Tại một rạp phim giữa trung tâm TP Hồ Chí Minh, hơn 80 em học sinh Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu được tham gia chương trình chiếu phim cho người khiếm thị. Đây là hoạt động nhằm kỷ niệm ngày Người Khuyết tật Việt Nam 18/4, do các bạn sinh viên trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân Văn, ĐHQG TP Hồ Chí Minh tổ chức.
Khi ánh sáng đến từ trái tim
Giáo viên hướng dẫn các em di chuyển theo hàng để vào rạp phim.
Tuy không thể theo dõi phần hình trên màn ảnh, em A Hiếu (học sinh Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu) vẫn cười phá lên vì những câu thoại trong phim. “Bộ phim hôm nay rất vui. Em có thể tưởng tượng được hình ảnh qua âm thanh và lời kể của anh thuyết minh. Qua bộ phim, em thấy rằng chúng ta cần phải biết giúp đỡ người khác khi họ gặp khó khăn”, em Hiếu cho hay.
Bộ phim được chọn để trình chiếu là “Pororo thám hiểm đại dương” phiên bản lồng tiếng, có nội dung vui nhộn và chứa đựng nhiều thông điệp nhân văn về tình bạn, lòng dũng cảm.
Những phần bắp, nước được chuẩn bị từ trước cho “những khán giả đặc biệt”.
Để các em hiểu rõ tình tiết, buổi chiếu phim sẽ có thuyết minh viên mô tả lại chi tiết hành động, biểu cảm của nhân vật ở những phân cảnh không có lời thoại. Trong không gian ấm áp ấy, khi thì các em im bặt ở những đoạn cao trào, khi lại ngập tràn tiếng cười và những tràng pháo tay ở phân đoạn nhân vật chính giành chiến thắng.
Không ít người tham dự là người sáng mắt, nhưng đã chọn gác đi “ánh sáng quen thuộc” để đặt mình vào thế giới của các em. “Đây là lần đầu tiên tôi xem phim, ăn bắp, uống nước trong trạng thái bịt mắt. Buổi chiếu phim không chỉ giúp các em có thêm trải nghiệm thú vị, mà còn giúp bản thân tôi thấu hiểu, đồng cảm hơn với những khó khăn của người khiếm thị”, anh Chu Quang Trường, một khán giả chia sẻ.
Nhiều khán giả tham dự chương trình bịt mắt xem phim để đồng cảm hơn với người khiếm thị.
Người khuyết tật không cô đơn
Buổi chiếu phim đặc biệt này thuộc khuôn khổ của Chương trình chiếu phim cho trẻ khiếm thị - “Rạng”, do một nhóm sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, ĐHQG-HCM tổ chức.
Bức thư được viết bằng chữ nổi của một em học sinh khiếm thị với nội dung: “Em cảm ơn anh chị vì đã cho chúng em đi xem phim, em mong anh chị sẽ còn đến giúp đỡ trường em nữa. Em chúc anh chị luôn vui vẻ nha, mãi yêu các anh chị”.
Chị Trần Ngọc Bảo Trân - Trưởng Ban Tổ chức chương trình cho biết, đây là ý tưởng xuất phát từ một môn học, các thành viên trong nhóm cùng nhau gây quỹ và kêu gọi tài trợ tổ chức chương trình.
“Chúng tôi không còn xem đây là một bài tập kết thúc môn học nữa, mà thực sự muốn thực hiện để lan tỏa những giá trị tích cực đến cộng đồng. Chúng tôi hy vọng mọi người hiểu rằng các em nhỏ khiếm thị cũng có nhu cầu xem phim, giải trí như người bình thường. Dù khiếm khuyết một phần cơ thể nhưng cũng không thể làm hạn chế cuộc sống của các em”, Bảo Trân cho biết.
Không chỉ dừng lại ở việc xem phim, chương trình còn có nhiều hoạt động ý nghĩa như giao lưu văn nghệ, dạy viết chữ nổi cho những người tham dự không khiếm thị, tặng quà và thiệp bằng chữ nổi cho các em học sinh…
Hoạt động học viết thiệp bằng chữ nổi để tặng cho các em nhỏ khiếm thị.
Tiết mục đồng ca thay lời cảm ơn của các em học sinh Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu.
Cầm những món quà nhỏ trên tay, em Hà Tuấn Minh (học sinh Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu) rạng rỡ: “Em rất biết ơn các anh chị vì đã tổ chức cho chúng em một buổi chiếu phim ý nghĩa. Em mong rằng sắp tới cũng sẽ được xem thêm nhiều bộ phim hay”.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huệ, Hiệu trưởng Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu xúc động: “Người khuyết tật không cô đơn, các em vẫn được xã hội và cộng đồng quan tâm. Thông qua những chương trình gắn kết như thế này, các em không chỉ có thêm niềm vui, tiếng cười, mà còn được tiếp thêm sự tự tin và mạnh dạn hơn để hòa nhập với cuộc sống”.
Vượt qua khuôn khổ của một môn học
Nhiều năm qua, sinh viên khoa Báo chí và Truyền thông, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân Văn, ĐHQG-HCM đã tổ chức nhiều chương trình ý nghĩa cho người yếu thế.
Vượt qua khuôn khổ của môn học Tổ chức sự kiện, phần lớn ý tưởng đều hướng đến những giá trị nhân văn, như tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật gây quỹ cho người có hoàn cảnh khó khăn, hoạt động giao lưu văn nghệ trong viện dưỡng lão, tổ chức đám cưới cho người khuyết tật…
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!