn đề này.

Về vấn đề thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế cục bộ tại các bệnh viện công lập, đại biểu cho biết hiện tượng này đã được đề cập nhiều trong các báo cáo và các ý kiến. Bộ Y tế đã cố gắng giải quyết bằng những văn bản pháp lý cần thiết để mua sắm thuốc, vật tư y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh.

Do đó, đại biểu đề nghị các tỉnh thành, địa phương đôn đốc, kiểm tra, tổ chức mua sắm các trang thiết bị cho đủ, đúng, để đảm bảo điều kiện tốt cho công tác chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh cho nhân dân.

"Xin đừng để tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế kéo dài hơn nữa. Trong những ngày qua, tình trạng này vẫn còn xảy ra ở một số địa phương", đại biểu Trí nói.

ĐBQH: Nên bỏ giấy chuyển viện vì rất phiền toái - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội).

Cũng về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Công Hoàng (đoàn Thái Nguyên) cho biết, vừa qua, có giai đoạn thiếu hụt thuốc do nguyên nhân chủ quan và khách quan. Về khách quan là do đứt gãy chuỗi cung ứng; xung đột Nga – Ukraine… Phân tích về nguyên nhân chủ quan, đại biểu chỉ rõ có hai vấn đề đó là các nghị định, thông tư, chính sách y tế và vấn đề về cơ sở khám, chữa bệnh.

Đại biểu Hoàng cho rằng chưa khi nào ngành Y tế được quan tâm với các văn bản được ban hành rất thuận lợi để thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn khó khăn. Cách đây một tháng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã thay mặt Chính phủ ký sửa đổi Nghị định 146; cùng với nhiều nghị định, thông tư khác đã góp phần giải quyết được vấn đề về thuốc

Về giải pháp khắc phục, đại biểu Hoàng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tập huấn công tác đấu thầu, quản lý dự án cho các cơ sở y tế. Bởi hiện ngoài danh mục đấu thầu tập trung, hiện chúng ta đã giao cho các cơ sở y tế chủ động trong việc đấu thầu và cung ứng thuốc. Vấn đề bất cập hiện tại là nhiều cơ sở y tế chưa có con người đủ năng lực làm công tác đấu thầu.

Xin giấy chuyển viện rất phiền toái, mệt mỏi và mất thời gian

Về bảo hiểm y tế, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho biết, cử tri có ý kiến rất nhiều về việc khi đi khám chữa bệnh, bệnh nhân phải đi xin giấy chuyển viện là rất phiền toái, mất thời gian và mệt mỏi.

Theo đại biểu, trong điều kiện công nghệ thông tin tiến bộ như hiện nay, liên thông các kết quả xét nghiệm, thăm dò chức năng, chẩn đoán hình ảnh đã dễ dàng. Khi đã có trên 93% dân số Việt Nam có bảo hiểm y tế, việc có giấy xin chuyển viện rất nên bãi bỏ. Cần đẩy mạnh tiến trình thông tuyến hơn nữa, thực chất hơn nữa.

Đại biểu Trí cho rằng, ở lần sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế tới đây, cần quy định theo hướng người có BHYT muốn khám chữa bệnh ở đâu cũng được, sao cho phù hợp với tình trạng bệnh tật, chất lượng khám chữa bệnh, thời gian đi lại, điều kiện chăm sóc.

Đại biểu nhấn mạnh phải coi đây là nội dung sửa đổi quan trọng nhất trong lần sửa luật này.

Về bổ sung thêm thuốc vào danh mục khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, đại biểu cho biết cử tri đề nghị với những bệnh lý nam khoa đã được Tổ chức Y tế thế giới đưa vào phân loại bệnh tật quốc tế thì phải được bảo hiểm y tế thanh toán.

Đại biểu cũng lưu ý, khi sửa luật tới đây cần đánh giá dù điều trị bằng thuốc gì, phác đồ nào là do bác sĩ, do mức độ bệnh... thì danh mục thuốc đó sẽ do ngành y, cơ sở y tế quyết định. Bệnh nhân dùng thuốc gì, phác đồ nào nhưng nếu đúng, hiệu quả thì bảo hiểm y tế thanh toán đúng như vậy.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước