Lãnh đạo chủ chốt hai tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị khoác tay nhau thể hiện sự quyết tâm, đoàn kết vì mục tiêu chung sau khi sáp nhập tỉnh
Hiện nay, các địa phương trong tỉnh Quảng Bình đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp tỉnh và Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã. Đây là hoạt động thể hiện tinh thần dân chủ, trách nhiệm và quyết tâm xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của Trung ương, của tỉnh. Trên tinh thần 'ý Đảng-lòng dân', các đề án sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhận được sự quan tâm sâu sắc của cả thể hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân.
Ý dân làm gốc
Để chuẩn bị cho việc lấy ý kiến cử tri, các địa phương trong tỉnh Quảng Bình đã tổ chức thông báo cho cán bộ, đảng viên và nhân dân qua nhiều kênh thông tin.
Tại phường Bắc Lý, thành phố Đồng Hới, cán bộ các tổ dân phố, các tổ trưởng, nhóm trưởng đã "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để phát phiếu lấy ý kiến cử tri về các đề án sắp xếp ĐVHC. Nhiều tâm tư nguyện vọng, mong muốn cũng được chia sẻ, bày tỏ và trở nên thông suốt, nhờ đó đã tạo sự đồng thuận ngay từ cơ sở, trong mỗi thôn, xóm, xã, phường.
Nhân dân thôn Tây Phú, xã Quang Phú bỏ phiếu lấy ý kiến về các đề án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh và cấp xã.
Tại thôn Tây Phú, xã Quang Phú, thành phố Đồng Hới, việc lấy ý kiến nhân dân được tổ chức trang trọng, tuân thủ nghiêm các quy định. Ngay từ đầu giờ sáng, người dân đại diện hộ gia đình trong thôn có mặt tại nhà văn hóa thôn để được phổ biến, hướng dẫn việc bỏ phiếu. Tất cả các thông tin liên quan được niêm yết đầy đủ, rõ ràng. Để việc bỏ phiếu thành công, tổ công tác gồm 5 thành viên do Bí thư Chi bộ thôn làm tổ trưởng, 1 đồng chí thư ký là công chức xã về hỗ trợ.
"Sáp nhập các ĐVHC cấp tỉnh, cấp xã sẽ giúp bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả hơn, tiết kiệm ngân sách. Việc tổ chức lấy ý kiến cử tri về các đề án cho thấy sự dân chủ, tôn trọng nhân dân. Những góp ý từ thực tiễn, từ người dân địa phương sẽ giúp chính quyền có cái nhìn toàn diện hơn, tránh được các phương án thiếu khả thi hoặc chưa phù hợp với thực tế. Cá nhân tôi đồng tình với các đề án và hy vọng khi triển khai, chính quyền sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến nhân dân, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân", ông Lê Đan Tê, thôn Tây Phú, chia sẻ.
Theo Sở Nội vụ tỉnh Quảng Bình, trong số 145 đơn vị hành chính cấp xã toàn tỉnh, tỉ lệ cử tri đồng ý với phương án sáp nhập với tỉnh Quảng Trị từ 78% trở lên. Trong đó có đến 139 xã đạt tỉ lệ trên 90%, tỉ lệ cử tri đồng ý với đề án đạt 97,7%.
Đối với đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, 143/144 đơn vị hành chính có tỉ lệ cử tri đồng ý từ 50% trở lên. Trong đó có 132 xã có tỉ lệ cử tri đồng ý từ 90% trở lên.
Gác lại riêng tư, đặt lợi ích chung làm trọng
Từng kinh qua thời kỳ sáp nhập và tái lập ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, ông Phạm Phước, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, nhìn nhận chủ trương sắp xếp lại đơn vị hành chính hiện nay là một bước đi tất yếu, đưa đất nước vững bước vào một giai đoạn phát triển mới.
Theo ông, việc bỏ cấp huyện, sáp nhập xã và tỉnh là cần thiết trong bối cảnh đất nước đã đổi mới, hạ tầng phát triển, khoảng cách giữa các cấp hành chính thu hẹp. Sáp nhập sẽ tinh gọn bộ máy, tiết kiệm ngân sách và nâng cao hiệu quả quản lý. Nếu Quảng Bình và Quảng Trị sáp nhập, sẽ phát huy thế mạnh bổ trợ về nông nghiệp, công nghiệp, du lịch và năng lượng tái tạo, tạo ra không gian phát triển lớn hơn.
Ông Phạm Phước, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đánh giá cao sự bài bản trong triển khai sắp xếp hành chính của Trung ương
"Tôi gần như là người của hai quê hương Quảng Bình và Quảng Trị. Hai tỉnh có đặc điểm tự nhiên tương đồng, là vùng giao thoa giữa hai miền Bắc-Nam, từng gắn bó, chia sẻ và phát triển chung trong nhiều thời kỳ lịch sử. Vì thế, nếu tới đây có sáp nhập hai tỉnh, tôi tin rằng cả hai địa phương sẽ bổ sung và phát huy thế mạnh của nhau để đi lên mạnh mẽ", ông Phước nói.
Ông Phước cũng đánh giá cao sự bài bản trong triển khai sắp xếp hành chính của Trung ương, đồng thời nhấn mạnh: cải cách cần sự đồng thuận và tinh thần hy sinh vì lợi ích chung.
Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình và Quảng Trị đã có buổi hội nghị để triển khai các nội dung liên quan đến việc sáp nhập, hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh theo chủ trương của Trung ương. Trước những vấn đề vướng mắc, băn khoăn như khi hợp nhất 2 tỉnh, cán bộ công chức có những lo lắng, trăn trở như đi làm xa gia đình, việc ăn ở đi lại khó khăn; đề xuất có những hỗ trợ vấn đề đi lại, hỗ trợ nhà ở công vụ cho cán bộ làm việc tại Trung tâm hành chính của tỉnh mới.
Ông Lê Ngọc Quang, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình cho rằng, những băn khoăn lo lắng của cán bộ, công chức là chính đáng. Hai tỉnh cùng bàn các giải pháp hợp lý để giải quyết vấn đề này, có chủ trương chung về nhà công vụ, cơ chế chính sách hỗ trợ cán bộ công chức làm việc xa gia đình. Ông cũng nhấn mạnh, tuyệt đối không để nảy sinh tư tưởng phân biệt "tỉnh tôi, tỉnh anh" gây ảnh hưởng đến tinh thần đoàn kết, thống nhất".
Với tinh thần dân chủ, công khai, cầu thị và tiếp thu nghiêm túc mọi ý kiến đóng góp, Quảng Bình đang từng bước hiện thực hóa chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước theo hướng phù hợp với thực tiễn địa phương. Tin rằng, với sự đồng thuận từ cơ sở, các đề án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh, cấp xã sẽ phát huy hiệu quả, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững và toàn diện của tỉnh trong giai đoạn mới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!