Áp lực giao thông đang là một trong những thách thức lớn đối với Hà Nội – đô thị với gần 10 triệu phương tiện lưu thông mỗi ngày.
Tình trạng ùn tắc diễn ra thường xuyên, ngày càng khó kiểm soát, bất chấp việc thành phố đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm hạn chế phương tiện cá nhân.
Trước thực tế đó, Hà Nội đang tập trung đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông, đặc biệt tại các điểm nóng ùn tắc, với kỳ vọng từng bước cải thiện tình hình.
Không chỉ vào giờ cao điểm, mà cả đầu giờ sáng, giữa trưa hay cuối buổi chiều – ùn tắc có thể xảy ra bất kỳ thời điểm nào trong ngày.
Một trong những điểm nóng là nút giao đường Lê Trọng Tấn – Quốc lộ 6, quận Hà Đông. Dù không phải giờ cao điểm, các dòng phương tiện ở đây vẫn chen chúc, chờ đèn đỏ kéo dài hàng trăm mét ở cả bốn hướng.
Lực lượng Cảnh sát giao thông được bố trí ứng trực từ 6 giờ sáng đến 21 giờ mỗi ngày. Tuy nhiên, việc này chỉ giúp hạn chế phần nào tình trạng tắc nghẽn kéo dài, chứ chưa thể giải quyết triệt để sự ùn ứ phương tiện thường xuyên tại khu vực.
Thiếu tá Nguyễn Văn Quang, Đội Cảnh sát giao thông số 7, Công an TP Hà Nội cho biết, nút giao Lê Trọng Tấn – Quốc lộ 6 có ba làn đường, trong đó một làn dành riêng cho xe buýt BRT. Việc chia làn như vậy khiến nhiều phương tiện phải chờ đèn đỏ rất lâu, có khi tới 6 - 7 nhịp đèn mới di chuyển qua được nút giao.
"Người dân thường xuyên phàn nàn vì phải chờ đợi quá lâu. Nếu không có lực lượng cảnh sát giao thông thường trực thì điểm này sẽ trở thành điểm nóng ùn tắc" - Thiếu tá Nguyễn Văn Quang, Đội Cảnh sát giao thông số 7 – Công an TP Hà Nội.
Nhằm khắc phục tình trạng này, Hà Nội đã phê duyệt dự án xây dựng cầu vượt tại khu vực nút giao với quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư hơn 880 tỷ đồng. Đây là dự án thuộc nhóm B, dự kiến triển khai trong giai đoạn 2026–2028.
Theo ông Vũ Mạnh Tuấn – Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội – công tác chuẩn bị đầu tư đang được đẩy nhanh, trong đó có việc tổ chức thi tuyển kiến trúc, nhằm kịp khởi công dự án vào quý I năm 2026.
Ông Vũ Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội cho biết: "Khi hoàn thành, dự án sẽ góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc cấp bách, đồng thời hình thành hạ tầng giao thông khung, phù hợp với quy hoạch giao thông vận tải của thành phố".
Cùng với cầu vượt Lê Trọng Tấn – Quốc lộ 6, nhiều dự án hạ tầng giao thông khác cũng đang được Hà Nội tích cực triển khai. Đơn cử, để giảm áp lực giao thông cho tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ, thành phố đã phê duyệt chủ trương đầu tư tuyến đường kết nối khu hành chính quận Hoàng Mai với đường 2,5.
Những nỗ lực không ngừng trong việc đầu tư hạ tầng đang đặt kỳ vọng vào việc từng bước giảm ùn tắc, cải thiện giao thông đô thị Hà Nội trong thời gian tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!