Mặc dù là người mất đất, nhưng các hộ dân lại không được nhận tiền bồi thường, mà tiền lại được chuyển cho đối tượng khác không có quyền lợi. Vì sao lại như vậy? Phóng viên VTV đã có mặt tại địa phương để tìm hiểu sự việc.
Năm 1994, khu đất đã được thành phố Hà Nội giao cho Công ty công trình giao thông 118 để xây dựng nhà làm việc kết hợp nhà ở cho cán bộ công nhân viên.
Thời điểm đó, có 37 cán bộ công nhân viên nộp tiền cho công ty và công ty đã nộp tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho nhà nước, sau đó giao đất cho cán bộ công nhân viên xây nhà ở.
Ông Tạo, người bị thu hồi đất cho biết, một thời gian sau, khu đất lại bị quy hoạch vào nút giao thông đường Phạm Văn Đồng và khu đô thị Tây Hồ Tây. Vì vậy, một số nhà đang xây dựng phải dừng lại.
Năm 2010, khi dự án tiến hành giải phóng mặt bằng, người dân lại không được bồi thường hỗ trợ về đất, mà đơn vị được hưởng lại là Công ty Cổ phần 118 với số tiền trên 78 tỷ đồng.
Trong quãng thời gian đó, công ty cũng tiến hành cổ phần hóa và thống nhất không đưa khu đất này vào giá trị cổ phần hóa, vì cho đây là tài sản của các hộ dân. Tuy nhiên điều bất thường là năm 2010, khi dự án tiến hành giải phóng mặt bằng, người dân lại không được bồi thường hỗ trợ về đất, mà đơn vị được hưởng lại là Công ty Cổ phần 118 với số tiền trên 78 tỷ đồng.
Tiền không được nhận, đất tái định cư cũng không có, 14 năm ròng rã đi đòi quyền lợi, cuối cùng đến giữa năm 2024, thành phố Hà Nội cũng đã chỉ đạo quận Bắc Từ Liêm thu hồi số tiền đã chi trả cho Công ty Cổ phần 118, đồng thời điều chỉnh phương án chi trả tiền bồi thường cho 37 hộ dân. Tuy nhiên số tiền người dân nhận được chỉ bằng đúng số tiền của 14 năm trước.
"Cố tình chiếm đoạt tài sản người khác. Tôi đề nghị cơ quan chức năng điều tra thật kỹ để khẳng định ai có tội, ai không có tội trong vụ này, không thể để 78 tỷ tiền ngân sách nhà nước trôi nổi 14 năm trời", ông Hà Huy Thưởng (người dân bị thu hồi đất, dự án nút giao đường Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đề xuất.
"Đáng lẽ thành phố phải trả tiền cho chúng tôi từ năm 2010, nhưng sau 14 năm mới trả, đồng tiền trượt giá. Anh Nguyễn Tuấn Hải đã gửi tiết kiệm vào ngân hàng 11,8%/năm số tiền đó. Bây giờ tiền lãi đó để đâu?", ông Ngô Văn Lân (người dân bị thu hồi đất, dự án nút giao đường Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) bức xúc nói.
Được biết, năm 2010, Công ty Cổ phần 118 đề xuất thành phố Hà Nội bố trí một khu đất khác để công ty xây văn phòng và nhà cho công nhân để tái định cư cho cán bộ công nhân viên bị thu hồi đất. Tuy nhiên quỹ đất đã có, nhưng tái định cư cho các hộ cũng không thấy đâu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!