Mỗi người bệnh sẽ được quản lý bằng một mã số duy nhất, giúp lưu trữ toàn bộ hồ sơ khám chữa bệnh. Nhờ đó, người bệnh không cần mang theo giấy tờ khi đi khám, còn bác sĩ có thể truy cập hồ sơ ở bất kỳ đâu. Với những ưu điểm vượt trội, bệnh án điện tử được xác định là mục tiêu chiến lược trong chuyển đổi số y tế quốc gia.
Mọi thông tin khám bệnh, xét nghiệm và kê đơn đều được lưu trữ đầy đủ trên hệ thống bệnh án điện tử.
Sau nhiều năm chuẩn bị, Chính phủ đã đặt mục tiêu đến hết tháng 9 năm nay, toàn bộ bệnh viện trên cả nước phải hoàn thành triển khai bệnh án điện tử. Tuy nhiên, đến nay, mới chỉ có hơn 150/1.650 bệnh viện thực hiện, tức chưa đạt 10%. Sau tỉnh Phú Thọ, Bắc Ninh là địa phương thứ hai hoàn thành triển khai hệ thống này.
Để triển khai bệnh án điện tử, cần tích hợp nhiều phần mềm khác nhau như quản lý bệnh nhân, bảo hiểm xã hội, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh... Hiện nay, nhiều bệnh viện đã ứng dụng các hệ thống công nghệ thông tin, nhưng việc liên thông dữ liệu vẫn là rào cản lớn. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu quy chuẩn và tiêu chuẩn đồng bộ.
"Hiện nay, có tới hơn 16 phần mềm bệnh án điện tử khác nhau, nhưng chưa có quy chuẩn dữ liệu chung, dẫn đến tình trạng mỗi bệnh viện dùng một phần mềm, gây khó khăn trong việc kết nối, đặc biệt giữa các tỉnh, thành", ông Trần Văn Tuyên, Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế cho biết.
Ông Trần Văn Tuyên, Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế cho biết về tình hình triển khai bệnh án điện tử tại các bệnh viện.
Có thể khẳng định rằng, hồ sơ bệnh án điện tử là một trong những mắt xích quan trọng nhất trong quá trình chuyển đổi số của ngành y tế, bởi nó liên quan trực tiếp đến người bệnh và đội ngũ y bác sĩ. Việc triển khai hệ thống này không chỉ giúp rút ngắn đáng kể hành trình chuyển đổi số, mà còn nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh.
Tuy nhiên, so với tổng số cơ sở y tế trên cả nước, số lượng bệnh viện đã áp dụng bệnh án điện tử vẫn còn khá khiêm tốn. Tính đến ngày 2/4, mới chỉ có 151/1.650 cơ sở y tế triển khai hệ thống này. Trong đó, có 39 bệnh viện hạng 1, 33 bệnh viện hạng 2, 51 bệnh viện hạng 3 và duy nhất một bệnh viện hạng đặc biệt là Bệnh viện Bạch Mai, là nơi đã chính thức áp dụng bệnh án điện tử từ tháng 10/2024.
Thực tế cho thấy, bệnh án điện tử bước đầu mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp giảm thiểu chi phí in ấn phim và giấy tờ, đồng thời bảo đảm việc lưu trữ đầy đủ quá trình khám, điều trị của người bệnh. Theo thống kê ban đầu, hệ thống này đã giúp ngành y tế tiết kiệm khoảng 70 tỷ đồng mỗi năm từ việc cắt giảm chi phí in phim và giấy tờ.
Bệnh án điện tử bước đầu mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp ngành y tế tiết kiệm khoảng 70 tỷ đồng mỗi năm từ việc cắt giảm chi phí in phim và giấy tờ.
"Một bệnh viện muốn triển khai bệnh án điện tử phải đầu tư hàng chục tỷ đồng cho hạ tầng công nghệ, nhân lực và phần mềm. Hiện nay, đa phần các bệnh viện đang phải tự cân đối chi phí từ nguồn thu để đầu tư cho công nghệ thông tin và bệnh án điện tử. Dù Luật Khám, chữa bệnh năm 2023 và Nghị định 96 đã cho phép kết cấu chi phí công nghệ thông tin vào giá dịch vụ y tế, nhưng định mức kinh tế kỹ thuật hiện vẫn chưa hoàn thiện, gây khó khăn trong việc huy động và sử dụng nguồn lực", ông Tuyên chia sẻ.
Tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 07 nhằm đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022–2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành và địa phương.
Theo Chỉ thị, từ năm 2025 và những năm tiếp theo, Bộ Y tế được giao nhiệm vụ triển khai thí điểm hệ thống điều phối dữ liệu y tế tại Bệnh viện Bạch Mai, kết nối với các cơ sở y tế tại Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bệnh viện Chợ Rẫy và các cơ sở tại Bình Dương, An Giang. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu 100% bệnh viện trên toàn quốc phải triển khai bệnh án điện tử có liên thông dữ liệu và hoàn thành trong tháng 9 năm nay. Bộ Y tế cũng được giao hướng dẫn cụ thể về chi phí đầu tư hoặc thuê dịch vụ công nghệ thông tin để đẩy mạnh chuyển đổi số tại các bệnh viện trên cả nước.
Một trong những lý do khiến các bệnh viện lớn như Việt Đức, Chợ Rẫy, 108 hay Trung ương Huế dù có hạ tầng tốt vẫn chưa triển khai bệnh án điện tử là vì độ phức tạp về chuyên môn, khối lượng dữ liệu khổng lồ và chưa có mẫu bệnh án điện tử thống nhất.
"Chúng tôi đang gấp rút xây dựng hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, thống nhất từ cấu trúc dữ liệu, thuật ngữ chuyên ngành cho đến mẫu bệnh án điện tử. Đây là giải pháp cốt lõi để thúc đẩy liên thông dữ liệu", ông Tuyên khẳng định.
Tính đến ngày 2/4, cả nước mới chỉ có 151/1.650 cơ sở y tế triển khai bệnh án điện tử.
Khi được hỏi liệu có cần áp dụng chế tài xử phạt đối với những bệnh viện không hoàn thành đúng tiến độ, ông Tuyên cho biết, Bộ Y tế sẽ tham mưu, xem xét cụ thể và báo cáo Trung ương, Chính phủ để có hướng xử lý phù hợp.
Nếu hoàn thành bệnh án điện tử đúng thời hạn, ngành y tế sẽ nắm trong tay một kho dữ liệu khổng lồ, là tiền đề cho ứng dụng trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn và cá nhân hóa điều trị.
"Lúc đó, bài toán đặt ra không chỉ là quản lý, mà là khai thác hiệu quả dữ liệu, đảm bảo an toàn, bảo mật và liên kết chia sẻ thông tin giữa ngành y tế, bảo hiểm và các ngành khác", ông Tuyên nhận định.
Bệnh án điện tử được Bộ Y tế xác định là một trong những nội dung cốt lõi của quá trình chuyển đổi số ngành y tế. Thậm chí, nhiều ý kiến cho rằng nếu triển khai thành công bệnh án điện tử và loại bỏ hoàn toàn bệnh án giấy, thì có thể xem như đã hoàn thành tới 70% chặng đường chuyển đổi số. 30% còn lại sẽ đến từ việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn hay các nền tảng công nghệ cao khác.
Lợi ích lớn nhất là người dân sẽ được khám chữa bệnh nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm thời gian và chi phí. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, cần hoàn thiện thêm hành lang pháp lý, có quy định rõ ràng và cơ chế tài chính cụ thể. Quan trọng hơn cả vẫn là sự chủ động và quyết tâm từ chính các bệnh viện và địa phương – yếu tố mang tính quyết định cho thành công của cuộc cách mạng số trong y tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!