Khoa học cơ bản là nền tảng cho mọi tiến bộ công nghệ. Tuy nhiên, trong bối cảnh chạy đua về khoa học ứng dụng và thương mại hóa công nghệ, lĩnh vực này đang đứng trước nguy cơ bị xem nhẹ.
Chiếc máy gia tốc tại phòng thí nghiệm của Khoa Vật lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, được sử dụng phục vụ hoạt động nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: khoa học vật liệu, nano, chất bán dẫn... cho thấy các kết quả nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực vật lý có giá trị quan trọng trong việc phát triển các công nghệ mới.
"Nghiên cứu khoa học cơ bản là rất quan trọng vì nó là nền tảng của tất cả những thành quả phía sau, mặc dù lợi ích không mang lại trước mắt, nhưng về lâu dài là rất lớn", TS. Nguyễn Thế Nghĩa (Trưởng Bộ môn Vật lý hạt nhân, Khoa Vật lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên) cho biết.
Khoa học cơ bản chưa được đầu tư xứng tầm, nên việc thu hút người tài vào học các ngành khoa học cơ bản còn hạn chế. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
GS.TSKH. Ngô Việt Trung, nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, khẳng định khoa học cơ bản là nền tảng cho đột phá về khoa học ứng dụng và công nghệ. Tuy nhiên, đầu tư cho nghiên cứu cơ bản tại Việt Nam hiện nay chỉ chiếm 2,5% ngân sách nhà nước dành cho khoa học công nghệ, bằng 1/10 so với mức trung bình của thế giới.
"Nếu không có khoa học cơ bản, chúng ta không thể tự đào tạo nhân lực về khoa học công nghệ, chúng ta không thể làm chủ được công nghệ tiên tiên đang phát triển như vũ bão hiện nay, chúng ta cũng không thể đổi mới sáng tạo, nước ta chỉ đi làm gia công cho các nước thôi", GS.TSKH. Ngô Việt Trung (nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam) nhận định.
Khoa học cơ bản chưa được đầu tư xứng tầm, nên việc thu hút người tài vào học các ngành khoa học cơ bản còn hạn chế. Số liệu từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy trong 5 năm liền, từ 2020 đến 2024, khoa học sự sống và khoa học tự nhiên nằm trong danh sách các lĩnh vực tuyển sinh đại học kém nhất.
Các nhà khoa học mong mỏi Nghị quyết 57 sẽ dành sự quan tâm thích đáng cho lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, với vai trò nền tảng để Việt Nam vươn lên làm chủ khoa học công nghệ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!