Bảo vệ vườn cây ăn trái trước xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long

Quốc Thới, Út Cưng, Nguyên Du-Thứ tư, ngày 26/02/2025 11:31 GMT+7

bangdatally.xyz - Người dân ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã dần thích nghi và chủ động hơn trong phòng chống xâm nhập mặn suốt nhiều năm qua.

Đầu mùa khô năm nay, anh Kiệt đã chủ động các giải pháp để bảo vệ 1,5 héc ta vườn mít của gia đình như cắt cành, tỉa nhánh để hạn chế cung cấp nước cho cây. Ngoài ra, anh còn thường xuyên xem thông tin về độ mặn trên các nhóm Zalo của địa phương cung cấp. Đặc biệt, lắp đặt hẳn hệ thống tưới tiết kiệm cho 1.000 cây mít.

Bảo vệ vườn cây ăn trái trước xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 1.

Anh Đặn Tuấn Kiệt, xã An Lạc Tây, huyện Kế Sách, Sóc Trăng cho biết: "Theo như hệ thống tưới nước tiết kiệm thì mình tưới để giữ ẩm cho cây khi mặn kéo dài. Mình thấy rất là hiệu quả, cây mình ít bị thiệt hại".

Còn tại tỉnh Tiền Giang, địa phương đã đầu tư 16 giếng ngầm dự phòng phục vụ tưới tiêu cho các xã cù lao của huyện Cai Lậy có diện tích trồng sầu riêng lớn của tỉnh. Những ngày đầu cao điểm hạn mặn, ngành chức năng đang tiến hành kiểm tra, bảo trì đảm bảo công trình vận hành khi cần thiết.

Bảo vệ vườn cây ăn trái trước xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 2.

Ông Võ Văn Nghĩa, Xã Tam Bình, huyện Cai Lậy, Tiền Giang cho biết: "Nhân dân ở cồn Long Đức rất phấn khởi khi giếng hoạt động, vì khi hạn mặn thì nhân dân được sử dụng nước ở đây. Nếu không có giếng thì mua nước rất đắt, mấy năm trước sà lan mang nước đến bán một khối mấy chục ngàn, mình mua bơm vô tưới một ngày là hết".

Các giải pháp công trình cũng giúp cho việc sản xuất chủ động hơn. Những năm qua, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư nhiều công trình kiểm soát nguồn nước trọng điểm ở ĐBSCL. Nhờ đó, phát huy hiệu quả tích cực trong ứng phó với xâm nhập mặn. Đơn cử như cống Âu Rạch Mọp.

Bảo vệ vườn cây ăn trái trước xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Cống âu Rạch Mọp là một trong những cống không lớn nhưng nếu hoàn thành cống này cộng với một số cống nhỏ khác thì sẽ bảo vệ được khoảng 20.000 héc ta cho tỉnh Sóc Trăng thì đây là diện tích rất là lớn".

Xâm nhập mặn mùa khô 2024 - 2025 hiện đang bước vào giai đoạn gay gắt. Những nỗ lực của Chính phủ, ngành nông nghiệp, các địa phương và bà con nông dân sẽ góp phần hạn chế được những thiệt hại, bảo vệ sản xuất an toàn trước tác động của biến đổi khí hậu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước