Từ ngày 1/3, Bộ Công an chính thức đảm nhận chức năng và nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng.
Chiều ngày 28/2, tại Hà Nội, Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức lễ bàn giao chức năng, nhiệm vụ này. Theo đó, Bộ Công an sẽ tiếp nhận và giải quyết 10 thủ tục hành chính thuộc ba nhóm dịch vụ công, bao gồm: cấp phép, cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung giấy phép kinh doanh sản phẩm và dịch vụ an toàn thông tin mạng; cấp phép và cấp lại giấy phép nhập khẩu sản phẩm an toàn thông tin mạng; cấp giấy chứng nhận tên định danh.
Chiều ngày 28/2, tại Hà Nội, Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức lễ bàn giao chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng.
Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng sẽ nghiên cứu, sửa đổi và bổ sung các quy định pháp luật về đảm bảo an ninh thông tin theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giảm thời gian và chi phí. Điều này nhằm hỗ trợ cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và thời gian. Bộ Công an đã giao cho Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao là đơn vị trực tiếp quản lý và triển khai các hoạt động liên quan đến an toàn thông tin mạng.
Theo Thượng tá Nguyễn Bá Sơn, Trưởng phòng Tham mưu tổng hợp, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đảm bảo việc tiếp nhận nhiệm vụ mới diễn ra thông suốt, không gián đoạn và phục vụ người dân một cách tốt nhất.
"Với 31 nhóm nhiệm vụ và khối lượng công việc lớn, Cục đã không mở rộng thêm bộ máy mà bố trí công việc vào các đơn vị hiện có một cách hợp lý và khoa học, theo đúng chỉ đạo của Đảng và Bộ Công an. Về hồ sơ, Cục đã phân loại rõ ràng: những việc cần xử lý ngay được ưu tiên, các công việc ít cấp bách hơn được sắp xếp xử lý sau. Hệ thống kỹ thuật, trình tự thủ tục, và toàn bộ hồ sơ tiếp nhận đã được chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng triển khai", ông Sơn chia sẻ.
Thượng tá Nguyễn Bá Sơn, Trưởng phòng Tham mưu tổng hợp, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, chia sẻ về quá trình tiếp nhận nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng.
Để bảo vệ hiệu quả an ninh quốc gia, lợi ích của người dân và doanh nghiệp, việc xây dựng một môi trường mạng an toàn là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, nhiệm vụ này đang đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là tình trạng lừa đảo trực tuyến ngày càng gia tăng.
"Nhiệm vụ bảo vệ an ninh mạng và đảm bảo an toàn thông tin mạng có tính chất tương đồng, với nhiều thách thức đan xen, bao gồm: hoàn thiện thể chế, nâng cao nhận thức về an ninh mạng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy hợp tác quốc tế, và đối phó với các thủ đoạn của tội phạm mạng", ông Sơn nhận định.
Theo Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, năm ngoái, lừa đảo trực tuyến đã gây thiệt hại tới 18.900 tỷ đồng. Bộ Công an cũng đã khởi tố 2.000 vụ việc, với tổng thiệt hại hơn 2.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, cứ hơn 200 người dùng mạng thì có một người trở thành nạn nhân, nhưng chưa đến một nửa trong số đó báo cáo với cơ quan chức năng. Chỉ trong hai tháng đầu năm nay, các chiêu trò lừa đảo trực tuyến tiếp tục biến hóa tinh vi nhờ sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (AI). Các đối tượng lừa đảo sử dụng nhiều cách thức dẫn dụ, khiến nạn nhân khó phân biệt thật giả. Nhiều người đã mất đi những khoản tiền lớn, từ hàng trăm triệu đến hàng chục tỷ đồng, chỉ trong chớp mắt.
Thượng tá Nguyễn Bá Sơn cho biết, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an và Đảng ủy Công an Trung ương, lực lượng Công an nói chung và Cục An ninh mạng nói riêng không được để tội phạm đi trước, mà phải luôn chủ động trong việc phòng ngừa, triệt phá, và kiềm chế các loại tội phạm, đặc biệt là lừa đảo trực tuyến.
Chỉ trong hai tháng đầu năm nay, các chiêu trò lừa đảo trực tuyến tiếp tục biến hóa tinh vi nhờ sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (AI), khiến nạn nhân khó phân biệt thật giả.
"Năm 2023, Cục đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 13 về bảo vệ dữ liệu cá nhân, văn bản pháp lý đầu tiên trong lĩnh vực này. Sắp tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục tham mưu trình Quốc hội thảo luận các quy định mới vào tháng 5/2025. Bên cạnh đó, Cục đã tham mưu xây dựng kế hoạch truyền thông và triển khai chiến dịch truyền thông nhằm phòng chống lừa đảo trực tuyến và tội phạm mạng nhằm nâng cao ý thức cộng đồng", ông Sơn cho biết thêm.
Thượng tá Nguyễn Bá Sơn khuyến cáo người dân hãy coi dữ liệu cá nhân như tài sản quý giá. Khi chia sẻ hoặc đăng tải thông tin trên mạng, cần kiểm tra kỹ để tránh bị tội phạm lợi dụng, đặc biệt với các âm mưu cắt ghép hình ảnh nhằm lừa đảo. Ngoài ra, người dân cần biết phân biệt thông tin hữu ích và loại bỏ các nội dung bất lợi, độc hại, bảo vệ bản thân và xã hội.
"Để hỗ trợ phòng, chống tội phạm mạng, người dân có thể cung cấp thông tin qua các kênh chính thống, bao gồm cả hình thức trực tiếp và qua các trang mạng xã hội do Cục An ninh mạng quản lý, giúp Cục nhanh chóng xác minh, ngăn chặn thiệt hại và xử lý các hoạt động lừa đảo trực tuyến hiệu quả hơn", ông Sơn cho hay.
Không gian mạng đã trở thành một mặt trận mới trong cuộc sống hiện đại. Việc đảm bảo an ninh thông tin trên mạng trở thành nhiệm vụ thiết yếu để bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự xã hội. Mỗi người dân có thể góp phần vào nhiệm vụ này bằng cách cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, giúp lực lượng chức năng nhanh chóng phát hiện và xử lý các mối đe dọa. Đây không chỉ là cách bảo vệ an ninh mạng mà còn là cách bảo vệ chính bản thân, gia đình và cộng đồng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!