Nằm giáp ranh giữa hai xã Hiền Thành và Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, rừng Rú Lịnh được xem như một lá phổi xanh với hệ sinh thái phong phú. Nơi đây sở hữu thảm thực vật phong phú như lim xanh, gụ lau, dẻ rừng, trầm hương, ngũ gia bì... Khu rừng này cũng là nơi trú ngụ của 73 loài chim, 12 loài thú cùng một số loài chưa được xác định.
Nhắc đến Rú Lịnh, người dân địa phương lại nhớ đến ông Nguyễn Đình Trọng, SN 1955, thôn Hòa Bình, xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh - người đã có 45 năm gắn bó với công tác bảo vệ khu rừng này.
Cánh rừng Rú Lịnh nằm giáp ranh giữa hai xã Hiền Thành và Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) được xem như một lá phổi xanh với hệ sinh thái phong phú.
Năm 1977, trở về quê hương sau những năm tháng làm công nhân thủy lợi, ông Trọng đảm nhận nhiệm vụ giữ rừng Rú Lịnh. Ký ức của ông Trọng đầy rẫy những kỷ niệm khó quên. Khi người dân còn nghèo khó sau chiến tranh, tình trạng chặt phá rừng diễn ra thường xuyên. Bất chấp hiểm nguy, ông lặng lẽ tuần tra, ngăn chặn từng đoàn người vào rừng chặt gỗ, săn bắn thú. Đã có lần, ông bị một nhóm lâm tặc vây đánh nhừ tử khi phát hiện chúng đào bới một gốc đa cổ thụ. Không ít lần, ông bị chặn đường đe dọa, xe máy bị vứt xuống vực, nhà cửa bị ném đá, thậm chí vợ con cũng bị hăm dọa.
"Khi nhận công việc giữ rừng ở đây, người dân trong vùng thương tôi cũng nhiều mà ghét tôi cũng không ít, nhất là những người thường xuyên ghé rừng chặt cây, trộm gỗ. Tôi như cái gai trong mắt họ. Nhưng với tình yêu với rừng, tôi đã cố gắng vượt gian khổ hiểm nguy ngày đêm bảo vệ khu rừng này luôn được xanh tươi", ông Trọng chia sẽ.
Vất vả là vậy, phụ cấp chẳng được bao nhiêu nhưng vì tình yêu với rừng, suốt mấy chục năm qua, ông Trọng vẫn cần mẫn, kiên trì giữ từng gốc cây, bảo vệ những loài động vật hoang dã khỏi nguy cơ bị tàn phá. Nhờ vậy, giờ đây Rú Lịnh đã trở thành cánh rừng phòng hộ quan trọng với tổng diện tích 101ha.
Đến nay, khi sức yếu, ông Trọng dừng công tác tuần tra bảo vệ rừng hằng ngày. Dẫu vậy, ông vẫn thường xuyên trở lại rừng, dẫn đường cho các nhà khoa học nghiên cứu, học sinh, sinh viên tìm hiểu về Rú Lịnh.
Loài thực vật vừa được các nhà khoa học phát hiện và công bố, được đặt tên theo tên ông Trọng
Tháng 3.2025 vừa qua, các nhà thực vật học của Viện Khoa học Sự sống, Viện Nghiên cứu khoa học Miền Trung và Bảo tàng Đại học Kagoshima (Nhật Bản) đã chính thức công bố một loài thực vật mới thuộc chi Lasianthus (xú hương). Đây là loài thực vật mới được thu thập tại rừng Quảng Trị và Quảng Bình, trong đó Rú Lịnh là địa điểm đầu tiên phát hiện mẫu vật. Và thật bất ngờ khi tên của loài cây mới được phát hiện này lại được đặt tên là Lasianthus trongii - theo tên ông Nguyễn Đình Trọng. Tiến sĩ Lê Tuấn Anh, Viện Nghiên cứu khoa học Miền Trung cho biết, việc đặt tên loài cây theo tên ông Trọng là nhằm tôn vinh người đã có công lớn trong việc bảo vệ rừng Rú Lịnh suốt 45 năm.
"Bình thường, tên loài mới sẽ được đặt theo địa danh, người phát hiện hoặc người có công lao bảo vệ. Với ông Trọng, dù không phải kiểm lâm chính thức, nhưng sự gắn bó và cống hiến của ông là điều đáng trân trọng, xứng đáng được ghi nhớ" - Tiến sĩ Anh chia sẻ.
Khi biết được thông tin tên mình được các nhà khoa học đặt tên cho một loài cây mới phát hiện, ông Trọng nghẹn ngào xúc động bởi sau hàng chục năm gắn bó với rừng, đến cuối đời ông lại được gắn tên cho một loài cây. "Đây thực sự là niềm vinh dự và tự hào đối với tôi. Qua bao năm tháng gắn bó với rừng giờ không còn sức nữa nhưng rừng Rú Lịnh này vẫn còn đó hình bóng của tôi. Chỉ mong sao rừng ở đây luôn sinh sôi nảy nở để trở thành một "lá phổi" cho thế hệ mai sau" ông Trọng nói.
Ông Thái Văn Thành, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh, cho biết Rú Lịnh là khu rừng tồn tại lâu đời, gắn bó mật thiết với đời sống người dân hai xã Hiền Thành, Vĩnh Hòa, là khu rừng nguyên sinh duy nhất ở vùng đồng bằng Quảng Trị. Hiện nay, Rú Lịnh đã trở thành khu rừng phòng hộ quan trọng, được quản lý chặt chẽ hơn với diện tích 101ha. Đây không chỉ là "lá phổi xanh" của huyện mà tương lai sẽ trở thành một địa điểm du lịch sinh thái hấp dẫn, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!