Đảm bảo an toàn cháy nổ tại các cửa hàng xăng dầu là vô cùng quan trọng, bởi đây là nơi có nguy cơ cháy nổ rất cao. Nếu xảy ra sự cố, thiệt hại về người và tài sản sẽ rất lớn. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn thiếu ý thức trong việc tuân thủ các quy định an toàn khi mua xăng dầu. Bên cạnh đó, một số nhân viên cây xăng cũng thiếu kỹ năng hoặc có thái độ chủ quan, dẫn đến các vụ cháy nghiêm trọng.
Vụ cháy cây xăng Trần Hưng Đạo tại Hà Nội năm 2013 kéo dài hơn 5 giờ đồng hồ mới được dập tắt. Cơ quan chức năng cho rằng nguyên nhân có thể do nhân viên không phát hiện được xăng bị rò rỉ. Cũng trong một sự cố khác, một khách hàng vô tư hút thuốc gần khu vực đang đổ xăng, trong khi nhân viên cây xăng lại không quyết liệt ngăn chặn.
Vào tháng 1 năm nay, một chiếc xe ô tô lùi vào cây xăng cũng gây ra cháy lớn. Hàng loạt sự cố cho thấy, nguyên nhân gây ra cháy nổ tại cây xăng thường đến từ sự thiếu ý thức của khách hàng, sự lơ là, chủ quan của nhân viên cây xăng.
Mặc dù các cây xăng phải trải qua quy trình thẩm duyệt và nghiệm thu nghiêm ngặt về PCCC, bao gồm việc lắp đặt hệ thống ống thu hồi hơi xăng, cột chống sét và các thiết bị PCCC đầy đủ, từ bình cứu hỏa đến cát chữa cháy, nhưng vẫn xảy ra sự cố. Rút kinh nghiệm từ những tai nạn đã qua, tại nhiều cây xăng, nhân viên được tập huấn an toàn PCCC trong 3 tháng và thực hiện luyện tập hàng năm.
Tại nhiều cây xăng, quá trình bơm xăng từ xe bồn vào bể chứa luôn có hai nhân viên giám sát và thao tác trực tiếp. Các bình chữa cháy và chăn chiên chữa cháy được đặt gần các trụ bơm xăng để sẵn sàng ứng phó khi cần. Đặc biệt, khu vực cấm sử dụng điện thoại được đánh dấu rõ ràng, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối trong quá trình hoạt động.
Thiếu tá Đồng Văn Nam, Phòng Công tác phòng cháy, Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ cho biết: "Việc cấm sử dụng điện thoại di động trong cây xăng ở đây không phải là toàn bộ khu vực của cây xăng. Chỉ có những khu vực trong vùng nguy hiểm cháy nổ, ví dụ xung quanh cột bơm, xung quanh khu vực nhập xuất xăng dầu, xung quanh van thở".
Những vụ cháy cây xăng ít khi xảy ra, nhưng nếu đã xảy ra thì hậu quả có thể rất lớn. Nếu người mua xăng thiếu ý thức, người bán xăng thiếu kỹ năng, thì có thể nguy cơ và thiệt hại cháy nổ sẽ tăng cao. Có trường hợp, ngọn lửa bùng cháy và lan nhanh, nhưng phản ứng đầu tiên của các nhân viên cây xăng lại là bỏ chạy. Không chỉ một, mà gần như toàn bộ các nhân viên tại đây không thấy ai lao vào xử lý đám cháy, mặc dù đây là những giây phút vàng để có thể xử lý và dập tắt hoàn toàn đám cháy ngay từ ban đầu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!