Cận cảnh một số dự án khiến 400 cán bộ ở Gia Lai bị xử lý trách nhiệm
Ngày 17/4, Phóng viên Thời báo VTV đã có mặt tại địa điểm 29 Nguyễn Văn Cừ, phường Ia Kring, TP Pleiku, Gia Lai ghi nhận hiện trạng dự án Tổ hợp khách sạn và nhà phố thương mại (dự án Hilltop Gia Lai).
Giữa cái nắng khô khốc, những căn nhà biệt thự đang xây dở nằm trơ trọi. Nhiều căn xây xong phần thô, để mặc mưa nắng đã ố vàng, mọc rêu ở phần tường gạch. Dù dự án ngổn ngang, chưa có căn nhà nào hoàn thiện, chủ đầu tư vẫn cho nhân công tập kết vật liệu để tiếp tục xây dựng phần thô những căn nhà khác.
Dự án Tổ hợp khách sạn và nhà phố thương mại nhìn từ bên ngoài.
Bên ngoài dự án, nhiều tấm áp phích, pa nô miêu tả "công trình đẳng cấp, sang trọng, là không gian sống hiện đại nhất giữa lòng phố núi…" bạc phách, hoen ố theo thời gian. Ngay cổng chính đi vào, dày đặc những đám cỏ dại vàng úa, nhếch nhác. Dự án đến bây giờ vẫn dang dở, chưa hẹn ngày về đích, trái ngược hoàn toàn những lời quảng cáo "có cánh" là khu vực an cư đẳng cấp nhất TP Pleiku, Gia Lai trước lúc khởi công.
Công trình có tổng vốn đầu tư 760 tỷ đồng do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư. Vào tháng 7/2024, Thanh tra Chính phủ (TTCP) ban hành kết luận đề nghị chuyển thông tin sai phạm của dự án này sang Bộ Công an để điều tra.
TTCP nhận thấy, Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành Quyết định lựa chọn nhà thầu tư vấn thẩm định giá, có dấu hiệu chèn thêm số văn bản để hợp thức hoá cho việc UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch định giá đất cụ thể trước đó. UBND TP Pleiku ra Quyết định số 1653/QĐ-UBND, ngày 16/8/2019 đưa ra các tiêu chí đấu giá quá cao so với quy mô của dự án, đã hạn chế sự tham gia của các nhà đầu tư khác nên sau 2 lần tổ chức đấu giá chỉ có duy nhất Công ty FLC đăng ký; việc làm của UBND TP Pleiku nhằm tạo lợi thế cho Công ty FLC được giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá với giá khởi điểm, có nguy cơ thất thu ngân sách nhà nước. Theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất năm 2018 khu đất thực hiện dự án có mục đích là đất cơ sở văn hoá, nhưng năm 2019, UBND TP Pleiku phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng dự án Tổ hợp khách sạn, siêu thị, nhà phố thương mại đã vi phạm Luật Đất đai 2013.
Dự án chỉ xây thô những căn nhà phố, công trình chưa hẹn ngày về đích.
Đối với 5 dự án điện gió (gồm: Nhà máy điện gió phát triển Miền núi, Nhà máy điện gió chế biến Tây Nguyên, Nhà máy điện gió Hưng Hải Gia Lai, Nhà máy điện gió Chơ Long và Nhà máy điện gió Yang Trung), TTCP cũng chuyển thông tin sang Bộ Công an để điều tra vì có nhiều sai phạm.
Theo TTCP, Đối với dự án nhà máy điện gió Phát triển Miền núi do Công ty Cổ Phần Điện gió Chư Prông Gia Lai làm chủ đầu tư (Công ty điện gió 1 - mức đầu tư 1.916 tỷ đồng) và dự án nhà máy điện gió Chế biến Tây nguyên do Công ty Cổ phần Năng lượng gió Chư Prông Gia Lai làm chủ đầu tư (Công ty điện gió 2 - mức đầu tư 1.917 tỷ đồng), được thực hiện tại huyện Chư Prông.
Cả 2 dự án điện gió 1 và 2 này thành lập vào tháng 4/2020 có trụ sở tại 18 Hùng Vương, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai; đều đăng ký vốn điều lệ là 25 tỷ đồng, cổ đông chi phối là bà Nguyễn Thị Sen - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần chè Bầu Cạn.
2 dự án điện gió của do bà Nguyễn Thị Sen là cổ đông chi phối, đã bán cho đối tác nước ngoài.
Hai dự án được Sở Kế hoạch - Đầu tư và các sở ngành không thẩm định năng lực tài chính mà tham mưu UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư (vào tháng 7/2020) trong khi chủ đầu tư không đảm bảo năng lực tài chính. Dẫn đến, sau khi được cấp chủ trương đầu tư, trong vòng 1 tháng, khi chưa hoàn thành thủ tục đất đai, chưa đầu tư (tháng 8/2020) đã bắt đầu chuyển nhượng cổ phần, đến ngày 6/11/2021 đã bán 99,7% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. 3 dự án điện gió còn lại cũng vi phạm Luật Đất đai 2013, Luật Xây dựng 2014, Luật Đầu tư 2020.
Sau khi TTCP ban hành kết luận, UBND tỉnh Gia Lai báo cáo đã xử lý trách nhiệm, kiểm điểm 400 cán bộ có liên quan.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!