Cảnh báo “bẫy công ty ma”: Khi công dân bỗng dưng gánh nợ, bị cấm xuất cảnh

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 10/04/2025 09:36 GMT+7

bangdatally.xyz - Chỉ với vài trăm nghìn đồng và vài thao tác trực tuyến, ai cũng có thể bị biến thành giám đốc doanh nghiệp “ma” mà không hay biết. Ai sẽ bảo vệ người dân trước rủi ro này?

Một người đàn ông tại TP Hồ Chí Minh đã rơi vào cảnh khốn đốn suốt 2 năm qua khi bất ngờ phát hiện mình bị đứng tên làm giám đốc một doanh nghiệp mà bản thân hoàn toàn không hay biết. Ngay sau khi phát hiện sự việc, anh đã liên hệ tới Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (nay là Sở Tài chính), đồng thời trình báo cơ quan công an. Tuy nhiên, các bên đều trả lời rằng vụ việc không thuộc thẩm quyền xử lý. 

Năm ngoái, anh tiếp tục nhận được văn bản tạm hoãn xuất cảnh từ cơ quan thuế do công ty đứng tên anh còn nợ hơn 6 triệu đồng tiền thuế. Sau thời gian dài tự tìm hiểu và kiến nghị, đến ngày 8/4 vừa qua, cơ quan thuế đã ra thông báo hủy bỏ lệnh cấm xuất cảnh đối với anh.

Cảnh báo “bẫy công ty ma”: Khi công dân bỗng dưng gánh nợ, bị cấm xuất cảnh - Ảnh 1.

Một công dân khi làm việc với cơ quan thuế mới đây đã bất ngờ phát hiện mình đứng tên thành lập tới bốn doanh nghiệp mà hoàn toàn không hề hay biết.

Tình cảnh tương tự cũng xảy ra với một cô giáo tại TP Hồ Chí Minh khi cùng gia đình đi du lịch nước ngoài thì bất ngờ bị chặn lại ngay tại sân bay vì công ty do cô đứng tên bị phát hiện còn nợ thuế. Điều đáng nói là cô hoàn toàn không biết gì về sự tồn tại của doanh nghiệp này. Hiện nay, cơ quan công an đã vào cuộc điều tra, làm rõ nghi vấn về một công ty "ma" bị mạo danh dưới tên cô.

Câu chuyện này vừa xảy ra với hai công dân tại TP Hồ Chí Minh và nhanh chóng thu hút sự quan tâm của dư luận. Vụ việc không chỉ gây bức xúc mà còn đặt ra hàng loạt câu hỏi về tính minh bạch trong quản lý hành chính, quy trình thông báo xử lý vi phạm, cũng như việc bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân khi bị liên đới trách nhiệm từ những hành vi mà họ không hề thực hiện.

Theo Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, với thực trạng hiện nay, bất kỳ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của việc bị mạo danh làm giám đốc doanh nghiệp.

"Bất kỳ công dân nào, từ một bà nội trợ, đến một người đi làm xa tại một tỉnh khác, cũng có thể bỗng dưng trở thành đại diện pháp luật cho một doanh nghiệp, thậm chí là doanh nghiệp có khối lượng hóa đơn giao dịch lên đến hàng nghìn tỷ đồng, mà không hề hay biết", ông Truyền cho biết.

Cảnh báo “bẫy công ty ma”: Khi công dân bỗng dưng gánh nợ, bị cấm xuất cảnh - Ảnh 2.

Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, nhận định, ngày càng có nhiều người dân trở thành nạn nhân của hành vi mạo danh làm giám đốc doanh nghiệp.

Hiện tượng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có việc người dân thiếu kỹ năng bảo vệ thông tin cá nhân, dẫn đến việc căn cước công dân dễ dàng bị thu thập thông qua dịch vụ cầm đồ, tuyển dụng, vay vốn hay các giao dịch khác. Nhưng nghiêm trọng hơn, có dấu hiệu cho thấy một số tổ chức, cá nhân đang thu thập và bán thông tin cá nhân để trục lợi bất chính. Các đối tượng xấu sau đó có thể dùng những thông tin này, thậm chí đã qua chỉnh sửa, tẩy xóa để lập công ty ma, phục vụ cho các mục đích phi pháp nhưng không muốn đứng tên chính thức. Trong khi đó, quy trình đăng ký doanh nghiệp lại quá đơn giản: chỉ cần bản sao căn cước công dân và một vài thao tác trực tuyến là có thể lập doanh nghiệp hợp pháp chỉ sau vài ngày.

Việc thiếu kiểm tra chéo, chậm trễ phản hồi thông tin khiến người dân, dù vô tội, cũng phải "chạy đôn chạy đáo" khắc phục hậu quả. Không những bị ảnh hưởng đến quyền xuất cảnh, người bị mạo danh còn có thể phải đối mặt với rủi ro liên quan đến trách nhiệm hình sự nếu công ty "ma" có hành vi lừa đảo.

Cảnh báo “bẫy công ty ma”: Khi công dân bỗng dưng gánh nợ, bị cấm xuất cảnh - Ảnh 3.

Hiện người dân chưa có công cụ đơn giản để kiểm tra xem mình có đang bị đứng tên doanh nghiệp nào không.

Theo Luật sư Truyền, một điểm đáng lo ngại khác là người dân hiện chưa có công cụ đơn giản để kiểm tra xem mình có đang bị đứng tên doanh nghiệp nào không. Trang web dangkydoanhnghiep.gov.vn – nơi công bố thông tin doanh nghiệp, yêu cầu mã số thuế để truy xuất dữ liệu, nhưng người dân làm sao biết mã số đó nếu chưa từng biết mình bị mạo danh? Thêm vào đó, khi có nghi ngờ và muốn xin thông tin từ cơ quan chức năng thì quy trình phản hồi còn thủ công, chậm trễ, gây nhiều khó khăn.

"Cần có một hệ thống kết nối dữ liệu dân cư, doanh nghiệp đủ tốt, người dân có thể nhập số căn cước công dân và kiểm tra ngay liệu mình có đang là giám đốc hay đại diện pháp luật ở đâu đó hay không", ông Truyền đề xuất.

Việc bị mạo danh không chỉ là rủi ro tài chính mà còn là sự đe dọa nghiêm trọng tới quyền công dân. Không thể để một người vô tội phải tự mình xoay sở, chứng minh mình trong sạch, trong khi họ không hề biết gì về doanh nghiệp mang tên mình.

Cảnh báo “bẫy công ty ma”: Khi công dân bỗng dưng gánh nợ, bị cấm xuất cảnh - Ảnh 4.

Nếu không cẩn trọng trong việc bảo mật thông tin cá nhân thì bất kỳ ai cũng có thể là nạn nhân của chiêu trò giả mạo tài khoản, giả mạo danh tính để thành lập công ty ma. Chứng minh thư, căn cước công dân, thẻ ngân hàng dù vẫn ở trong túi, trong ví nhưng chưa chắc đã không bị mất thông tin.

Theo khảo sát, 499.000 đồng, 555.000 đồng và 559.000 đồng – đó là ba mức giá ưu đãi để thành lập một công ty ma. Mức phí này chỉ tương đương với giá của một chiếc áo, nhưng chỉ sau 3 ngày, một doanh nghiệp đã có thể được thành lập và đi vào hệ thống một cách hoàn toàn hợp pháp.

"Chính sách thông thoáng nếu không đi kèm hậu kiểm nghiêm túc sẽ trở thành kẽ hở cho tội phạm", Luật sư Truyền cảnh báo.

Việc thiếu kết nối dữ liệu, thiếu giám sát và bỏ trống khâu xác thực thông tin người đại diện doanh nghiệp đang khiến người dân trở thành nạn nhân. Trong khi đó, hệ thống pháp luật vẫn còn khoảng trống trong xử lý các trường hợp mạo danh, đặc biệt về trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc bảo vệ công dân.

Công ty "ma", giám đốc thật, trách nhiệm thuộc về ai? Trách nhiệm bảo vệ quyền lợi công dân không thể bị xem nhẹ. Việc đơn giản hóa thủ tục hành chính là cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, thúc đẩy môi trường đầu tư. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là buông lỏng quản lý. Không thể để người dân rơi vào cảnh bị mạo danh, bị đánh cắp thông tin cá nhân, rồi bị kéo vào những khoản nợ, nghĩa vụ pháp lý mà họ hoàn toàn không hề biết tới.

Người dân không thể và không nên là đối tượng phải gánh chịu hậu quả pháp lý cho những hành vi mà họ không thực hiện. Trách nhiệm này cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc, minh bạch và công bằng từ phía các cơ quan có thẩm quyền.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước