Dòng họ Lê Doãn đã sưu tập những sản phẩm gốm của làng nghề Cẩm Trang để bảo tồn.
Làng nghề gốm Cẩm Trang nằm bên sông Ngàn Sâu (Hà Tĩnh) từng nổi tiếng một thời với những sản phẩm gốm độc đáo. Nơi đây, từng là địa điểm giao thương tấp nập vào những năm của thế kỷ XX.
Làng gốm cổ Cẩm Trang nằm trong địa giới hành chính xã Đức Giang, huyện Vũ Quang, có hơn 500 năm tuổi và nổi tiếng qua các sản phẩm gốm khá độc đáo như đồ thờ, đồ dân dụng qua nhiều thế kỷ từng là mặt hàng quen thuộc với người dân Nghệ Tĩnh (xưa). Nơi đây từng nổi tiếng nghề làm gốm với những sản phẩm gốm như: Bình hoa, ché, chum, vại, bát…
Những sản phẩm của làng gốm Cẩm Trang xưa rất đỗi bình dị, được sử dụng hàng ngày trong đời sống.
Theo các tài liệu ghi lại, làng gốm Cẩm Trang xưa do một số gia đình người Bắc di cư lập nên. Làng tồn tại khoảng từ thế kỷ XVII đến những năm 1930 của thế kỷ XX. Tuy nhiên, trải qua hàng trăm năm, làng gốm Cẩm Trang xưa đã bị thất truyền. Với mong muốn lưu giữ, bảo tồn hiện vật, giá trị văn hoá làng nghề, những năm gần đây, con cháu dòng họ Lê Doãn (thôn Cẩm Trang) đã sưu tầm những sản phẩm của làng gốm xưa.
Ông Lê Doãn Hoạt (74 tuổi, đời thứ 10 dòng họ Lê Doãn) cho biết, sau khi khuôn viên nhà thờ dòng họ được xây dựng, ông cùng con cháu trong dòng họ đã sưu tầm những hiện vật về làng nghề để lưu giữ tại đây. Hiện tại, dòng họ này đã sưu tầm được hơn 40 sản phẩm của làng gốm Cẩm Trang xưa. Trải qua hàng trăm năm, nhiều hiện vật đã không còn nguyên vẹn. Mỗi hiện vật được lưu giữ tại đây mang một nét độc đáo riêng về nghề gốm đã nuôi sống bao thế hệ.
"Dù nghề gốm đã bị thất truyền nhưng qua các hiện vật được sưu tầm sẽ tiếp tục gìn giữ tốt các hiện vật, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ sau", ông Hoạt chia sẻ.
Ảnh tư liệu về làng gốm Cẩm Trang xưa.
Theo quan sát, những sản phẩm gốm của làng Cẩm Trang được làm từ hàng trăm năm trước nên không có đường nét tinh xảo, hoa văn cầu kỳ, đơn điệu về kiểu dáng. Tuy nhiên, lại có nét đẹp mộc mạc cổ xưa. Có những hiện vật tuổi đời lên đến hàng trăm năm.
Làng gốm Cẩm Trang xưa nằm bên sông Ngàn Sâu.
Ông Nguyễn Minh Đức, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Vũ Quang cho biết, hiện nay, huyện đã chỉ đạo địa phương và ngành liên quan mở rộng phạm vi sang các huyện lân cận để tìm hiểu, sưu tầm hiện vật cổ liên quan làng gốm Cẩm Trang.
"Các sản phẩm gốm Cẩm Trang giờ chỉ có trưng bày tại nhà thờ dòng họ Lê Doãn. Để giữ gìn và bảo tồn văn hóa còn để phục hồi làng gốm thì rất khó bởi giờ không còn ai theo nghề và sản phẩm gốm Cẩm Trang chủ yếu là gốm mộc, làm thủ công", ông Đức nói.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!