Chạm tay vào hồn núi

Hà Khải-Thứ hai, ngày 14/04/2025 06:06 GMT+7

Mường Lát, nơi những thửa ruộng bậc thang mềm mại uốn quanh bản làng

bangdatally.xyz - Mường Lát, huyện miền núi xa xôi bậc nhất của tỉnh Thanh Hóa, sau những ngày 'ngủ' yên bình, nay đã thức giấc.

Không chỉ là sự thay đổi về hạ tầng, kinh tế, mà còn là sự thức tỉnh của cả 'hồn núi', nơi những bản sắc văn hóa được gìn giữ, những con người cần cù đang viết nên câu chuyện đổi đời

Đại ngàn thức giấc, Mường Lát chuyển mình

Ẩn mình giữa núi rừng hùng vĩ, Mường Lát từng là vùng đất mà cuộc sống của người dân gắn liền với nương rẫy, quanh năm vất vả nhưng thu nhập bấp bênh. Địa hình hiểm trở, giao thông cách trở khiến việc tiếp cận giáo dục, y tế và các dịch vụ thiết yếu gặp nhiều trở ngại. Hơn nữa, phương thức canh tác truyền thống manh mún, thiếu bền vững khiến người dân quanh quẩn trong cái nghèo, cái đói.

Cái nghèo, cái đói đeo bám khiến không ít người rơi vào cảnh túng quẫn. Không cam chịu số phận, một số người đã bất chấp đạo lý, liều lĩnh vượt biên để lao vào vòng xoáy buôn bán ma túy. Tiền có, nhưng cũng kéo theo những hệ lụy – tệ nạn, nghiện ngập len lỏi vào từng ngõ ngách, gieo rắc "cái chết trắng" lên bản làng. Hệ quả là những mái ấm tan vỡ, những đứa trẻ lớn lên trong thiếu thốn cả vật chất lẫn tình thương, còn Mường Lát chìm trong những tháng ngày u ám.

Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng sự hỗ trợ từ các chương trình phát triển, cộng với sự nỗ lực vươn lên của chính người dân, Mường Lát đã có những chuyển mình rõ nét. Hạ tầng giao thông dần hoàn thiện, mở ra cơ hội giao thương, phát triển kinh tế. Không còn trông chờ, ỷ lại, nhiều hộ dân đã mạnh dạn thay đổi cách làm, chuyển từ canh tác nhỏ lẻ sang mô hình sản xuất hàng hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả, từng bước thoát nghèo bền vững.

Chạm tay vào hồn núi - Ảnh 1.

Mô hình chăn nuôi bò của anh Thao Văn Tông bản Pa Hộc xã Nhi Sơn đem lại hiệu quả kinh tế cao

Ông Lương Minh Thông, nguyên Bí thư Huyện ủy Mường Lát, nhớ lại: "Trước đây, Mường Lát là một vùng đất chìm trong bóng tối của nghèo đói và lạc hậu. Cuộc sống của bà con thiếu thốn đủ bề, bữa đói bữa no, những con đường đất lầy lội, những ngôi nhà xiêu vẹo, và cả những ánh mắt buồn bã, bất lực. Tệ nạn xã hội cũng vì thế mà len lỏi vào từng bản làng, gặm nhấm tương lai của bao thế hệ. Cái nghèo đeo bám dai dẳng, biến nơi đây thành 'vùng trũng' của sự phát triển, khiến không ít người rơi vào vòng xoáy tiêu cực, trông chờ vào sự hỗ trợ hơn là tự tìm cách vươn lên.

Nhưng rồi, như tia nắng ló rạng sau cơn mưa dài, đã được Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương quan tâm, 'đánh thức' bằng những chính sách thiết thực. Những con đường mới được mở, những dự án kinh tế được triển khai, và đặc biệt, tư duy của người dân đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Họ không còn cam chịu số phận, không còn trông chờ vào sự hỗ trợ, mà chủ động tìm hướng đi phù hợp, dám nghĩ dám làm, để phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống, và viết nên trang sử mới cho quê hương mình".

Từ những chính sách hỗ trợ thiết thực, nhiều người dân Mường Lát đã tìm ra con đường thoát nghèo. Như anh Lương Văn Quê ở xã Quang Chiểu, từ một hộ nghèo chỉ biết dựa vào nương rẫy bạc màu, anh đã học hỏi kinh nghiệm, tận dụng sự hỗ trợ từ chương trình khuyến nông để trồng bí đao theo hướng hàng hóa. Nhờ liên kết sản xuất với các hộ dân khác, HTX Thương mại Dịch vụ Tổng hợp Nông lâm nghiệp huyện Mường Lát được thành lập, hiện quản lý gần 5 ha bí thơm. Năm 2023, sản phẩm Bí đao Đồng Sa của HTX đạt chứng nhận OCOP 3 sao, mở ra cơ hội phát triển lâu dài.

Không chỉ có trồng trọt, nhiều hộ dân đã chuyển sang chăn nuôi đại gia súc, nuôi dê, gà thả đồi theo hướng hữu cơ, tạo ra nguồn thu nhập ổn định. Gia đình anh Thao Văn Tông ở bản Pa Hộc xã Nhi Sơn là một ví dụ điển hình. Trước đây, gia đình anh quanh năm bám nương, chỉ trồng ngô, sắn nhưng thu nhập bấp bênh. Nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, anh đầu tư nuôi bò sinh sản và dần mở rộng quy mô. Hiện tại, anh có hơn 10 con bò, mỗi năm xuất bán vài con, đem lại thu nhập ổn định.

Anh Tông chia sẻ: "Trước đây, tôi chưa từng nghĩ mình có thể nuôi bò bài bản như bây giờ. Nhờ cán bộ hướng dẫn, tôi biết cách trồng cỏ voi, bổ sung dinh dưỡng cho đàn bò, tiêm phòng đầy đủ nên chúng lớn nhanh, ít bệnh. Từ hai con bò ban đầu, giờ nhà tôi đã có cả đàn, kinh tế ổn định hơn nhiều".

Chạm tay vào hồn núi - Ảnh 2.

Sản phẩm OCOP gạo Nếp Cay Nọi đã góp phần nâng cao giá trị và mở rộng thương hiệu hạt lúa cho bà con

Cùng với đó, chính quyền địa phương cũng tích cực hỗ trợ người dân chuyển đổi mô hình sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi. UBND huyện đã phối hợp với các doanh nghiệp triển khai mô hình trồng sắn tại các xã Trung Lý, Mường Lý, Pù Nhi và Tam Chung. Với hơn 3.000 ha diện tích trồng sắn, năng suất trung bình đạt 180 tạ/ha, tổng sản lượng ước tính 54.000 tấn mỗi năm, mô hình này không chỉ giúp bà con có thu nhập ổn định mà còn tạo động lực phát triển nông nghiệp hàng hóa.

Chạm vào ước mơ

Những ngày này, trên những con đường dẫn vào bản làng, không còn hình ảnh những đứa trẻ phải lẽo đẽo theo cha mẹ lên nương từ tờ mờ sáng. Thay vào đó là tiếng ê a đọc sách vang vọng giữa đại ngàn, là những bước chân nhỏ bé háo hức tới trường, mang theo giấc mơ về một tương lai tươi sáng. Những lớp học khang trang, những mái trường vững chãi giữa núi rừng là minh chứng cho sự đổi thay của Mường Lát. Từ những vùng đất mà con chữ từng là thứ xa vời, nay ánh sáng tri thức đã len lỏi vào từng nếp nhà, thắp lên hy vọng cho bao thế hệ.

Bà Trương Thị Huyên, Trưởng phòng Dân tộc và Tôn giáo huyện Mường Lát, chia sẻ: "Trước kia, cuộc sống ở đây vô cùng khó khăn, đường đến trường xa xôi, thiếu thốn, nhiều em nhỏ phải bỏ học giữa chừng để theo cha mẹ mưu sinh. Nhưng nhờ sự quan tâm của Nhà nước cùng với tinh thần tự lực, tự cường của bà con, nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Giáo dục chính là chìa khóa để thế hệ trẻ thay đổi tư duy, không chỉ trông chờ vào nương rẫy mà biết tìm kiếm cơ hội phát triển bền vững hơn".

Không chỉ là những thay đổi về cơ sở vật chất, điều đáng mừng hơn cả là sự chuyển biến trong nhận thức. Người dân đã hiểu rằng, thoát nghèo không chỉ đến từ những chính sách hỗ trợ, mà quan trọng hơn là từ chính sự nỗ lực vươn lên của mỗi người. Những mô hình kinh tế bền vững ra đời, những cánh đồng bí đao xanh mướt, những đàn gia súc khỏe mạnh, những xưởng chế biến nông sản mọc lên, tất cả đều minh chứng cho một tinh thần mới: tinh thần tự chủ và khát vọng đổi đời.

Chạm tay vào hồn núi - Ảnh 3.

Dưới tán cây rừng, những ngôi sàn siêu vẹo đã được thay thế bằng nhà bê tông kiên cố

Kết quả của những nỗ lực ấy thể hiện rõ nét qua từng con số. Trong hơn một năm qua, huyện Mường Lát đã ghi nhận hơn 100 hộ dân tự nguyện xin thoát nghèo, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Đây không chỉ là một con số thống kê khô khan mà là dấu mốc quan trọng, phản ánh sự thay đổi mạnh mẽ trong đời sống kinh tế - xã hội của huyện. Để tiếp tục tạo động lực phát triển, ngày 29/9/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về xây dựng và phát triển huyện đến năm 2030, tầm nhìn 2045, mở ra hướng đi dài hơi cho Mường Lát vươn lên.

Giờ đây, khi những màn sương sớm còn bảng lảng trên những đỉnh núi xa, Mường Lát không chỉ là một vùng đất với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, mà còn là biểu tượng của sự đổi thay. Những con đường ngày càng rộng mở, những mô hình kinh tế nở rộ, những lớp học rộn vang tiếng cười trẻ thơ. Với sự đồng lòng của chính quyền và người dân, Mường Lát đang viết tiếp câu chuyện về một tương lai rạng rỡ, nơi những ước mơ không còn xa vời mà đang dần trở thành hiện thực.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước