Đặt tên mới cho xã, phường sau sáp nhập: Không chỉ là kỹ thuật hành chính, mà còn là bài toán bản sắc

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 17/04/2025 09:22 GMT+7

bangdatally.xyz - Sau sáp nhập, hàng loạt xã phường sẽ mang tên mới. Không chỉ là thủ tục hành chính, việc đặt tên còn liên quan đến bản sắc, ký ức và sự đồng thuận cộng đồng.

Sau đợt sắp xếp lớn các đơn vị hành chính cấp xã, phường trên cả nước, một loạt địa phương sẽ mang những tên gọi hoàn toàn mới. Tưởng chừng là chuyện thuần túy về kỹ thuật hành chính, nhưng thực tế, việc đặt tên mới đang thu hút sự quan tâm lớn từ người dân, bởi nó chạm đến yếu tố bản sắc, ký ức và sự gắn bó cộng đồng.

Đặt tên mới cho xã, phường sau sáp nhập: Không chỉ là kỹ thuật hành chính, mà còn là bài toán bản sắc - Ảnh 1.

Hội nghị quán triệt Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 11, khóa XIII diễn ra vào sáng 16/4

Theo Nghị quyết số 76 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa chính thức có hiệu lực, các tên gọi mới phải đáp ứng các tiêu chí: ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, có tính hệ thống và phù hợp với truyền thống văn hóa, lịch sử của địa phương. Trong bối cảnh sau khi sắp xếp, số lượng xã, phường trên toàn quốc sẽ giảm tới 60 – 70%. Việc đặt tên mới không chỉ là bài toán kỹ thuật mà còn là một bài toán về bản sắc, về sự đồng thuận.

Tại Hội nghị quán triệt Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 11, khóa XIII diễn ra sáng 16/4, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng đã đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xác định tên gọi và nguyên tắc đặt tên cho các đơn vị hành chính sau sáp nhập. Nghị quyết số 76 cũng quy định rõ ba hình thức đặt tên cho các đơn vị hành chính sau sáp nhập. Cụ thể, hình thức thứ nhất là giữ nguyên tên gọi cũ. Hình thức thứ hai là đặt tên mới hoàn toàn. Hình thức thứ ba là ghép tên của các đơn vị hành chính cũ lại với nhau.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội, cho biết: "Việc sáp nhập các xã, phường được thực hiện với nhiều cách thức khác nhau. Các yếu tố như lịch sử, truyền thống văn hóa của địa phương cũng rất phong phú và đặc thù. Do vậy, cần có sự linh hoạt trong cách đặt tên để đảm bảo hài hòa lợi ích và bản sắc của từng vùng, từng cộng đồng. Điều quan trọng nhất trong quá trình này vẫn là đặt người dân vào vị trí trung tâm".

Đặt tên mới cho xã, phường sau sáp nhập: Không chỉ là kỹ thuật hành chính, mà còn là bài toán bản sắc - Ảnh 2.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội chia sẻ về việc đặt tên cho các đơn vị hành chính sau sáp nhập

Lấy ví dụ về trường hợp tại Nghệ An, hai xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu sau khi sáp nhập từng có đề xuất đặt tên mới là "Đôi Hậu", và đề xuất này đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Theo PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, bất kỳ phương án nào, dù là giữ nguyên tên, đặt tên mới hoàn toàn hay ghép tên, đều có tính khả thi. Tuy nhiên, không nên phủ nhận hoàn toàn khả năng ghép tên, bởi việc lựa chọn hình thức nào còn phụ thuộc vào đặc điểm cụ thể của từng địa phương và nguyện vọng của người dân.

"Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh rằng, một cái tên là vô cùng quan trọng, bởi mỗi người đều mang theo trong mình những ký ức, kỷ niệm về một vùng quê. Chính vì vậy, những băn khoăn, trăn trở hay thậm chí là lo lắng khi một địa danh quen thuộc bị thay đổi tên gọi là điều hoàn toàn dễ hiểu", ông Sơn chia sẻ.

PGS.TS. Bùi Hoài Sơn cho rằng, quá trình đặt tên cần được thực hiện một cách kỹ lưỡng, có sự nghiên cứu đa ngành và đặc biệt là lấy ý kiến rộng rãi của người dân.

"Không thể tùy tiện đề xuất tên rồi hỏi ý kiến một cách hình thức. Chúng ta cần có những phương án cụ thể, rõ ràng, và người dân cần hiểu rõ ý nghĩa của từng phương án để có thể đồng thuận", ông Sơn nhấn mạnh.

Sự đồng thuận ấy không chỉ giúp quá trình sáp nhập suôn sẻ hơn mà còn tạo ra sức mạnh tinh thần, sự đoàn kết trong cộng đồng sau sáp nhập.

Một tên gọi không chỉ phục vụ công tác quản lý hành chính mà còn là "thương hiệu mềm" cho địa phương. PGS.TS. Bùi Hoài Sơn nhận định, đặt tên mới là một cơ hội để khơi dậy niềm tự hào, sức mạnh văn hóa và giá trị lịch sử. Tên mới sẽ đi cùng với các sản phẩm OCOP, với nông sản, với du lịch… và là yếu tố định vị trong chỉ dẫn địa lý.

Với những địa phương đông dân như TP Hồ Chí Minh, công tác lấy ý kiến đặt tên đang được triển khai khẩn trương. Tại đây, tên gọi mới ưu tiên yếu tố lịch sử, không phụ thuộc hoàn toàn vào ranh giới hành chính hiện tại.

Đặt tên mới cho xã, phường sau sáp nhập: Không chỉ là kỹ thuật hành chính, mà còn là bài toán bản sắc - Ảnh 3.

TP Hồ Chí Minh đang triển khai khẩn trương công tác lấy ý kiến đặt tên

Ông Sơn đánh giá cao cách làm này: "Một địa phương có thể lấy lại những niềm tự hào gắn với văn hóa – lịch sử để đặt tên cho đơn vị hành chính mới. Đó là cách để giữ gìn ký ức, vừa tạo động lực phát triển".

Cũng theo PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, một cái tên hợp lý là sự hài hòa giữa tính pháp lý, tránh trùng lặp, rõ ràng và yếu tố tâm lý, tạo cảm giác thân thuộc, tự hào cho người dân.

"Khi hai yếu tố này kết hợp hài hòa, thì tên gọi mới sẽ thực sự có sức sống và trở thành động lực phát triển địa phương", ông Sơn nói.

Một số ý kiến đề xuất đặt tên bằng số nếu không đạt được đồng thuận. Tuy nhiên, theo ông Sơn, Việt Nam là quốc gia có bề dày văn hóa và lịch sử, vì vậy không nên đơn giản hóa tên gọi theo kiểu "phố số".

"Chúng ta có quá nhiều giá trị để tự hào, từ tên đất, tên làng, nhân vật lịch sử... Việc khai thác các giá trị đó để đặt tên không chỉ là giữ gìn ký ức, mà còn là hành trang để tiến về phía trước trong kỷ nguyên mới. Cái tên mới phải được người dân đồng thuận, phải là thương hiệu và từ đó tạo nên sự đoàn kết cộng đồng. Khi đó, tên gọi không chỉ là một con chữ hành chính, mà là biểu tượng của sức mạnh mềm, là khởi đầu cho một hành trình phát triển mới của địa phương", ông Sơn khẳng định.

Đặt tên mới cho xã, phường sau sáp nhập: Không chỉ là kỹ thuật hành chính, mà còn là bài toán bản sắc - Ảnh 4.

Tại TP Hồ Chí Minh tên gọi mới ưu tiên yếu tố lịch sử, không phụ thuộc hoàn toàn vào ranh giới hành chính hiện tại

Sau loạt thông tin về việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã, Đài Truyền hình Việt Nam đã nhận được nhiều ý kiến chia sẻ từ khán giả cả nước. Không ít người bày tỏ sự tiếc nuối khi tên gọi xã, phường quen thuộc, nơi họ đã sinh sống, gắn bó suốt bao năm, sắp phải thay đổi.

Sự thay đổi nào cũng cần thời gian để thích nghi. Có thể ban đầu sẽ là những cảm xúc bỡ ngỡ, hụt hẫng. Nhưng nếu nhìn sâu hơn, chúng ta sẽ thấy rằng không có điều gì là bất biến, kể cả tên gọi của một vùng đất. Điều quan trọng là từ sự thay đổi đó, một cánh cửa mới sẽ mở ra, không chỉ là sự sắp xếp về mặt hành chính, mà còn là cơ hội để hình thành nên những ký ức mới, những cộng đồng mới với diện mạo hiện đại, đồng bộ và gắn kết hơn. Và dẫu tên gọi có thay đổi, thì cái tên thiêng liêng nhất, sâu nặng nhất vẫn sẽ còn mãi trong lòng mỗi người – đó là Việt Nam. Đây chính là quê hương của tất cả chúng ta.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước