Hiện thành phố có tổng cộng 474 chung cư cũ được xây dựng trước năm 1975, phân bố chủ yếu ở các quận và TP Thủ Đức. Ảnh: An Sơn
TP Hồ Chí Minh đang đối diện với bài toán nan giải cải tạo các chung cư cũ xuống cấp, ảnh hưởng trực tiếp đến an sinh xã hội. Với kế hoạch cải tạo gần 500 chung cư trong 10 năm, thành phố kỳ vọng thay đổi diện mạo đô thị, nâng cao chất lượng sống cho cư dân. Tuy nhiên, vấn đề vốn, pháp lý phức tạp và sự thiếu đồng thuận từ cộng đồng là những thách thức lớn cần giải quyết. Thông qua vệt phóng sự này, các phóng viên của Thời báo VTV sẽ phân tích những khó khăn, nguyên nhân, đồng thời đưa ra giải pháp cụ thể để đạt được thành công trong công cuộc tái thiết các khu chung cư cũ ở TP Hồ Chí Minh.
Chung cư cũ: Mối nguy treo lơ lửng
Dưới ánh đèn vàng nhạt của những hành lang mục nát, ông Trương Thế, 72 tuổi, chậm rãi bước ra từ căn hộ nhỏ trong chung cư Khánh Hội, Quận 4 - nơi ông đã gắn bó từ năm 1978. Với mái tóc bạc trắng và đôi mắt trĩu nặng ký ức, ông kể: "Hơn 40 năm qua, tôi chứng kiến từng mảng tường bong tróc, nước mưa thấm dột mỗi mùa và cầu thang rung lắc mỗi khi ai đó đi qua. Điện chập chờn, nước sạch thì khan hiếm, không ít lần tôi lo sợ căn nhà này sẽ sập bất cứ lúc nào!".
Những bức tường loang lổ, cầu thang sắt gỉ sét, và mùi ẩm mốc đã trở thành "bạn đồng hành" của cư dân ở đây suốt hơn bốn thập kỷ qua. Ảnh: An Sơn
Chung cư Khánh Hội, nơi ông Thế sinh sống, là một trong những minh chứng sống động cho sự xuống cấp của hàng loạt chung cư cũ tại TP Hồ Chí Minh, đặc biệt những tòa nhà xây trước năm 1975. Những bức tường loang lổ, cầu thang sắt gỉ sét, và mùi ẩm mốc đã trở thành "bạn đồng hành" của cư dân ở đây suốt hơn bốn thập kỷ.
Tương tự, theo khảo sát của PV Thời báo VTV, chung cư Nguyễn Huệ (Quận 1) - từng là biểu tượng của khu vực trung tâm, giờ bị phân loại cấp độ D - hư hại nặng, nguy hiểm, buộc phải di dời khẩn cấp. Cư Xá Bắc Hải tại Quận 10 cũng xuống cấp trầm trọng, nơi hơn 1.000 hộ dân sống chen chúc trong điều kiện thiếu ánh sáng, nước sạch, và nguy cơ cháy nổ cao.
Theo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, đối với 462 chung cư đã được kiểm định, trong số 15 chung cư cấp D, có tới 8 chung cư được xác định là nguy hiểm. Ảnh: An Sơn
Thực tế ghi nhận của phóng viên vào những ngày đầu tháng 3, nhiều chung cư giá rẻ khác như chung cư Bàu Cát (quận Tân Bình) hay chung cư Nguyễn Thiện Thuật (Quận 1) cũng đang xuống cấp trầm trọng. Những tòa nhà này là nơi an cư của người lao động thu nhập thấp, khiến việc di dời càng trở nên phức tạp. Theo đó, nhiều năm qua, nỗi lo âu cứ đeo đẳng nhiều cư dân đang sinh sống ở không ít chung cư cũ đã xuống cấp trên địa bàn thành phố.
Nhiều chung cư bị phân loại cấp độ D - hư hại nặng, nguy hiểm, buộc phải di dời khẩn cấp. Ảnh: An Sơn
Bà Chu Thị Hường, một cư dân sống tại chung cư Vĩnh Hội (Quận 4), đang cẩn trọng quét dọn lớp bụi mỏng phủ kín những bức tường đã bong tróc. Những vết nứt dài như vết sẹo trên bức tường là dấu tích của sự xuống cấp trầm trọng mà bà đã phải sống chung trong suốt nhiều năm qua. "Mưa xuống, nước chảy qua mái, tường ướt sũng, điện nước lúc có lúc không, tình trạng này thường xuyên xảy ra. Ai cũng sợ," bà Hường chia sẻ, giọng đầy lo âu. Sống trong điều kiện thiếu thốn, bà cùng hàng trăm hộ dân tại đây không chỉ đối diện với nguy cơ nguy hiểm mà còn phải vật lộn với những vấn đề cơ bản như điện và nước, những thứ thiết yếu hàng ngày.
Mỗi khi mưa lớn, nước từ mái tòa nhà lại chảy vào trong các căn hộ, làm ướt sàn và đồ đạc, gây hư hại cho tài sản của cư dân. Những vết nứt trên tường không chỉ là dấu hiệu của sự xuống cấp mà còn là mối nguy hiểm tiềm tàng, có thể dẫn đến sự cố bất cứ lúc nào. "Những vết nứt ngày càng lớn hơn" bà Hường thừa nhận. Nỗi lo sợ về sự an toàn là điều mà nhiều cư dân ở chung cư này đang phải gánh chịu.
Tương tự, ông Lưu Văn Việt, cư dân ở chung cư Ngô Gia Tự (Quận 10), cũng không ít lần phải đối mặt với tình trạng mất điện, nước bất thường. "Đêm nào cũng lo lắng, sợ có cháy nổ. Điện cứ chập chờn" - ông Việt bức xúc. Nhiều năm ông cùng các hộ dân sống trong chung cư này phải sống chung với những mảng tường ẩm mốc, những cầu thang xuống cấp và hệ thống điện nước cũ kỹ. Mặc dù nhiều lần khiếu nại, nhưng sửa chữa xong, vài tháng tình trạng này lại tái diễn vì chung cư đã quá cũ. "Chúng tôi không thể sống như thế này mãi được. Mọi người đều lo lắng, mong thành phố sớm sửa chữa cải tạo" - ông Việt nói thêm.
Không chỉ có những mảng tường bong tróc hay hệ thống điện nước xuống cấp, mà các cầu thang trong các chung cư cũ này cũng là một nỗi lo.
Hệ thống điện chập chờn là một trong những vấn đề lớn ở đây. Dây điện cũ kỹ, không đảm bảo an toàn khiến cho việc sử dụng điện trở nên nguy hiểm. "Chúng tôi phải sử dụng điện cẩn thận vì sợ cháy nổ. Mỗi lần có sự cố, chúng tôi lại phải tự khắc phục, không ai đến sửa" - ông Việt cho biết thêm. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt mà còn đe dọa trực tiếp đến sự an toàn của cư dân.
Bên cạnh đó, hệ thống nước tại nhiều chung cư cũ cũng gặp phải nhiều vấn đề nghiêm trọng. "Có những lúc chúng tôi phải dùng nước đục ngầu, không thể uống được. Nhiều khi nước cúp cả ngày, khiến cho cuộc sống của chúng tôi bị đảo lộn hoàn toàn," bà Nguyễn Thị Mai, một cư dân ở đây, chia sẻ. Việc thiếu nước sạch không chỉ gây khó khăn trong sinh hoạt mà còn tiềm ẩn nguy cơ về vệ sinh môi trường, làm gia tăng bệnh tật.
Không chỉ có những mảng tường bong tróc hay hệ thống điện nước xuống cấp, mà các cầu thang trong các chung cư cũ này cũng là một nỗi lo. Hầu hết các cầu thang đều xuống cấp, có những bậc thang đã vỡ vụn, tạo ra nguy cơ tai nạn cho cư dân. "Tôi đã nhiều lần chứng kiến người già, trẻ nhỏ ngã khi đi lên cầu thang. Nếu không được sửa chữa, một ngày nào đó sẽ có chuyện không may xảy ra," ông Việt lo lắng.
Sự bất an trong cuộc sống hàng ngày là nỗi khổ mà nhiều cư dân ở các chung cư cũ tại TP Hồ Chí Minh phải gánh chịu. Mặc dù đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị, nhưng mọi thứ vẫn dậm chân tại chỗ. Các cơ quan chức năng và chủ đầu tư dường như không thể giải quyết dứt điểm các vấn đề này. Mọi hy vọng của người dân đều bị đặt vào kế hoạch cải tạo chung cư cũ, nhưng cho đến nay, tiến trình cải tạo vẫn còn quá chậm, chưa có dấu hiệu khởi sắc. Cư dân như bà Hường và ông Việt chỉ biết chờ đợi trong lo âu và hy vọng Nhà nước sớm có giải pháp cho vấn đề này.
Khó khăn chồng chất
Hiện thành phố có tổng cộng 474 chung cư cũ được xây dựng trước năm 1975, phân bố chủ yếu ở các quận và TP Thủ Đức. Trong đó, Quận 5 có 206 chung cư cũ, Quận 1 có 89, Quận 3 có 38, Quận 10 có 32 và quận Tân Bình có 30. Theo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, đối với 462 chung cư đã được kiểm định, kết quả cho thấy có 332 chung cư ở cấp độ B, 115 chung cư thuộc cấp độ C và 15 chung cư ở cấp độ D. Đặc biệt, trong số 15 chung cư cấp độ D, có tới 8 chung cư được xác định là nguy hiểm, trong khi 7 chung cư còn lại bị đánh giá là hư hỏng nặng, cần phải cải tạo hoặc tháo dỡ sớm để đảm bảo an toàn cho cư dân.
Dù chủ trương cải tạo chung cư cũ đã được chính quyền TP Hồ Chí Minh quyết tâm thực hiện từ nhiều năm qua, nhưng vẫn chưa làm được. Theo nhiều chuyên gia, thiếu vốn đầu tư là rào cản lớn nhất. Giai đoạn 2016-2020, dù chính quyền TP Hồ Chí Minh đã nỗ lực sửa chữa một số chung cư, nhưng với tổng vốn chỉ khoảng 500 tỷ đồng từ ngân sách, việc cải tạo 246 chung cư cấp độ B và cấp độ C vẫn chưa đạt mục tiêu. Bên cạnh đó, pháp lý phức tạp kéo dài thời gian phê duyệt, đặc biệt với các chung cư cấp độ D chưa hoặc đang di dời dở dang, do tranh chấp sở hữu và đền bù chưa thống nhất. Sự thiếu đồng thuận từ cư dân khiến nhiều dự án đình trệ cũng là nguyên nhân chính khiến chủ trương này khó thực hiện được. Ở nhiều chung cư cũ, cư dân phản đối kế hoạch cải tạo vì lo ngại mất nhà hoặc không được tái định cư đúng cam kết, dẫn đến việc khó khăn trong việc cải tạo, chỉnh trang và xây mới chung cư.
Mời độc giả đón đọc Bài 2: "Vốn và pháp lý: Chìa khóa mở lối cải tạo chung cư" sẽ phân tích những rào cản về tài chính và thủ tục pháp lý đang kìm hãm quá trình cải tạo chung cư cũ tại TP Hồ Chí Minh, đồng thời đề xuất giải pháp tháo gỡ các khó khăn này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!