Bình dân học vụ số là phổ cập tri thức công nghệ, kỹ năng số cho toàn dân, đóng vai trò đặc biệt quan trọng và cấp bách trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Tại lễ phát động phong trào Bình dân học vụ số và ra mắt nền tảng học tập trực tuyến mới diễn ra ngày 26/3 tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh tầm quan trọng của nhiệm vụ này.
Nền tảng Bình dân học vụ số tại địa chỉ binhdanhocvuso.gov.vn, sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn quốc từ ngày 1/4/2025.
Nền tảng Bình dân học vụ số tại địa chỉ binhdanhocvuso.gov.vn hiện đã sẵn sàng đưa vào vận hành chính thức trên toàn quốc từ ngày 1/4 sắp tới. Nền tảng được thiết kế nhằm kết nối với các hệ thống số khác, phục vụ hiệu quả công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Đây là hành động cụ thể hóa Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đồng thời hưởng ứng và thực hiện theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc triển khai phong trào Bình dân học vụ số và học tập suốt đời.
Cách đây 80 năm, sau Cách mạng Tháng Tám, khi 90% dân số Việt Nam còn mù chữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào Bình dân học vụ – một chiến dịch lớn nhằm xóa mù chữ cho người lớn, đặc biệt là nông dân, công nhân và người lao động nghèo. Phong trào ấy không chỉ nâng cao dân trí mà còn trở thành biểu tượng của tinh thần tự học và học tập suốt đời. Ngày nay, trong kỷ nguyên số và hướng tới xã hội thông minh, tinh thần ấy đang được kế thừa và phát triển dưới hình thức mới – Bình dân học vụ số, với sứ mệnh phổ cập kiến thức, kỹ năng số đến mọi tầng lớp nhân dân, để không ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình số hóa đất nước.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Hải Tùng, Hiệu trưởng Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội, đơn vị trực tiếp phát triển nền tảng, chia sẻ: "Từ hơn 5 năm trước, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, nhà trường đã triển khai thử nghiệm hệ thống học trực tuyến theo mô hình MOOC (khóa học đại chúng mở), truyền cảm hứng từ các nền tảng như Coursera, Udemy,... Mục tiêu là giúp hàng triệu người dân có thể học tập mọi lúc, mọi nơi".
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Hải Tùng, Hiệu trưởng Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội, chia sẻ nhiều thông tin quan trọng liên quan đến nền tảng Bình dân học vụ số.
Từ những thành công bước đầu với hơn 200 môn học và 6.000 sinh viên, nhà trường đã triển khai nhiều khóa học miễn phí cho cộng đồng như lập trình cho trẻ em, nhận thức về chuyển đổi số, an toàn thông tin… thu hút hơn 10.000 người chỉ trong vài tháng. Khi Đề án 06 được triển khai toàn quốc, nền tảng này tiếp tục được sử dụng để đào tạo hơn 200.000 cán bộ, công chức, viên chức trên cả nước về chuyển đổi số và an toàn thông tin, hoàn toàn miễn phí và hiệu quả.
Với sự hỗ trợ từ Bộ Công an và các đơn vị công nghệ, nền tảng Bình dân học vụ số đã được nâng cấp với các tính năng mới như: tích hợp đăng nhập qua VNeID, sử dụng AI giám sát học tập, cấp chứng nhận qua blockchain… Sẵn sàng đưa vào vận hành toàn quốc từ ngày 1/4, nền tảng hứa hẹn sẽ góp phần mạnh mẽ vào phong trào nâng cao kỹ năng số cho toàn dân.
Các cụ ông, cụ bà tham gia lớp học công nghệ do Thành Đoàn TP.HCM tổ chức, nhằm giúp người cao tuổi tiếp cận với các kỹ năng số cơ bản.
PGS.TS. Tạ Hải Tùng cho biết, sau 5 năm phát triển nền tảng học trực tuyến, hiện hệ thống đã khá hoàn chỉnh và sẵn sàng mở rộng ra toàn quốc. Tuy nhiên, vẫn còn một số thách thức cần giải quyết.
Theo ông, nhờ sự đầu tư của Nhà nước và doanh nghiệp, hạ tầng kỹ thuật như máy chủ, đường truyền đã được cải thiện đáng kể. Việc triển khai thử nghiệm vệ tinh viễn thông tầm thấp trong thời gian tới cũng sẽ giúp người dân vùng sâu, vùng xa dễ dàng tiếp cận Internet. Thiết bị thông minh hiện nay phổ biến hơn và giá thành ngày càng hợp lý. Với những đối tượng khó khăn, có thể huy động nguồn lực xã hội hóa, quyên góp thiết bị cũ còn sử dụng tốt hoặc trang bị thiết bị tại các điểm văn hóa cộng đồng.
Tại các vùng sâu, vùng xa của tỉnh Hà Giang, người dân đã bắt đầu làm quen với việc sử dụng công nghệ và các nền tảng số trong đời sống hàng ngày.
"Vấn đề quan trọng nhất vẫn là nội dung đào tạo. Học liệu cần phải hấp dẫn, dễ hiểu và thiết thực với người dân, giúp họ tự tin sử dụng dịch vụ công, sống an toàn và hiệu quả trên không gian số. Đây chính là chìa khóa để phong trào Bình dân học vụ số thực sự lan tỏa và tạo chuyển biến mạnh mẽ trong cộng đồng", ông Tùng nhấn mạnh.
Theo PGS.TS. Tạ Hải Tùng, để người dân, đặc biệt là người cao tuổi và người ở vùng sâu vùng xa có thể tự tin tiếp cận môi trường số, các khóa học cần được thiết kế theo nhiều cấp độ. Trong đó, ở cấp độ cơ bản, người học cần được trang bị: Kỹ năng sử dụng thiết bị thông minh một cách thành thạo và an toàn; Khả năng tiếp cận và sử dụng hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến; Kiến thức để bảo vệ bản thân và người thân trên không gian mạng, phòng tránh rủi ro và lừa đảo.
"Khi đã tự tin, người dân không chỉ dùng tốt dịch vụ công mà còn có thể áp dụng công nghệ số để cải thiện cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình, thậm chí tạo ra giá trị cho cộng đồng," ông Tùng chia sẻ thêm.
Nhiều người dân, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, miền núi và người cao tuổi, chưa thấy rõ lợi ích thiết thực của kỹ năng số.
Về vấn đề kinh phí, ông Tùng thừa nhận đây là một thách thức, nhưng hoàn toàn có thể giải quyết. Hạ tầng và thiết bị có thể được hỗ trợ từ các chương trình Nhà nước. Quan trọng nhất là giữ đúng tinh thần "bình dân", học miễn phí cho toàn dân.
Để duy trì nền tảng bền vững, ông Tùng đề xuất mô hình hợp tác công – tư: ngoài các khóa học miễn phí cho cộng đồng, nền tảng có thể triển khai các chương trình đào tạo chuyên sâu cho doanh nghiệp, tổ chức. Điều này giúp tiết kiệm chi phí đào tạo truyền thống và tạo nguồn lực duy trì hệ thống lâu dài.
Trong kỷ nguyên số và hướng tới một xã hội thông minh, mỗi người cần chủ động học hỏi và thích nghi để không bị bỏ lại phía sau. Việc ứng dụng công nghệ đang hiện diện trong mọi lĩnh vực của đời sống, đặc biệt là sự chuyển đổi sang phương thức sản xuất số, nơi con người và trí tuệ nhân tạo phối hợp ngày càng chặt chẽ. Vì vậy, kiến thức về công nghệ, dữ liệu, trí tuệ nhân tạo; kỹ năng sử dụng công cụ số như điện thoại, phần mềm, nền tảng số; và khả năng bảo vệ thông tin cá nhân trên không gian mạng đã trở nên thiết yếu như việc biết đọc, biết viết trong xã hội hiện đại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!