Chuyển đổi mô hình chính quyền: Giảm cấp trung gian, tăng hiệu quả quản lý

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 16/03/2025 06:15 GMT+7

bangdatally.xyz - Chính phủ đang xây dựng Đề án sắp xếp lại đơn vị hành chính theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, hướng tới mô hình chính quyền địa phương hai cấp (tỉnh và xã).

Một đề án sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh không tổ chức cấp huyện, tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã với quy mô chưa từng có, đang được xây dựng nhằm thực hiện Kết luận 127 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về định hướng nghiên cứu, đề xuất sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị. Mô hình quản trị mới đặt ra yêu cầu cao đối với đội ngũ lãnh đạo, công chức, viên chức, không chỉ về chuyên môn mà còn cả tư duy quản trị và năng lực điều hành. Việc tinh gọn bộ máy không chỉ dừng lại ở cắt giảm số lượng mà quan trọng hơn là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ có khả năng đáp ứng yêu cầu quản trị hiện đại, ứng dụng công nghệ để phục vụ người dân và doanh nghiệp hiệu quả hơn.

Chuyển đổi mô hình chính quyền: Giảm cấp trung gian, tăng hiệu quả quản lý - Ảnh 1.

Tại phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, tới đây dự kiến tiếp tục sáp nhập để giảm khoảng 60 đến 70% số xã trên toàn quốc.

Trong những năm qua, nhiều địa phương trên cả nước đã có sự thay đổi rõ rệt, không chỉ ở hạ tầng kinh tế - xã hội, giao thông, viễn thông mà còn ở trình độ cán bộ cấp cơ sở, vốn đã được nâng cao đáng kể so với trước đây. Đây là tiền đề quan trọng để triển khai chủ trương sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và không tổ chức cấp huyện. Việc này không chỉ giúp tinh gọn bộ máy hành chính mà còn mở rộng không gian phát triển cho các địa phương, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững trong thời gian tới.

Trong Đề án của Chính phủ trình Bộ Chính trị xem xét về việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp, mô hình chính quyền địa phương sẽ chuyển từ ba cấp (tỉnh, huyện, xã) xuống hai cấp (tỉnh và xã). Theo đó, khoảng 1/3 nhiệm vụ của huyện sẽ được chuyển lên tỉnh, trong khi 2/3 còn lại giao xuống cấp xã.

"Việc phân bổ nhiệm vụ không đồng nghĩa với việc chuyển số lượng cán bộ theo tỷ lệ tương ứng. Không phải 1/3 cán bộ huyện sẽ lên tỉnh hay 2/3 xuống xã. Thay vào đó, chỉ một số cán bộ được điều chuyển phù hợp nhằm đảm bảo bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả, tránh tình trạng duy trì biên chế cồng kềnh mà không cải thiện chất lượng quản lý", Tiến sĩ Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương cho biết.

Theo TS. Nguyễn Đức Hà, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính đặt ra yêu cầu mới về năng lực của đội ngũ cán bộ. Khi một số cán bộ cấp huyện chuyển lên tỉnh và một số xuống xã, việc lựa chọn phải dựa trên chức năng, nhiệm vụ cụ thể. Cán bộ cấp tỉnh cần có tầm nhìn chiến lược, bao quát, đồng thời đủ cụ thể để hướng dẫn trực tiếp cấp xã. Cán bộ cấp xã phải gần dân, trực tiếp giải quyết công việc, nắm vững chủ trương, chính sách và có tính đa năng, linh hoạt trong nhiều lĩnh vực.

Chuyển đổi mô hình chính quyền: Giảm cấp trung gian, tăng hiệu quả quản lý - Ảnh 2.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương chia sẻ về việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp, mô hình chính quyền địa phương.

Theo Tiến sĩ Bùi Thị Ngọc Hiền, Phó trưởng khoa Hành chính học, Học viện Hành chính và Quản trị Công, việc chuyển đổi sang mô hình quản trị công mới đặt ra nhiều thách thức đối với năng lực quản trị của cán bộ, đặc biệt ở cấp cơ sở. Xu hướng chung trên thế giới cho thấy khu vực công đang thu hẹp, nhường lại một số nhiệm vụ cho khu vực tư nhân trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường. Điều này đòi hỏi cán bộ, công chức phải thay đổi tư duy, chuyển từ vai trò "chèo thuyền" sang "lái thuyền", từ quản lý hành chính sang phục vụ và điều phối hiệu quả.

Với công cuộc tinh gọn bộ máy hiện nay, yêu cầu về nâng cao năng lực càng trở nên cấp bách. Cán bộ cấp cơ sở cần có tư duy linh hoạt, kỹ năng quản trị hiện đại, nắm vững chính sách và có khả năng phối hợp với khu vực tư nhân.

"Trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, các chương trình tại Học viện Hành chính và Quản trị công đã cập nhật nhiều kiến thức mới về quản trị quốc gia, quản trị địa phương nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính trong bối cảnh mới", bà Hiền chia sẻ.

Chuyển đổi mô hình chính quyền: Giảm cấp trung gian, tăng hiệu quả quản lý - Ảnh 3.

Tiến sĩ Bùi Thị Ngọc Hiền, Phó Trưởng khoa Hành chính học, Học viện Hành chính và Quản trị Công cho biết những thách thức đối với năng lực quản trị của cán bộ trong bối cảnh mới.

Hiện nay, cả nước có 63 tỉnh, thành phố và hơn 10.000 xã. Việc có quá nhiều đơn vị hành chính cấp tỉnh được cho là đang tạo ra sự chia cắt nhất định và gây lãng phí nguồn lực. Thực tế cho thấy, việc thu gọn đầu mối hành chính không chỉ giúp nâng cao hiệu quả quản lý mà còn thúc đẩy phát triển đồng bộ. Đây cũng là cơ hội để đội ngũ lãnh đạo, quản trị địa phương nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước.

Cấp xã là cấp chính quyền gần dân nhất, chịu trách nhiệm trực tiếp giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân. Trong thời gian qua, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đã được nâng cao đáng kể, tuy nhiên vẫn có sự chênh lệch giữa các vùng, đặc biệt ở những khu vực khó khăn.

Việc sáp nhập đơn vị hành chính có thể tạo ra khoảng trống tạm thời trong quản trị địa phương do thay đổi thói quen, trình tự làm việc và báo cáo hành chính. Tuy nhiên, khi bộ máy vận hành ổn định, đội ngũ cán bộ, công chức hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu công việc.

"Để nâng cao năng lực cán bộ cấp xã, cần thực hiện nguyên tắc "rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm". Cụ thể, rõ việc là xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng vị trí, có mô tả công việc cụ thể và yêu cầu đầu ra rõ ràng; Rõ người: phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cán bộ, đảm bảo tuyển chọn đúng người có năng lực phù hợp với vị trí việc làm; Rõ trách nhiệm: Tăng cường kiểm soát, khen thưởng kịp thời với người làm tốt, đồng thời có biện pháp xử lý với những trường hợp không đáp ứng yêu cầu công việc", bà Hiền chia sẻ thêm.

Chuyển đổi mô hình chính quyền: Giảm cấp trung gian, tăng hiệu quả quản lý - Ảnh 4.

Hiện nay, cả nước có 63 tỉnh, thành phố và hơn 10.000 xã.

Theo TS. Nguyễn Đức Hà cho biết, mỗi khi chuyển đổi mô hình tổ chức, cơ chế quản lý hay phương pháp lãnh đạo mới, luôn có một độ trễ nhất định trong quá trình vận hành. Điều quan trọng là làm sao để quá trình chuyển đổi diễn ra trơn tru, tránh gián đoạn công việc, đồng thời đảm bảo sự ổn định trong quản lý và điều hành.

"Bác Hồ từng dạy: "Dụng nhân như dụng mộc", nghĩa là cán bộ phải được sắp xếp vào vị trí phù hợp với năng lực của họ. Việc cơ cấu hợp lý không chỉ giúp bộ máy vận hành trơn tru mà còn nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý. Một bộ máy tinh gọn nhưng mạnh mẽ sẽ tạo ra sự chuyển đổi bền vững, đảm bảo hiệu suất cao trong hệ thống hành chính", ông Hà nói.

TS. Bùi Thị Ngọc Hiền cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, không chỉ cán bộ, công chức cấp xã mà bất kỳ cá nhân nào cũng cần trang bị kiến thức và kỹ năng về công nghệ thông tin để đáp ứng nhu cầu công việc và cuộc sống. Đặc biệt, với việc sáp nhập đơn vị hành chính, khi cấp huyện không còn, khối lượng công việc ở cấp xã sẽ tăng lên đáng kể. Do đó, không thể tiếp tục sử dụng các phương pháp thủ công mà phải ứng dụng công nghệ để nâng cao năng suất, hiệu quả quản lý.

Hiện nay, hầu hết cán bộ, công chức đều có chứng chỉ công nghệ thông tin cơ bản theo Thông tư 03. Tuy nhiên, công nghệ phát triển nhanh chóng, liên tục đổi mới, đòi hỏi cán bộ không chỉ được đào tạo những kỹ năng cơ bản mà quan trọng hơn là khả năng tự cập nhật, tự học hỏi để thích nghi với sự thay đổi. Không có chương trình đào tạo nào có thể theo kịp tốc độ phát triển công nghệ, vì vậy việc chủ động nâng cao năng lực số là yêu cầu cấp thiết.

Chuyển đổi mô hình chính quyền: Giảm cấp trung gian, tăng hiệu quả quản lý - Ảnh 5.

Xã Bình An, huyện Bình Lâm, tỉnh Tuyên Quang dù là xã vùng sâu, vùng xa nhưng hơn 10 năm qua toàn bộ 18 cán bộ, công chức của xã đều được đào tạo bài bản, có trình độ đại học, trung cấp lý luận chính trị, thậm chí có người đã học cao cấp lý luận chính trị.

"Bồi dưỡng kỹ năng công nghệ cho cán bộ, công chức không chỉ dừng lại ở việc sử dụng các công cụ số mà còn cần trang bị tư duy số, khả năng khai thác dữ liệu và thích ứng linh hoạt với nền tảng công nghệ mới. Chỉ khi cán bộ có khả năng tự cập nhật và thích nghi với sự thay đổi, họ mới có thể vận hành hiệu quả bộ máy hành chính trong mô hình quản trị hiện đại", bà Hiền nhấn mạnh.

Cũng theo TS. Nguyễn Đức Hà, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy và kiện toàn đội ngũ cán bộ chỉ là bước khởi đầu. Quan trọng hơn là làm sao duy trì động lực làm việc, nâng cao chất lượng hoạt động không chỉ trong giai đoạn đầu mà còn trong dài hạn. Điều này đòi hỏi phải tạo tiền đề vững chắc để bộ máy mới tiếp tục vận hành hiệu quả. Trong mô hình, thể chế và cơ chế mới, người đứng đầu không chỉ là người định hướng mà còn phải tạo động lực, xây dựng niềm tin và lan tỏa trách nhiệm trong tập thể. Do đó, việc bố trí người đứng đầu đúng phẩm chất, năng lực và uy tín sẽ đảm bảo sự vận hành trơn tru, phát huy tối đa hiệu quả của tổ chức, góp phần thúc đẩy sự phát triển lâu dài.

TS. Bùi Thị Ngọc Hiền nhận định, năng lực của cán bộ, công chức có thể được phân tích theo ba khía cạnh: kiến thức, kỹ năng và thái độ. Trong bối cảnh hiện nay, yếu tố thái độ đóng vai trò then chốt, đặc biệt là tư duy phục vụ thay vì tư duy quản lý. Cán bộ, công chức cần hiểu rằng lương của họ đến từ nguồn thu thuế của người dân, doanh nghiệp, do đó họ phải có tâm thế phục vụ tốt hơn, tạo điều kiện thuận lợi để khu vực tư nhân phát triển, từ đó thúc đẩy nền kinh tế và đóng góp trở lại cho Nhà nước. Công vụ là một công việc đặc thù, đòi hỏi cán bộ phải có tinh thần trách nhiệm, hướng đến lợi ích cộng đồng và không ngừng hoàn thiện bản thân.

"Trong thời đại chuyển đổi số, việc tự học, tự cập nhật kiến thức và kỹ năng trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Đội ngũ cán bộ, công chức vốn đã có nền tảng trình độ cơ bản, vì vậy điều quan trọng là nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm, từ đó chủ động rèn luyện, thích nghi với những yêu cầu mới để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội", bà Hiền cho hay.

Chuyển đổi mô hình chính quyền: Giảm cấp trung gian, tăng hiệu quả quản lý - Ảnh 6.

Chính phủ đang đẩy mạnh xây dựng Đề án sắp xếp lại đơn vị hành chính theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, hướng tới mở rộng địa giới cấp tỉnh phù hợp với điều kiện lịch sử văn hóa, không tổ chức cấp huyện, giảm đầu mối cấp xã, đồng thời hoàn thiện hệ thống pháp lý liên quan.

Việc thu hút và giữ chân những người có năng lực, phẩm chất trong bộ máy công chức, viên chức là một yêu cầu quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Đây là một nhiệm vụ lớn, khó và phức tạp, trong đó nguồn nhân lực đóng vai trò then chốt.

Để đảm bảo bộ máy vận hành hiệu quả, việc bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý, quản trị và kỹ năng số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trở thành yêu cầu cấp thiết. Trong tuần tới, Bộ Chính trị sẽ lấy ý kiến từ các tổ chức Đảng, bộ, ngành và địa phương về kế hoạch sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính, hướng đến mô hình chính quyền hai cấp, nhằm đảm bảo tính khả thi và hiệu quả trong triển khai.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước