Chung tay vun đắp tương lai cho nạn nhân chất độc da cam

Duy Trung-Thứ ba, ngày 01/04/2025 06:19 GMT+7

Máy bay C-123 của Mỹ rải chất độc da cam xuống rừng Việt Nam những năm 1960

bangdatally.xyz - Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi đau da cam vẫn âm ỉ, dai dẳng trong cuộc sống của nhiều gia đình ở Sơn La.

Những người lính năm xưa trở về từ chiến trường, mang theo mình không chỉ những vết thương thể xác, mà còn cả những di chứng nặng nề truyền sang thế hệ sau. Họ đang từng ngày, từng giờ gồng mình chống chọi với bệnh tật và những khó khăn chồng chất, rất cần sự sẻ chia của cộng đồng.

Ông Nguyễn Anh Minh, Chi hội trưởng Chi hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Sơn La đến thăm gia đình bà Nguyễn Hà Thị, phường Quyết Thắng. Câu chuyện về gia đình bà Thị khiến chúng tôi không khỏi xót xa. Chồng bà, ông Lý Văn Sơn, từng tham gia chiến trường miền Nam năm 1972. Di chứng da cam đã tàn phá sức khỏe ông và truyền sang người con trai, khiến anh mắc nhiều bệnh tật, sống đời sống thực vật. Bà Thị, ở tuổi 79, đôi tay run rẩy, mắt thâm quầng vì lo toan, vừa mất chồng cuối năm 2024.

Chung tay vun đắp tương lai cho nạn nhân chất độc da cam - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Hà Thị trò chuyện cùng Chi hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin

Rời nhà bà Thị, chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Ngọc Sáng, phường Chiềng Lề. Sau 6 năm chiến đấu ở miền Nam, ông Sáng trở về với 2 người con bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam. Con gái ông phải điều trị tại Bệnh viện tâm thần tỉnh Thái Bình, còn con trai sống cùng ông bà, không có khả năng lao động. Gia đình ông sống chật vật với khoản trợ cấp thương binh và sự hỗ trợ từ các con.

Chung tay vun đắp tương lai cho nạn nhân chất độc da cam - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Ngọc Sáng bên các con bị ảnh hưởng di chứng chất độc màu da cam

Ở Thuận Châu, ông Lò Văn Ân cũng mang trong mình nỗi đau tương tự. Một người con trai của ông bị thiểu năng trí tuệ bẩm sinh do di chứng da cam. Dù nhận được trợ cấp hàng tháng và sự quan tâm của chính quyền địa phương, cuộc sống của gia đình ông vẫn còn nhiều khó khăn.

Chung tay vun đắp tương lai cho nạn nhân chất độc da cam - Ảnh 3.

Các cán bộ địa phương thăm hỏi và tặng quà cho nạn nhân da cam/dioxin

Những câu chuyện đau lòng này chỉ là một phần nhỏ trong bức tranh toàn cảnh về nỗi đau da cam ở Sơn La. Toàn tỉnh hiện có 455 trường hợp nhiễm chất độc da cam/dioxin được hưởng chế độ trợ cấp của Nhà nước.

Để xoa dịu nỗi đau da cam, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành kế hoạch chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, và tư vấn sinh sản cho các nạn nhân. Từ năm 2000 đến nay, tỉnh đã giải quyết chế độ cho 537 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ. Bộ CHQS tỉnh cũng đã giải mã thông tin cho 22 đối tượng liên quan đến việc phơi nhiễm chất độc hóa học trong chiến tranh.

Tuy nhiên, sự hỗ trợ từ Nhà nước và chính quyền địa phương vẫn chưa đủ. Những nạn nhân da cam và gia đình họ cần hơn cả là sự cảm thông, chia sẻ và sự chung tay của cả cộng đồng. Hãy cùng nhau hành động để hàn gắn vết thương chiến tranh, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho những người không may mắn này.

Nỗi đau da cam không là nỗi đau của riêng ai. Đó là nỗi đau của cả dân tộc. Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam không chỉ là vấn đề từ thiện, nhân đạo, mà trước hết là hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa" đối với những người có công với đất nước, thể hiện đạo lý " Uống nước nhớ nguồn", nêu cao truyền thống" Thương người như thể thương thân" của dân tộc, là lương tâm và trách nhiệm của mỗi người Việt Nam, không chỉ góp phần vào phát triển kinh tế, văn hoá- xã hội, mà còn góp phần vào ổn định chính trị, tạo đồng thuận xã hội, tăng cường "thế trận lòng dân" , nâng cao sức mạnh bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước