Bảo hiểm thất nghiệp: Không chỉ là trợ cấp, mà là công cụ quản trị thị trường lao động

Ngọc Lan-Thứ năm, ngày 03/04/2025 10:48 GMT+7

bangdatally.xyz - Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi tập trung hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp thích ứng linh hoạt với thị trường lao động.

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp là một trong những trụ cột quan trọng của hệ thống an sinh xã hội, nhằm hỗ trợ người lao động bù đắp một phần thu nhập khi bị mất việc làm tạm thời. Không chỉ dừng lại ở việc chi trả trợ cấp, chính sách này còn đóng vai trò hỗ trợ người lao động quay lại thị trường lao động thông qua tư vấn, giới thiệu việc làm và đào tạo nghề.

Bảo hiểm thất nghiệp: Không chỉ là trợ cấp, mà là công cụ quản trị thị trường lao động - Ảnh 1.

Những ngày đầu năm, tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, mỗi ngày tiếp nhận hàng chục lao động đến làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Hiện nay, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đang được lấy ý kiến và dự kiến sẽ được trình Quốc hội khóa XV xem xét tại kỳ họp tháng 5 tới. Một trong những điểm mới đáng chú ý của dự thảo lần này là việc hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng biến đây thành công cụ quản trị thị trường lao động hiệu quả, thúc đẩy phát triển kỹ năng nghề và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quốc gia.

Bảo hiểm thất nghiệp từ lâu đã được coi là một trong những trụ cột quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội. Tuy nhiên, theo ông Trần Tuấn Tú, Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Cục Việc làm, Bộ Nội vụ, thời điểm hiện tại cần nhìn nhận lại vai trò của chính sách này ở góc độ sâu hơn, không chỉ là giải pháp tình thế mà là cơ chế hỗ trợ chủ động. "Người lao động khi mất việc không chỉ nhận được khoản trợ cấp, mà còn được hỗ trợ đào tạo nghề, tư vấn việc làm, từ đó nhanh chóng quay lại thị trường với kỹ năng tốt hơn, công việc phù hợp hơn", ông Tú cho biết.

Bảo hiểm thất nghiệp: Không chỉ là trợ cấp, mà là công cụ quản trị thị trường lao động - Ảnh 2.

Ông Trần Tuấn Tú, Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Cục Việc làm, Bộ Nội vụ cho biết về trò của chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

Không dừng lại ở đó, doanh nghiệp cũng là đối tượng được hưởng lợi từ chính sách này. Khi người lao động còn đang làm việc, quỹ bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ chi phí đào tạo nâng cao tay nghề – một phần nghĩa vụ vốn thuộc về doanh nghiệp theo Luật Lao động. Trong giai đoạn 2015–2023, trung bình mỗi năm có khoảng 826.000 người hưởng trợ cấp thất nghiệp, riêng năm 2020 con số vượt mốc 1 triệu người, tương đương 6–8% số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Mỗi năm, quỹ chi trả bình quân khoảng 10.000 tỷ đồng. Ông Tú nhận định, đây không phải là tín hiệu tiêu cực.

"Thị trường lao động ở Việt Nam rất linh hoạt, chuyển dịch việc làm diễn ra thường xuyên. Do đó, số người nhận trợ cấp tăng cũng phản ánh thực tế là người lao động đã chủ động hơn trong việc tham gia và sử dụng chính sách đúng lúc", ông Tú nói.

Tính đến cuối năm 2024, đã có hơn 16 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, gấp gần ba lần so với năm 2009. Trong giai đoạn dịch COVID-19, quỹ này đã hỗ trợ tiền mặt cho hơn 13 triệu lao động và giảm đóng bảo hiểm cho hơn 400.000 doanh nghiệp, cho thấy tiềm lực cũng như tính hiệu quả khi vận hành đúng hướng.

Bảo hiểm thất nghiệp: Không chỉ là trợ cấp, mà là công cụ quản trị thị trường lao động - Ảnh 3.

Thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh các hình thức tư vấn, hỗ trợ việc làm trực tiếp, trực tuyến cho đến lưu động để giúp người lao động tăng cơ hội tìm kiếm việc làm.

Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi lần này kế thừa tinh thần Nghị quyết 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, với nhiều điểm mới đáng chú ý:

Mở rộng diện bao phủ: Người lao động có cơ hội tiếp cận chính sách sớm hơn, nhiều hơn.

Linh hoạt mức đóng: Cho phép điều chỉnh tạm thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn.

Hỗ trợ đối tượng yếu thế: Doanh nghiệp sử dụng người lao động khuyết tật sẽ được hỗ trợ đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Đơn giản hóa thủ tục: Người lao động được học nghề ở tỉnh khác nếu nơi cư trú không có ngành đào tạo phù hợp.

"Chúng tôi hướng đến một chính sách không chỉ dễ tiếp cận mà còn thực sự hữu ích, hỗ trợ cả người lao động lẫn người sử dụng lao động vượt qua rủi ro, sớm ổn định việc làm. Đây là chính sách chia sẻ rủi ro, nhiều người cùng đóng, ít người hưởng. Nhưng nếu rơi vào thất nghiệp, người lao động không chỉ được ‘nuôi sống’ bằng trợ cấp, mà còn được ‘trao cần câu’ là kỹ năng, là cơ hội tìm việc", ông Tú chia sẻ.

Bảo hiểm thất nghiệp: Không chỉ là trợ cấp, mà là công cụ quản trị thị trường lao động - Ảnh 4.

Việc dạy nghề, dạy kỹ năng cho người lao động chính là một chính sách an sinh của bảo hiểm thất nghiệp.

Trong tương lai, khi thị trường lao động ngày càng cạnh tranh và thay đổi nhanh, vai trò kép của bảo hiểm thất nghiệp là vừa hỗ trợ tạm thời, vừa thúc đẩy tái hòa nhập thị trường sẽ ngày càng rõ nét. Cùng với đà phục hồi và phát triển của thị trường lao động năm 2024 với số người có việc làm tăng, thu nhập cải thiện, vẫn còn hơn một triệu người trong độ tuổi lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp. Điều đó cho thấy, hệ thống an sinh cần một bước chuyển mạnh mẽ. Luật Việc làm sửa đổi đang mở ra hướng tiếp cận mới: xem thất nghiệp là cơ hội tái cấu trúc kỹ năng, kết nối việc làm, thay vì là thời điểm tạm dừng đóng góp cho xã hội.

"Chính sách bảo hiểm thất nghiệp phải là nơi giữ nhịp cho thị trường lao động, đảm bảo mọi người lao động đều có cơ hội quay trở lại mạnh mẽ hơn, sớm hơn và phù hợp hơn", ông Tú nhấn mạnh.

Khi rơi vào hoàn cảnh thất nghiệp, người lao động không chỉ cần một khoản trợ cấp tạm thời "con cá" mà quan trọng hơn là phải được trao "cần câu", tức là công cụ và điều kiện để tự vượt qua giai đoạn khó khăn, nhanh chóng quay lại thị trường lao động. Chính vì vậy, trong lần sửa đổi này, Luật Việc làm đã bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến điều kiện hỗ trợ người sử dụng lao động trong việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động. Đồng thời, các chính sách tư vấn, giới thiệu việc làm cũng được điều chỉnh, bổ sung để sát thực tế và hiệu quả hơn.

Người lao động được tiếp cận các chương trình đào tạo sớm hơn, kỹ năng nghề được nâng cao, từ đó có nhiều cơ hội quay lại làm việc phù hợp, ổn định cuộc sống, tiếp tục tham gia bảo hiểm và hưởng đầy đủ các quyền lợi an sinh. Như vậy, thất nghiệp không còn bị hiểu đơn thuần là không có việc làm, mà trở thành khoảng thời gian chuyển tiếp để người lao động chuẩn bị hành trang tốt hơn cả về kỹ năng và cơ hội cho công việc tiếp theo, phù hợp nhất với nhu cầu của thị trường.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước